| Người dân phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng khiêng tài sản chạy bão số 9. Ảnh: NGUYÊN KHÔI | Cơn bão nguy hiểm Theo nhận định, khi chạm đất liền “siêu bão” có thể đạt cấp 15. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho rằng, khoảng đêm nay (29-9) bão sẽ tràn vào đất liền, sau đó di chuyển nhanh lên khu vực biên giới Việt Lào vào sáng 30-9 với hướng không đổi. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bão không chỉ đối với đất liền mà cả khu vực ngoài khơi vẫn còn kéo dài tới tận ngày 1-10. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Bắc và giữa biển Đông đang có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, giật cấp 14, 15. Biển động dữ dội. Ở trong đất liền, bắt đầu từ đêm 28 và sáng 29-9, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam sẽ có gió mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12 và giật tới cấp 13, 14.
Đây là cơn bão có phạm vi ảnh hưởng rộng nên từ sáng sớm 29-9, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kon Tum cũng sẽ có gió mạnh lên cấp 8, giật cấp 9, 10. Đặc biệt, theo nhận định của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, sau khi áp sát đất liền, siêu bão số 9 sẽ gây mưa to đến rất to cho các tỉnh ở khắp miền Trung. Theo đó, một đợt lũ lớn sẽ xuất hiện trên các sông thuộc khu vực từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên.
Hiện tại, mực nước ở các sông từ Quảng Bình vào Quảng Ngãi đã bắt đầu lên khá nhanh. Do đó, cùng với sự nguy hiểm về sức gió khi “siêu bão” đạt cấp 15 thì mưa lớn sẽ gây lũ dữ cô lập nhiều khu vực, cuộc sống của người dân gặp vô cùng khó khăn. Sơ tán dân khẩn cấp Nhận định đây là một cơn bão nguy hiểm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu chính quyền các tỉnh nằm trong tâm điểm ảnh hưởng của bão và lũ trước đêm hôm qua phải khẩn trương sơ tán toàn bộ dân đang sinh sống ở vùng bãi ngang, ven biển, vùng đầm phá vào các khu vực an toàn ở sâu đất liền.
Còn đối với các tàu thuyền, Phó Thủ tướng yêu cầu một mặt phải đưa toàn bộ các tàu còn đang lai vãng trên biển khẩn trương vào bờ, sắp xếp đúng các vị trí an toàn, chằng buộc cẩn thận, nơi nào thuận lợi thì kéo lên bờ, những nơi không có âu thuyền, bến cảng thì phải đưa vào sâu trong các sông lạch, không được cột tàu thuyền ở cửa sông, cửa biển.
Mặt khác phải yêu cầu các chủ tàu thuyền, ngư dân lên bờ, không được ở lại tàu thuyền, chòi canh, lán trại nuôi trồng thủy sản. Các địa phương có công trình đang xây dựng, đặc biệt là các công trình đê biển, các hồ chứa nước lớn như: Cửa Đạt (Thanh Hóa), Tả Trạch (Thừa Thiên - Huế), cống Ba Nõn (Nam Định) phải kiểm tra dung tích nước, độ an toàn để không gây lũ cho vùng hạ du khi mưa lớn. Từ ngày 29-9, kiểm tra chặt chẽ các bến đò, yêu cầu tạm ngưng hoạt động để phòng tai nạn xảy ra do thiếu trách nhiệm. Phúc Hậu Lập Ban chỉ đạo tiền phương Trước tình hình phức tạp của bão số 9, ngày 28-9, Thủ tướng tiếp tục có công điện khẩn chỉ đạo, các bộ, ngành, tỉnh, thành: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam triển khai việc sơ tán dân hoàn thành trước 24 giờ ngày 28-9. Các cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học trong 2 ngày 29 và 30-9. Thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương đặt tại TP Đà Nẵng để trực tiếp chỉ đạo các địa phương triển khai những biện pháp cấp bách đối phó với bão số 9. Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và các tỉnh Bắc Tây Nguyên chỉ đạo các ban ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp chỉ đạo các công việc như nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, hướng dẫn số tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm di chuyển tìm nơi tránh trú bão an toàn. Hướng dẫn nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, công sở, bệnh viện, trường học. Thực hiện triệt để việc di dời dân ra khỏi vùng cửa sông, ven biển, vùng thường xuyên ngập sâu, cùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. N.Hà | |