Đi giữa trời thu Can Lộc

(Baohatinh.vn) - Can Lộc, nếu nhìn từ bản đồ thì có vị trí gần như là trái tim của miền đất Hà Tĩnh. Điều này không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa địa lý mà đó còn gợi thức những vỉa tầng văn hóa, lịch sử của đất cổ Việt Thường trong tiến trình phát triển của đất nước.

Đi giữa trời thu Can Lộc

Kế thừa truyền thống của cha ông, các thế hệ người Can Lộc không ngừng học tập, sáng tạo, cống hiến xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

“Trời mô xanh bằng trời Can Lộc” là câu hát được khai sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nhưng có lẽ chính tác giả cũng không hề biết rằng, trong đời sống văn hóa của cư dân nơi đây, nó đã được tách ra độc lập, trở thành hình ảnh đặc trưng của “trái tim” trên bản đồ Hà Tĩnh. Người ta vin vào đó để rọi về quá khứ, để hướng đến tương lai, để nuôi dưỡng lòng tự hào về một miền quê anh dũng, kiên cường, giàu truyền thống văn hóa.

Qua bao thăng trầm của lịch sử đất nước, các thế hệ người Can Lộc đã luôn nêu cao nghĩa khí, chí khí. Không chỉ đóng góp cho đất nước nhiều võ tướng tài ba, yêu nước, thương nòi, Can Lộc còn góp vào văn hóa nước nhà nhiều văn thần lừng danh. Và trong những ngày mùa thu lịch sử của dân tộc, những vỉa tầng ấy lại bừng lên tươi xanh trong nghĩ suy của người Can Lộc nói riêng, người Hà Tĩnh nói chung…

Tôi nhớ, những mùa thu của nhiều năm trước, khi các vị lão thành cách mạng Ngô Đức Mạch, Bùi Xanh còn sống, tôi đã có cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện và nghe các cụ kể về những ngày tiền khởi nghĩa sục sôi và những ngày xây dựng chính quyền đầy háo hức. Lúc bấy giờ, dẫu chân đã yếu, mắt đã mờ, tóc đã bạc nhưng trong mỗi lồng ngực ấy, tiếng trống 30 vẫn còn vang vọng, tiếng hò reo của Nhân dân trong phút giành được chính quyền trong Cách mạng tháng Tám vẫn như còn đâu đó. Hôm nay, tôi trở lại Can Lộc, người xưa đã vắng bóng nhưng đi dưới trời xanh Can Lộc, ngang qua những di tích lịch sử, trong màu cờ đỏ nhuốm thắm làng quê, tôi vẫn như còn nghe dư âm của những ngày tháng Tám lịch sử trên quê hương cách mạng hôm nào.

Đi giữa trời thu Can Lộc

Cụ Ngô Đức Mạch (đã mất) - cán bộ lão thành cách mạng ở tổ dân phố 1B, thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh trong cuộc trò chuyện với tác giả năm 2018.

Sau nhiều lần tách nhập địa giới hành chính và mang nhiều tên gọi khác nhau, năm 1469 được coi là mốc định danh của đất Can Lộc ngày nay khi vua Lê Thánh Tông quyết định đặt tên Thiên Lộc vùng đất này. Qua bao thăng trầm của lịch sử, suốt gần 600 năm qua, các thế hệ người Can Lộc đã trung dũng, kiên cường, hiếu học, lấy tài năng, trí tuệ, nghĩa khí để cùng viết nên những trang sử vàng oanh liệt.

Hôm nay, đi giữa mùa thu Can Lộc, trong linh khí của núi sông, vẫn như đang thấy rõ hào khí của bao thế hệ người Can Lộc mà sử sách còn lưu lại. Đó là tiếng mài gươm đánh giặc đầy nghĩa khí, vọng vào lịch sử đất nước của cha con Đặng Tất - Đặng Dung - 2 nhân vật được các nhà sử học coi là một trong những người Can Lộc đầu tiên trở thành nhân vật lịch sử lỗi lạc của Việt Nam thế kỷ XIV. Đó là tiếng trống Xô viết 1930-1931 và tinh thần quật khởi trong Cách mạng tháng Tám, tinh thần chiến đấu anh dũng không tiếc máu xương trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của người Can Lộc.

Trong đó, những di tích về cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh và thời kỳ tiền khởi nghĩa luôn là mốc son chói lọi, nhắc nhớ cho bao thế hệ người dân Can Lộc. Vẫn còn đó Bến đò Thượng Trụ trầm tích những câu chuyện lịch sử với niềm tự hào là nơi diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đấu tranh cách mạng của Nhân dân Hà Tĩnh.

Đi giữa trời thu Can Lộc

Bến đò Thượng Trụ trầm tích những câu chuyện lịch sử trong cuộc đấu tranh cách mạng của Nhân dân Hà Tĩnh.

Tượng đài Xô viết đầy hiên ngang vẫn âm thầm kể câu chuyện về dũng khí của toàn thể Nhân dân. Ta vẫn như thấy rõ ánh sáng từ ngọn cờ búa liềm soi rọi cho nhiều cuộc biểu tình của Nhân dân, để quần chúng lao khổ vùng lên, đập tan xiềng xích, lập chính quyền Xô viết trong 130 làng xã ở cả 3 vùng trung, thượng và hạ Can…

Dù sau đó, phong trào bị dìm trong biển máu, song ngọn lửa cách mạng vẫn âm ỉ cháy để 15 năm sau, Nhân dân Can Lộc lại nhất tề đứng dậy cùng đồng bào cả nước đánh đổ ách thực dân, phong kiến, trở thành địa phương giành chính quyền về tay Nhân dân sớm nhất trong cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 ở Hà Tĩnh. Đây là một mốc son trong tiến trình lịch sử đáng tự hào của Đảng bộ và Nhân dân Can Lộc, từ đó mở ra con đường mới, hướng đến tương lai xán lạn cho vùng đất này.

Đi giữa trời thu Can Lộc

Tượng đài Xô viết đầy hiên ngang vẫn âm thầm kể câu chuyện về dũng khí của toàn thể Nhân dân.

Truyền thống yêu nước, thương nòi, tinh thần bất khuất, anh dũng của bao thế hệ cha ông chính là ngọn đuốc soi đường cho bao thế hệ người Can Lộc trong hành trình vươn tới. Chẳng những thế mà mỗi thời kỳ, người Can Lộc lại ghi danh vào bảng vàng đất nước, ghi danh vào lịch sử ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Đi giữa mùa thu Can Lộc hôm nay, hòa vào những tiếng vọng thiêng liêng từ quá khứ là âm thanh xôn xao của nhịp đời mới. Những triền đồi năm xưa bom cày, đạn xới giờ đây đã xanh màu cây trái, những thửa ruộng manh mún đã được tập trung thành những cánh đồng lớn, thuận lợi cho thực hiện các đề án phát triển nông nghiệp hiện đại, văn minh. Bên cạnh đó là âm thanh sôi động của những công trình, dự án phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, du lịch… Và có một âm thanh bền chặt, len lỏi trong bản nhạc ấy chính là niềm tin yêu, là khát vọng vươn tới của con người.

Khát vọng xây dựng quê hương, làm giàu cho quê hương của thế hệ hôm nay cũng chính là khát vọng bao đời của ông cha. Chính vì thế, người Can Lộc đã biết đồng tâm hiệp lực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, biết khơi dậy tiềm năng về thổ nhưỡng, khí hậu và con người của quê hương.

Đi giữa trời thu Can Lộc

Những triền đồi năm xưa bom cày, đạn xới giờ đây đã xanh màu cây trái...

Từ những vùng quê nghèo đói, sản xuất nông nghiệp manh mún, tự phát, giờ đây Can Lộc đã hình thành các vùng kinh tế rõ nét: vùng trà sơn phát triển cây ăn quả, chăn nuôi tập trung; vùng ven đô sản xuất rau màu; vùng trung tâm sản xuất lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Và đặc biệt là, trong quá trình hình thành những vùng kinh tế ấy, nhiều nông dân đã thực sự “rũ bùn” trở thành những nông dân hiện đại, bắt nhịp với thời đại, tạo nên những giá trị mới cho chính mình và quê hương.

Cũng chính bởi sự đồng thuận của Nhân dân mà Can Lộc đã lập nên kỳ tích trong xây dựng NTM. Ngày 17/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1405/QĐ-TTg công nhận huyện Can Lộc đạt chuẩn NTM, trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

Đi giữa trời thu Can Lộc

Ngày càng có nhiều nông dân Can Lộc startup (khởi nghiệp) thành công, liên kết xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm.

Trời Can Lộc như xanh hơn với những vườn cây ăn quả vùng Trà Sơn, với những ruộng lúa thẳng cánh cò bay, với hàng trăm trang trại, gia trại, mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao như: chăn nuôi lợn nái ngoại, lợn siêu nạc, bò nhốt, gia cầm; sản xuất lúa tập trung chất lượng cao; sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng…

Không chỉ có thế, ngày càng có nhiều nông dân Can Lộc startup (khởi nghiệp) thành công, liên kết xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, những quả cam, quả bưởi, những loại rau màu như hành tăm, cà dừa hay mật ong, lợn, gà… đã được khoác lên mình những hình hài mới, có thương hiệu và khẳng định được giá trị trên thị trường…

Đi giữa trời thu Can Lộc

Một góc miền quê cách mạng Can Lộc hôm nay.

Đi giữa mùa thu cách mạng, lắng nghe những tiếng vọng từ quá khứ, nhìn về ăm ắp màu xanh của đồi núi, ruộng đồng, cảm nhận về những khát vọng vươn tới của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Can Lộc mới thấm nhận được thật rõ câu hát “trời mô xanh bằng trời Can Lộc”. Đó là thực tế của địa lý, đó cũng là những giá trị kết tinh từ bàn tay, khối óc của con người và cũng là đích đến trên những chặng đường mới, đòi hỏi các thế hệ người Can Lộc trong thời kỳ mới không ngừng khao khát, không ngừng cống hiến, không ngừng vươn tới…

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.