Thông tin từ Chương trình tiêm chủng mở rộng ngày 11/4 cho biết, từ tháng 4/2018, vắc xin sởi – rubella do Việt Nam sản xuất đã được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi trong tiêm chủng mở rộng thay thế cho loại vắc xin sởi- rubella nhập khẩu lâu nay.
Từ tháng 4/2018, vắc xin sởi- rubella do Việt Nam asản xuất được đưa vào tiêm chủng cho trẻ trên quy mô toàn quốc
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó trưởng ban điều hành Dự án tiêm chủng mở rộng, ở các điểm tiêm chủng thường xuyên và các điểm tiêm chủng xã, phường cho thấy tính an toàn của vắc xin sởi- rubella do Việt Nam sản xuất và không ghi nhận bất kỳ phản ứng nặng nào sau tiêm. Kết quả thu được cho thấy tính an toàn tương tự như vắc xin sởi – rubella đã sử dụng như giai đoạn 2014 - 2016.
Trước khi được đưa vào sử dụng trên toàn quốc, từ tháng 3/2018, vắc xin sởi – rubella được đưa vào sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng bước đầu triển khai tại 4 tỉnh là Hà Nam, Bà Rịa- Vũng Tàu, Khánh Hòa và Đắc Nông cho hơn 7.000 trẻ, đến nay đã có hơn 50.000 trẻ tại 19 tình, thành phố được tiêm loại vắc xin này.
Trước đó, được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin sởi – rubella. Thành công này đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ 4 tại Châu Á sản xuất được loại vắc xin sởi- rubella sau Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Việc sản xuất thành công vắc xin phối hợp này góp phần nâng cao được vị thế của Việt Nam, nhất là ngành y tế trong công nghệ sản xuất vắc xin thế hệ mới có chất lượng cao. Việc tự chủ sản xuất được vắc xin giúp giảm ngân sách Nhà nước khi bớt được vắc xin nhập khẩu.
Riêng về tình hình bệnh sởi, từ sau tết nguyên đán đến nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hơn 100 trẻ bị sởi. Đáng nói là trong số ca bệnh sởi ghi nhận của năm 2018 đến thời điểm này có nhiều trẻ dưới 2 tháng tuổi đã mắc sởi, ho gà. Từ thực tế tình hình dịch bệnh này cho thấy miễn dịch sởi ở trẻ em thì có còn người lớn thì không. Và hiện nay trẻ em lại chính là hàng rào miễn dịch bệnh sởi cho cộng đồng.
Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo các gia đình cần tiếp tục đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Cũng liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh năm 2018, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề nghị Cục Y tế dự phòng, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia về việc đảm bảo bao phủ vắc xin với người lớn, đặc biệt tập trung cho các bà mẹ trong tuổi sinh đẻ về các bệnh sởi, ho gà, bạch hầu...
Việc sản xuất thành công vắc xin sởi- rubella, Việt Nam đã trở thành nước thứ 4 ở Châu Á có thể chủ động được vắc xin này
"Vừa rồi chúng tôi cũng chỉ đạo nghiên cứu vắc xin sởi để tiêm sớm hơn vì bình thường trẻ 9 tháng mới tiêm, nhưng nay có nhiều trẻ mới 6-9 tháng đã mắc, nên sẽ đẩy tiêm sớm hơn (hiện nay trẻ 9 tháng tuổi sẽ tiêm phòng sởi- PV)- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Đồng thời hiện nay, tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, đồng thời kết quả của một số nghiên cứu, đánh giá cho thấy miễn dịch bảo vệ phòng sởi ở phụ nữ mang thai thấp. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh sởi – rubella để chủ động phòng bệnh cho chính mình và phòng bệnh sởi, hội chứng rubella bẩm sinh với đa dị tật cho con.