Dấu ấn của thợ nề Đình Hoè tại các công trình xây dựng ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đôi bàn tay “tạc rồng, đắp phượng” của những người thợ tài hoa ở làng Đình Hoè xưa (nay là thôn Tây Sơn và Vĩnh Sơn) của xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã để lại dấu ấn đậm nét, tạo nên thương hiệu riêng của nghề truyền thống Đình Hòe tại các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Dấu ấn của thợ nề Đình Hoè tại các công trình xây dựng ở Hà Tĩnh

Công trình nhà thờ họ Nguyễn Hữu (thôn Thanh Cao, xã Thạch Khê) do các thợ nề ở xã Đỉnh Bàn xây dựng vào năm 2021.

Theo các cụ cao niên, làng Đình Hòe xưa xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVII. Thời điểm đó, người dân trong làng lao động bằng nhiều nghề để sinh sống như: nghề nông, nghề mộc, nghề muối...

Đặc biệt, làng có nghề thợ nề (hay còn gọi là thợ hồ) nổi tiếng khắp gần xa, hầu hết đàn ông trong làng đều tham gia làm nghề. Nói về sự nổi tiếng của làng, trong dân gian lưu truyền câu: “Thái Yên mộc tượng, Đình Hòe nề công” (nghĩa là: Làng Thái Yên nghề mộc, làng Đình Hòe nghề nề).

Dấu ấn của thợ nề Đình Hoè tại các công trình xây dựng ở Hà Tĩnh

Những con rồng được thợ nề làng Đình Hòe thực hiện thủ công với đôi bàn tay khéo léo, nghệ thuật.

Lúc bấy giờ, thợ nề ở làng Đình Hòe gây ấn tượng với trình độ tay nghề cao. Các công trình thợ Đình Hòe xây dựng có độ sắc nét và rất tinh xảo, nghệ thuật. Những đôi bàn tay tài hoa của làng đã tham gia xây dựng các công trình kiến trúc như: đình, chùa, miếu, nhà thờ họ, nhà ở… ở khắp gần, xa. Dân gian còn lưu truyền câu ca: "Đình Hoè đất chật người đông/ Người đi tứ xứ, vẽ rồng đắp nghê". Tiêu biểu là các kiến trúc cổ như: đền Voi Quỳ (Thạch Hà), đền Tương Bình (Thạch Hà), Võ Miếu (TP Hà Tĩnh), chùa Hương Tích (Can Lộc)... đều mang đậm dấu ấn của thợ Đình Hòe.

Dấu ấn của thợ nề Đình Hoè tại các công trình xây dựng ở Hà Tĩnh

Công trình nhà chuông tại chùa Thanh Quang ở thôn Văn Sơn (xã Đỉnh Bàn) do thợ nề Đình Hòe thực hiện trong năm 2020.

Với mong muốn gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của cha ông, năm 1985, HTX thủ công Đình Hoè được thành lập do ông Lê Thành làm chủ nhiệm, các thành viên đều là các thợ nề trong làng. Bằng bàn tay, khối óc sáng tạo của những người thợ, danh tiếng của nghề nề Đình Hòe nhanh chóng nổi danh khắp trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, bước sang thời kỳ đổi mới (năm 1986), do không nắm bắt được thị trường nên HTX đã giải tán, các tổ thợ chia ra hoạt động độc lập. Dù vậy, nghề nề ở làng Đình Hòe vẫn phát triển, không bị mai một như một số nghề truyền thống khác. Thợ nề Đình Hòe vẫn ngày đêm miệt mài với những công trình xây dựng.

Dấu ấn của thợ nề Đình Hoè tại các công trình xây dựng ở Hà Tĩnh

Nhà thượng điện chùa Thanh Quang được xây dựng theo lối kiến trúc xưa, đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mẩn của những người thợ Đình Hòe.

Đến tháng 12/2020, nghề nề Đình Hòe của xã Đỉnh Bàn được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống. Điều này đã tạo bước đệm cho những người làm nghề khi được nhiều khách hàng tìm tới, từ đó tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Hiện nay, bên cạnh các công trình kiến trúc như: đình, chùa, miếu, nhà thờ…, thợ nề Đình Hòe còn đảm nhận xây dựng các công trình mang tính hiện đại với những công trình như: biệt thự, nhà cao tầng, khách sạn.

Dấu ấn của thợ nề Đình Hoè tại các công trình xây dựng ở Hà Tĩnh

Buổi lễ ra mắt của HTX Nghề nề Đình Hòe vào tháng 5/2022. (Ảnh tư liệu).

Sau khi được công nhận là nghề truyền thống, để tiếp tục phát triển nghề, UBND xã Đỉnh Bàn đã thành lập HTX Nghề nề Đình Hoè. Đến ngày 6/5/2022, HTX chính thức hoạt động với 30 thành viên do ông Trương Văn Nghiêm đảm nhận vai trò Giám đốc.

Nói về nghề truyền thống của quê hương, ông Trương Văn Nghiêm chia sẻ: “Tiếp nối nghề của cha ông, chúng tôi - thế hệ con cháu luôn nỗ lực để gìn giữ và phát triển nghề. Các kỹ thuật xây dựng, tạc rồng, đắp phượng... đều được thế hệ đi trước lưu truyền, chỉ dạy cho chúng tôi. Hiện nay, nghề nề vẫn là nghề chính của người dân, đưa lại thu nhập khá ổn định”.

Dấu ấn của thợ nề Đình Hoè tại các công trình xây dựng ở Hà Tĩnh

Đền Thánh Mẫu ở thôn Tây Sơn (xã Đỉnh Bàn) cũng là một trong những công trình xây dựng do thợ nề Đình Hòe thực hiện.

“Tôi rất tự hào khi được gọi là “thợ nề Đình Hòe”, bởi nghề đã nuôi lớn bao thế hệ dân làng. Mỗi một công trình được hoàn thiện bằng công sức, trí tuệ của mình, chúng tôi càng thấy yêu quê hương nhiều hơn” - ông Nghiêm nói thêm.

Tuy mới thành lập hơn 3 tháng nhưng HTX Nghề nề Đình Hòe đã nhanh chóng phát triển, thu hút nhiều người làm nghề trên địa bàn toàn xã tham gia, không còn bó buộc trong làng Đình Hoè xưa. Hiện nay, HTX đã có khoảng 70 thành viên.

Dấu ấn của thợ nề Đình Hoè tại các công trình xây dựng ở Hà Tĩnh

Nhà thờ họ Đồng (xã Thạch Khê) đang được thợ nề của HTX Nghề nề Đình Hòe hoàn thiện những công đoạn cuối.

Đối với những người thợ nề Đình Hoè, đây là nghề cho thu nhập tương đối cao và ổn định, là nguồn sống chính của nhiều gia đình. Thu nhập của họ cao hơn với các thợ nề khác, trung bình mỗi ngày công hiện nay khoảng 400 nghìn đồng. Đặc biệt, thợ nề Đình Hòe ngày nay không còn bó hẹp thị trường trong tỉnh mà đã tham gia làm việc tại nhiều tỉnh, thành lân cận như Quảng Bình, Nghệ An...

Là một người có đôi bàn tay “tài hoa”, chuyên đắp rồng, phượng tại các đền, chùa, nhà thờ… ông Cao Quang Trung (61 tuổi, thôn Tây Sơn, xã Đỉnh Bàn) cho biết: “Tôi học nghề nề từ cha và theo cha đến các công trình làm việc từ thuở thiếu niên. Nghề đã rèn cho tôi đức tính cẩn thận, tỉ mỉ và luôn biết trau chuốt cho các tác phẩm của mình hoàn hảo nhất”.

Dấu ấn của thợ nề Đình Hoè tại các công trình xây dựng ở Hà Tĩnh

Nghề nề Đình Hòe vẫn giữ được giá trị riêng biệt, để lại nhiều dấu ấn tại các công trình xây dựng trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, dù nhiều tổ thợ nề đã ra đời ở nhiều vùng miền, hoạt động cạnh tranh khá quyết liệt, song nghề nề Đình Hòe vẫn giữ được giá trị riêng có, với những người thợ có trình độ tay nghề cao, để lại nhiều dấu ấn riêng biệt tại các công trình xây dựng trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn cho biết: “Chúng tôi rất tự hào khi nghề nề Đình Hòe được công nhận là nghề truyền thống của tỉnh. Đây chính là cơ hội để nghề được đầu tư bài bản nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội trong lĩnh vực xây dựng. Cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn đồng hành với người dân để gìn giữ, phát triển làng nghề truyền thống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Chủ đề Lao động việc làm

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.