Di dời NM gạch ở Hồng Lĩnh: Chính quyền “lấp lửng”, DN gặp khó!

(Baohatinh.vn) - Từ năm 2012, UBND thị xã Hồng Lĩnh đã “chốt” hạn cuối cùng là cuối năm 2015, 2 doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel phải di dời ra khỏi địa bàn thị xã. Đây là mục tiêu bắt buộc vì quy hoạch phát triển đô thị đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt. Thế nhưng, do chưa có kinh phí bồi thường, hỗ trợ việc di dời nên đến nay, mọi việc vẫn... “án binh bất động”.

di doi nm gach o hong linh chinh quyen lap lung dn gap kho

Việc di dời 2 nhà máy gạch là phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Xí nghiệp Gạch Trung Đô - Hồng Lĩnh đứng chân tại tổ dân phố Thuận Hồng (phường Đức Thuận) trên khuôn viên rộng 12.000 m2 (trả tiền thuê đất hàng năm) đến nay vừa tròn 40 tuổi. Với khả năng sản xuất 10 triệu viên/năm, xí nghiệp đã tạo việc làm cho 80 lao động với mức thu nhập bình quân xấp xỉ 5 triệu đồng/người/tháng. Không đợi “nước đến chân mới nhảy”, những năm gần đây, xí nghiệp đã xây dựng phương án chuyển đổi mô hình sản xuất gạch tuynel từ đất đồi (thay đất sét) tại xã Bắc Sơn trên khuôn viên 10 ha.

Theo Giám đốc Xí nghiệp Trần Trung Chính, hồ sơ dự án vừa mới hoàn tất. Dù chưa trình các cấp có thẩm quyền, nhưng nếu được phê duyệt cũng khó thực hiện. Nguyên nhân chính là xí nghiệp không có vốn đầu tư. Vì vậy, xí nghiệp kỳ vọng rất lớn vào số tiền bồi thường hỗ trợ việc di dời (ước tính là 33 tỷ đồng).

Trong khi đó, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh Nguyễn Văn Hổ lại khẳng định: “Di dời 2 nhà máy gạch là việc làm cần thiết, phù hợp với quy hoạch thị xã Hồng Lĩnh đã được UBND tỉnh phê duyệt. Chỉ có điều, số tiền bồi thường hỗ trợ lại vượt ngoài thẩm quyền và khả năng của thị xã”.

“Thông tin di dời xuất hiện từ năm 2008, những năm gần đây, lại dồn dập khiến chúng tôi khó khăn trong việc xây dựng chiến lược SXKD, đặc biệt là thiếu hụt đội ngũ có tay nghề cao vì họ lo sợ nhà máy di dời sẽ không còn việc làm nên đã “cao chạy xa bay” - Giám đốc Trần Trung Chính bức xúc.

Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Thuận Lộc (gọi tắt là Công ty Gạch Thuận Lộc) cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Cũng “đi tắt đón đầu” trong việc lập dự án di dời, chuyển nhà máy về xã Mỹ Lộc (Can Lộc); đề xuất cấp mỏ đất đồi tại xã Đồng Lộc, đồng thời, mong muốn các ngành chức năng “chốt” phương án định giá bồi thường hỗ trợ theo quy định của cấp trên (55 tỷ đồng) để sớm triển khai di dời.

Theo Phó Giám đốc Công ty Gạch Thuận Lộc Phạm Hùng Vỹ: “Đã nhiều lần chúng tôi gửi văn bản kiến nghị thị xã Hồng Lĩnh, đề xuất “cho phép gạch Thuận Lộc sản xuất đến hết năm 2018”. Đó cũng là khi giấy phép thuê đất hết hạn, nhưng đến nay vẫn không nhận được thông tin phản hồi. Điều này “gây khó” trong kế hoạch sản xuất của chúng tôi. Đặc biệt, khá nhiều lao động tay nghề cao (trong số 160 cán bộ, công nhân, viên chức) “nhảy” việc nơi khác vì lo sợ muộn sẽ không còn cơ hội”.

Việc 2 nhà máy phải di dời và chuyển đổi mô hình sản xuất là yêu cầu bắt buộc nhằm phù hợp với quy hoạch thị xã đã được UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời, hiện thực hóa quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Để thực hiện mục tiêu này, các cấp, ngành liên quan cần có sự thống nhất trong việc lập hội đồng kê biên, định giá tài sản, ấn định số tiền hỗ trợ, thời gian thanh toán, thời gian di dời để doanh nghiệp xây dựng lộ trình, chiến lược sản xuất, kinh doanh, sắp xếp, đào tạo lại đội ngũ lao động…

Thiết nghĩ, khi chưa có các “kịch bản” cụ thể, đừng đưa những thông tin, quyết định vội vàng khiến doanh nghiệp “chẳng biết đường nào mà lần”!

Đọc thêm

Việt - Lào: Hữu nghị thủy chung, đồng hành vươn ra biển lớn

Việt - Lào: Hữu nghị thủy chung, đồng hành vươn ra biển lớn

Gần 30 năm trên hành trình xây dựng và phát triển, Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt luôn đồng hành cùng cả nước đánh thức, khơi dậy tiềm năng kinh tế biển Việt Nam. Đây là minh chứng rõ nét cho tình hữu nghị, là động lực phát triển của 2 nước Việt - Lào.
Tàu 4 vạn tấn "mở hàng" cầu cảng số 3 Vũng Áng

Tàu 4 vạn tấn "mở hàng" cầu cảng số 3 Vũng Áng

Tàu có trọng tải 40.000 tấn vào cảng số 3 Vũng Áng (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để nhận hàng Kali của doanh nghiệp Lào xuất khẩu đi Nhật Bản. Các thành viên thủy thủ đoàn hài lòng vì cầu cảng đáp ứng các thông số kỹ thuật đề ra.
Nâng cao năng lực hoạt động của cảng quốc tế Lào - Việt Nam

Nâng cao năng lực hoạt động của Cảng quốc tế Lào - Việt

Với nhiều lợi thế về cảng biển nước sâu, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối và việc đầu tư đồng bộ thiết bị xếp dỡ hàng hóa, các bến cảng của Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt luôn sôi động, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
Vướng mặt bằng, nhiều dự án ở thành phố Hà Tĩnh chậm tiến độ

Vì sao nhiều dự án ở thành phố Hà Tĩnh chậm tiến độ?

Trên địa bàn TP Hà Tĩnh hiện có nhiều dự án xây dựng hạ tầng được triển khai nhưng một số công trình chậm tiến độ. Hãy đi tìm câu hỏi vì sao xảy ra tình trạng này, gây ảnh hưởng đến mục tiêu kế hoạch đã đề ra.