Đầu xuân năm nay, tiết trời khô ráo, ấm áp giúp công việc đồng áng của bà con nông dân trở nên thuận lợi hơn. Tại những cánh đồng vụ xuân chưa gieo cấy xong, không khí đã dần trở nên rộn rã khi người dân bắt đầu ra quân sản xuất từ ngày mùng 4 Tết. Người làm đất, người bơm nước, người kiểm tra sự sinh trưởng của cây mạ…
Có gần 4 sào lúa tại vùng trũng thấp đang chờ cấy nên bà Nguyễn Thị Lý (TDP Nam Quang, phường Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) đã phấn khởi ra đồng từ ngày mùng 4 Tết. Bà Lý chia sẻ: “Mấy ngày hôm nay thời tiết tốt nên tôi xuống đồng để xem tình hình thế nào, thuê máy cày xáo lại đất lần cuối trước khi cấy. Gia đình vụ này chủ yếu sản xuất giống Bắc Thịnh, VNR20… và đã hoàn thành bắc mạ từ hơn 20 ngày trước. Hiện nay, mạ gặp nắng ấm nên đã phát triển chắc khỏe, đủ tuổi cấy”.
Cách đó ông xa, con “trâu sắt” của ông Mai Văn Khoan (TDP Nam Quang, phường Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) đã “xông đất”, miệt mài cày những thửa ruộng đầu tiên trong năm.
Ông Khoan chia sẻ: “Tại phường Thạch Trung, nhiều khu vực trũng thấp, ngập nước nên chưa làm được trước tết, bây giờ, bà con đang chờ máy làm đất để đưa mạ non về cấy nên mình cũng phải tranh thủ ra đồng sớm. Chúng tôi không mong gì hơn ngoài năm mới mưa thuận gió hòa, cây cối sinh sôi phát triển, mùa màng bội thu”.
Trên các cánh đồng của huyện Can Lộc, màu xanh của mùa xuân, của lúa non đã trải dài bất tận khắp đồng trên xóm dưới. Thời điểm này, các trà lúa xuân trên địa bàn phát triển tốt, cây lúa đang trong giai đoạn bén rễ, đẻ nhánh. Bà con nông dân gác lại những ngày vui tết, sum vầy cùng gia đình, chủ động bám đồng để theo dõi sự sinh trưởng của cây lúa, phòng trừ các đối tượng dịch hại ngay từ đầu vụ với mong ước gặt hái mùa vàng.
Bà Trần Thị Mai (thôn Đoàn Kết, xã Thiên Lộc, Can Lộc) cho biết: “Chủ động sản xuất trên cánh đồng lớn, hiện lúa đang bước vào giai đoạn bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh. Thời điểm này, thời tiết diễn biến phức tạp, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn, ruồi đục nõn hại lúa,… bắt đầu xuất hiện. Vì thế, từ ngày mồng 4 Tết tôi đã đi kiểm tra diện tích lúa đã gieo, đồng thời có các biện pháp bảo vệ giúp lúa sinh trưởng tốt”.
Theo ông Phan Cao Kỳ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc, vụ xuân năm 2025, địa phương tổ chức gieo cấy 9.167 ha, trong đó hơn 5.900 ha sản xuất tập trung theo bộ cơ cấu giống của tỉnh gồm: các giống lúa thuần (HT1, Nếp 98, Nếp 87, Khang dân đột biến, Khang dân 18), lúa lai (Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, Lai thơm 6)...
Để đảm bảo mùa vụ thắng lợi, huyện đã tập trung thực hiện chuyển đổi ruộng đất, dồn điền, đổi thửa và phá bỏ bờ thửa nhỏ để chỉnh trang đồng ruộng, hình thành ô thửa lớn, cánh đồng lớn; đưa cơ giới hóa vào sản xuất; chỉ đạo sản xuất bám lịch thời vụ gieo cấy tập trung.
Thời điểm này, huyện Can Lộc cũng đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp chăm sóc lúa xuân như: lấy nước mức độ phù hợp vào các chân rộng; chú trọng phòng trừ sâu bệnh; chuẩn bị dặm tỉa đảm bảo mật độ cây trồng theo quy trình kỹ thuật; tiến hành bón thúc đợt 1 để tạo đà cho lúa đẻ nhánh, sinh trưởng và phát triển tốt.
Tại huyện Cẩm Xuyên, sau những ngày bận rộn vui tết, đón xuân, bà con nông dân cũng đã tích cực xuống đồng để bón đạm, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, kiểm tra sự phát triển của lúa non. Ai cũng hồ hởi, phấn khởi gửi gắm mong muốn mùa màng tươi tốt, bội thu.
Anh Trần Xuân Tuấn (thôn 4, xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) cho biết: “Sản xuất gần 2 mẫu lúa các giống đại trà và giống năng suất cao như: Nếp 98, Khang dân 18,... gia đình tôi đã hoàn thành gieo thẳng từ trước tết. Đầu xuân, thời tiết thuận lợi, nắng ấm, tôi ra đồng thăm lúa, tiến hành bón đạm đợt 1 để giúp cây phát triển, đẻ nhánh, ra lá, phát triển bộ rễ, tăng chiều cao”.
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết: "Theo kế hoạch, vụ xuân năm 2025, toàn tỉnh sản xuất 59.200 lúa các loại. Đến thời điểm này, nông dân Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành việc gieo cấy lúa xuân. Thời gian tới, bà con nông dân cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình sinh trưởng của lúa xuân, từ đó có giải pháp chăm sóc kịp thời khi thời tiết thuận lợi. Theo đó, nông dân cần duy trì mực nước trên mặt ruộng lúa thích hợp, tiến hành dặm tỉa theo quy trình kỹ thuật của từng bộ giống, đảm bảo mật độ phù hợp, sau đó tiến hành bón thức, tạo đà cho lúa đẻ nhánh, sinh trưởng. Ngoài ra, các địa phương cũng cần chủ động công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo các đối tượng dịch hại ngay từ đầu vụ, để hướng dẫn nông dân chủ tập trung phòng trừ kịp thời, đảm bảo sự phát triển của cây lúa.