Bà Trần Thị Thiêm ở thôn Thọ Tường (xã Liên Minh) cho biết: "Giữa tháng 2 là thời gian thích hợp để tỉa dặm lúa xuân, chuẩn bị cho kỳ bón thúc đầu tiên của vụ xuân. Những năm gần đây, ruộng đã được tập trung về một nơi nên 2 ông bà sản xuất 3 sào rất thuận tiện. Khi lúa bắt đầu phát triển, chúng tôi quây ni-lông hạn chế được chuột gây hại, công tỉa dặm cũng bớt đi, rút ngắn thời gian hơn".
![Trên các cánh đồng ở xã ngoài đê Liên Minh, không khí lao động sản xuất đã nhộn nhịp từ nhiều ngày nay. bqbht_br_5.jpg](https://cdn.baohatinh.vn/images/5068a7745291d448b5c5a1847777347ad45e6efdeab0a57c20da718ebe9a90c359c1f4817d546ae4378a50074fe0561b/bht_brd_5.jpg)
Nhờ hoàn thành gieo cấy trước tết Nguyên đán nên các cánh đồng lúa xã Liên Minh tránh được những đợt rét đậm, đang phát triển khá tốt. Bên cạnh đó, mấy năm nay, nhờ chủ trương cải tạo, chuyển đổi ruộng đất, địa phương cũng thực hiện san phẳng các cồn, bãi, xóa được nơi trú ngụ của chuột. Do đó, từ đầu vụ xuân đến nay, nạn chuột phá hại cũng giảm đáng kể.
![Bà con nông dân bắt đầu bón thúc đợt 1 cho lúa xuân. Bà con nông dân bắt đầu bón thúc đợt 1 cho lúa xuân.](https://cdn.baohatinh.vn/images/5068a7745291d448b5c5a1847777347a6bdf15028fc5efaae44de71870b91e9859c1f4817d546ae4378a50074fe0561b/bht_brd_4.jpg)
Bà con nông dân bắt đầu bón thúc đợt 1 cho lúa xuân.
Cùng với lúa, đây cũng là thời gian bà con nông dân Đức Thọ tập trung chăm sóc các loại hoa màu, chuẩn bị bón thúc cho kỳ sinh trưởng quan trọng. Tại xã Tùng Châu, bà con nông dân đang ra đồng xới xáo, làm cỏ cho diện tích ngô, lạc.
![Người dân làm cỏ, vùn gốc cho cây ngô. bqbht_br_9.jpg](https://cdn.baohatinh.vn/images/5068a7745291d448b5c5a1847777347a6ce7449daef4d9526f7259ba8e1d18c759c1f4817d546ae4378a50074fe0561b/bht_brd_9.jpg)
Anh Trần Xuân Thông ở thôn Thịnh Kim, xã Tùng Châu cho biết: "Vụ xuân này, gia đình sản xuất 6 sào cả ngô và lạc. Đến thời điểm này, các loại cây trồng của gia đình phát triển tốt. Tranh thủ thời tiết nắng ráo, tôi tập trung làm cỏ, vùn gốc và bón thúc đạm. Năm nay, tôi chủ yếu sử dụng giống lạc năng suất, chất lượng cao L14, còn ngô thì trồng giống ngô nếp để bán được giá hơn vào cuối vụ".
Vụ xuân 2025, xã Tùng Châu sản xuất gần 570 ha cây trồng các loại, trong đó 320 ha lúa, 165 ha lạc, 85 ha ngô. Địa phương đã chỉ đạo bà con nông dân tập trung xuống giống các loại từ trước Tết đảm bảo cơ cấu, lịch thời vụ. Theo ghi nhận, các loại cây trồng đang phát triển tốt, chưa phát sinh sâu và bệnh gây hại.
Ông Đậu Thanh Tịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Châu cho biết: "Sau tết Nguyên đán, địa phương đã đôn đốc bà con tập trung thăm đồng, sắp xếp thời gian chăm sóc. Đối với lúa, chỉ đạo HTX bơm nước kịp thời, đầy đủ, tạo điều kiện để bà con chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đối với ngô và lạc, xã cũng khép kín diện tích, chủ yếu là giống lạc cao sản L14, đặc biệt, 100% diện tích đều được bà con phủ ni-lông nên hạn chế cỏ gây hại".
![Các loại cây trồng đang phát triển tốt, chưa phát sinh sâu - bệnh gây hại. bqbht_br_10.jpg](https://cdn.baohatinh.vn/images/5068a7745291d448b5c5a1847777347a648f949ab7022210aaaaab38aac584a4d03f4d1f428c5566728a907765344866/bht_brd_10.jpg)
Đức Thọ đã hoàn thành 100% kế hoạch sản xuất vụ xuân với 6.300 ha lúa, trên 2.500 ha ngô, lạc và rau màu các loại. Năm nay, nhiều địa phương đã thực hiện thành công chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện để xây dựng cánh đồng lớn với diện tích tối thiểu 10 ha/vùng. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới vào sản xuất, giải phóng được phần lớn sức lao động mà còn giúp địa phương ứng dụng nhiều bộ giống chất lượng, năng suất cao, từng bước hiện đại hóa ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Nông dân phấn khởi chuyển đổi cơ cấu giống và tích cực chăm sóc, kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm các loại sâu và bệnh gây hại, bảo vệ sản xuất.
Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết: “Đây là thời điểm quan trọng nhất để bà con nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây trồng. Huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương chú trọng điều tiết nước, tiến hành dặm tỉa đảm bảo mật độ hợp lý, đặc biệt với diện tích lúa gieo thẳng; bón thúc đẻ nhánh, bón sớm, bón tập trung cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Ngoài ra, đây cũng là giai đoạn thuận lợi để các loại sâu bệnh phát sinh, gây hại, cần tập trung kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và tiến hành phòng trừ kịp thời, đặc biệt là chú trọng theo dõi và phòng trừ bọ trĩ, bệnh đạo ôn, ruồi đục nõn... trên cây lúa. Đối với các loại cây trồng cạn như ngô, lạc, cần tập trung làm cỏ, bón thúc để cây trồng phát triển đúng thời vụ.