Hình thức giám sát của Hội Nông dân là thông qua ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên các cấp.
Những ngày qua, chúng tôi có dịp theo chân đoàn giám sát chuyên đề về công tác quản lý nhà nước đối với việc kinh doanh phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật của Hội Nông dân tỉnh. Trước chuyến công tác, Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh Nguyễn Thị Mai Thuỷ trao đổi, hình thức giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội với các đoàn giám sát. Đó là giám sát thông qua ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân các cấp; phản ánh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận của Nhân dân.
Đoàn giám sát chia thành 2 tổ, trực tiếp làm việc với 4 địa bàn của huyện Nghi Xuân gồm các thị trấn Xuân An, Tiên Điền, xã Xuân Giang, xã Xuân Mỹ. Ngoài cán bộ hội, đoàn còn có sự tham gia của các đơn vị: MTTQ tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản, Chi cục Trồng trọt và BVTV.
Chị Phan Thị Phương, thôn Hồng Tiến, xã Xuân Giang (người ngoài cùng bên phải) mong muốn các cấp ngành tăng cường quản lý phân bón, thuốc BVTV để người dân được sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Qua làm việc, trao đổi trực tiếp với hội viên nông dân, chủ cơ sở kinh doanh phân bón và thuốc BVTV cho thấy, việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV của nông dân vẫn còn tình trạng tùy tiện. Chị Phan Thị Phương, thôn Hồng Tiến, xã Xuân Giang chia sẻ: "Gia đình sản xuất hơn 2 mẫu ruộng, hằng năm tôi không thể thống kê được lượng phân bón và thuốc BVTV đã sử dụng. Khi phát hiện cây trồng bị sâu, bệnh, phát triển kém thì chúng tôi đến cơ sở kinh doanh để mua phân bón và thuốc.
Chúng tôi cũng ít khi quan tâm đến nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm mà chọn theo tư vấn của cửa hàng. Do đó, việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng là rất cần thiết để người dân được sử dụng các sản phẩm đảm bảo chất lượng."
Đoàn giám sát tại các cơ sở kinh doanh phân bón và thuốc BVTV
Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh phân bón và thuốc BVTV hầu hết được tập huấn và có chứng nhận huấn luyện chuyên môn, đáp ứng các điều kiện cần thiết về kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các cơ sở chưa cập nhật chính sách mới hoặc kiến thức về BVTV mới. Một số cơ sở bán chung phân bón với hàng tạp hoá, thực phẩm (lúa, gạo), có tình trạng sử dụng bao bì phân bón để đựng lúa, không đảm bảo ATVSTP…
Bên cạnh đó, nhiều địa phương mặc dù đã có bể chứa vỏ thuốc BVTV trên đồng, song chưa đảm bảo tiêu chuẩn.
Đoàn giám sát nhắc nhở các cơ sở tuân thủ quy định về kinh doanh phân bón, thuốc BVTV ở Nghi Xuân.
Qua kiểm tra, các địa phương cũng cho rằng, mặc dù đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, song thực tế vẫn còn những vi phạm, còn tình trạng phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng.
Nguyên nhân là do lực lượng chức năng mỏng, chưa có phương tiện để kiểm tra tại chỗ sản phẩm kém chất lượng. Một bộ phận người dân tuỳ tiện mua các sản phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc về sử dụng; lạm dụng thuốc diệt cỏ cháy…
Nhiều địa phương mặc dù đã có bể chứa vỏ thuốc BVTV trên đồng, tuy nhiên chưa đảm bảo tiêu chuẩn (thiếu nắp đậy).
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Viết Hưng thông tin: Nhu cầu sử dụng phân bón mỗi năm trên địa bàn khoảng từ 3.000 – 4.000 tấn, nhu cầu thuốc BVTV bình quân hằng năm từ 5 – 10 tấn. Toàn huyện có 55 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Hiện huyện đã xây dựng được 218 bể thu gom vỏ thuốc BVTV trên đồng ruộng, tỷ lệ xử lý đúng quy định đạt 89%/năm.
Đặc biệt, hằng năm huyện phối hợp triển khai chương trình “cùng nông dân ra đồng” để tập huấn người dân nhận diện sâu, bệnh hại của cây trồng và biện pháp phòng trừ. Theo giai đoạn phát triển của cây trồng, huyện cũng ban hành các văn bản bổ cứu để hướng dẫn người dân kịp thời phòng trừ sâu, bệnh theo từng thời điểm; tuyên truyền hướng dẫn nông dân sản xuất phân bón vi sinh, giảm phân bón hoá học trong canh tác…
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Mai Thuỷ - trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo huyện Nghi Xuân về công tác kinh doanh phân bón và thuốc BVTV.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Mai Thuỷ cho biết: "Để phân bón an toàn được sử dụng rộng rãi, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người nông dân. Thông qua hoạt động giám sát, chúng tôi sẽ đánh giá thực trạng và những kết quả đạt được, kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém, bất cập trong tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với kinh doanh phân bón vô cơ, thuốc BVTV; đồng thời ghi nhận ý kiến, kiến nghị từ hội viên, địa phương; từ đó đưa ra những kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp, giúp người dân sử dụng phân bón, thuốc BVTV hiệu quả, an toàn hơn.
Qua giám sát, chúng tôi cũng đã đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, giám sát nhằm thay đổi thói quen và nhận thức sản xuất của người dân để thực hiện theo phương pháp sản xuất an toàn, tạo cơ hội thị trường cho các sản phẩm nông sản an toàn."