Di sản Trường Lưu - ngọc càng mài càng sáng

(Baohatinh.vn) - Hơn 20 năm đi về ngôi làng cổ 600 tuổi sở hữu 3 di sản văn hóa, với tôi, lần nào cũng là lần đầu khi được khám phá những vỉa tầng mới trong kho tàng văn hóa Trường Lưu (xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), để mà có duyên cớ “lưu lại Trường Lưu, lưu luyến nhớ người xưa...”.

Di sản Trường Lưu - ngọc càng mài càng sáng

Giếng Ngọc ở làng Trường Lưu, nơi ghi lại truyền thuyết về sự ra đời của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh.

Theo dấu người xưa…

Lần này về Trường Lưu, mục tiêu của chúng tôi là tìm lại dấu tích của Thư viện - Trường học Phúc Giang. Đứng trên cầu Quan bắc qua Phúc Giang, con sông từng chứng kiến bao dâu bể của làng, Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ ngậm ngùi: “Ranh giới làng bắt đầu từ cầu Quan này. Sông ngày xưa rộng lắm, mùa lụt nước mênh mông, bên kia là đồng Quan, xa là giếng Ngọc. Dân gian lưu truyền chuyện bà Phan Thị Trừu, mẹ của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh khi đi gánh nước ở giếng, thấy chùm sao sa vào thùng nước, về kể cho chồng nghe. Ông Nguyễn Huy Tựu bảo vợ uống hết nước trong thùng. Thời gian sau thì sinh hạ Nguyễn Huy Oánh. Xa kia phía bên phải bờ sông là khu vực Thư viện, Trường học Phúc Giang gắn với tên tuổi của gia đình Thám hoa”.

Theo bước chân của ông Nguyễn Huy Mỹ, chúng tôi vào làng, tìm lại dấu tích của cả một không gian rộng lớn gồm thư viện - nhà xuất bản sách - trường học thế kỷ XVIII, rộng ước chừng 2 ha. Tất cả giờ chỉ còn lại chiếc giếng cổ mang tên giếng Đền, trước thư viện - trường học ngày xưa. May sao, 391 trong tổng số 2.000 mộc bản để in sách vẫn còn được dòng họ lưu giữ và qua sự dày công nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ, cùng với ngành VH-TT&DL và tỉnh Hà Tĩnh, bộ mộc bản đã được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Di sản Trường Lưu - ngọc càng mài càng sáng

Khu vực được xem là Thư viện Phúc Giang ngày xưa, tại làng Trường Lưu ngày nay. Ảnh: Đình Nhất

Nói đến Trường Lưu là nói tới một không gian văn hóa đậm đặc với hệ thống di sản vật thể, phi vật thể phong phú. Làng cổ này từng là “điểm sáng” văn hóa - giáo dục nổi tiếng của miền Trung ở thế kỷ XVIII. Di sản Trường Lưu là những “viên ngọc”, theo thời gian ngày càng lấp lánh, tỏa sáng.

Người Trường Lưu xưa coi trọng văn chương chữ nghĩa, học hành khoa bảng, đam mê hát ví phường vải. Hiện di sản vật thể gồm 37 nhà thờ các dòng họ cùng 10 nhà cổ tuổi đời trên trăm năm. Hệ thống di tích đã được xếp hạng có 13 di tích, trong đó 4 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (nhà thờ đại tôn Nguyễn Huy gắn với danh nhân Nguyễn Huy Oánh, nhà thờ Nguyễn Huy Tự, nhà thờ và mộ Nguyễn Huy Hổ, nhà thờ Nguyễn Huy Cự) và 6 di tích cấp tỉnh.

Đình làng Trường Lưu là di tích kiến trúc, nghệ thuật; nhà bia dẫn tích Bệnh viện Lam Kiều là di tích lịch sử kháng chiến chống Mỹ; Hầm Tỉnh ủy (còn gọi là địa đạo Phượng Sơn) là di tích kháng chiến chống Mỹ.

Di sản Trường Lưu - ngọc càng mài càng sáng

Đình làng Trường Lưu nơi lưu lại dấu ấn về một thời hoàng kim của ngôi làng có lịch sử 600 năm tuổi.

Đặc biệt, Trường Lưu trở thành làng cổ duy nhất Việt Nam sở hữu 3 di sản thuộc Chương trình Ký ức thế giới là Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ và bộ sưu tập Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu.

Hệ thống di sản phi vật thể ở Trường Lưu khá phong phú, đa dạng như ca dao, tục ngữ, thành ngữ, nói lối, truyện dân gian, tín ngưỡng dân gian... nhưng nổi bật nhất, nức tiếng trăm miền và đến nay vẫn còn được lưu giữ là hát ví phường vải.

Trai làng nón Tiên Điền - duyên tình với gái phường vải Trường Lưu

“Xôi nếp cái, gái Trường Lưu”. Câu thành ngữ ấy được truyền tụng theo năm tháng khẳng định vẻ đẹp thể chất và tâm hồn của người Trường Lưu. Ngoài nghề nông, các cô gái Trường Lưu còn có nghề quay xa, dệt vải. Nhịp điệu lao động, không gian sinh hoạt nghề nghiệp là môi trường diễn xướng tuyệt vời để các nam thanh nữ tú cất lên câu hát, đối - đáp, đố - đáp rất tình tứ, hài hước, sâu sắc, vừa thể hiện tình cảm, vừa thể hiện trí tuệ:

Người ơi, gái Trường Lưu khéo tay dệt vải

Đường duyên tình chưa ai nối đường tơ

Muốn cùng ai khi nối sợi tơ vò

Cùng chung tay kéo sợi, nghĩa duyên tình thủy chung.

Di sản Trường Lưu - ngọc càng mài càng sáng

Tiết mục dân ca ví, giặm “Gieo duyên phường vải” do CLB dân ca xã Tùng Lộc (Can Lộc) biểu diễn, tái hiện không gian diễn xướng văn hóa dân gian tại làng Trường Lưu thế kỷ XVIII.

Theo các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian, hát ví phường vải là cách hát hoàn chỉnh nhất trong các loại ví, vì hát có lề, có lối, có lớp lang. Mỗi cuộc hát thường có 6 lớp: hát dạo, hát chào, hát hỏi, hát đố, hát xe kết và hát tiễn. Hát dạo là hát giữa các cô gái phường vải với các chàng trai khi họ mới đến ngoài ngõ. Hát chào là phần đối đáp tình cảm lúc đã có sự đồng ý và mời mọc của chủ nhà. Hát đố, hát hỏi là phần chính của mỗi cuộc hát, ngắn dài tùy vào công việc đêm đó và khả năng đối đáp của hai bên. Hát xe kết là phần giao duyên diễn ra khi công việc dệt vải đã hoàn thành. Hát tiễn là khi phần giao duyên kết thúc, các chàng trai về nhà mình, hẹn ngày gặp lại.

Không ai biết hát phường vải Trường Lưu có từ bao giờ, chỉ biết rằng, những câu hát cất lên theo nhịp quay xa kéo sợi, dựa vào các câu thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể ấy đã thu hút nhiều đám trai các làng về với Trường Lưu, trong đó có trai làng nón Tiên Điền (Nghi Xuân), dẫn đầu là Đại thi hào Nguyễn Du.

Trong những tháng ngày sôi nổi của tuổi thanh niên, chàng thư sinh “chữ nghĩa bề bề” của dòng họ Nguyễn Tiên Điền có mối thông gia với dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu đã say sưa với câu hát phường vải. Những đêm trăng dẫn đầu trai làng nón Tiên Điền vượt Ngàn Hống, Đò Cài sang hát ví ở Trường Lưu, những lời hay ý đẹp, câu đối - đáp, đố - đáp thông minh của ông đã lay động bao trái tim của các cô gái Trường Lưu.

Di sản Trường Lưu - ngọc càng mài càng sáng

Cảnh phim Nguyễn Du vượt ngàn Hống, đò Cài sang Trường Lưu hát phường Vải được thể hiện trong bộ phim "Đại thi hào Nguyễn Du". Ảnh: Thiên Vỹ

Nguyễn Du đã sáng tác bài “Thác lời trai phường nón gửi các cô gái phường vải Trường Lưu”. Và mối duyên tình với o Uy, ả Sạ - hai cô gái hát hay, đẹp người nổi tiếng đã đi vào tác phẩm “Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ” của ông. Hình thức và tiêu đề là văn tế, nhưng lại kể việc tác giả quen biết hai người con gái trong đội hát ví làng Trường Lưu, hai bên có tình cảm với nhau, nay đột ngột hai cô đi lấy chồng, lòng buồn bã tiếc nuối, viết bài văn này để từ biệt. Đọc bài văn tế, ta cũng có thể hình dung được không khí nhộn nhịp, sôi nổi lúc đương thời.

“Lưu lại Trường Lưu, lưu luyến nhớ người xưa...”

Thời gian như nước sông mãi cuốn theo những khoảnh khắc đẹp và buồn trong cuộc đời đầy sóng gió của Đại thi hào, nhưng dấu ấn về những tháng ngày ở Trường Lưu mãi còn trong sách vở, tư liệu và những câu hát để đời. Điều đó càng làm cho giá trị của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng tỏa sáng, ngân vọng lòng người.

Tiếp nối tiền nhân, các thế hệ nghệ nhân hát ví phường vải ở Trường Lưu dẫu trong khó nhọc, gian lao vẫn không ngừng cất lên câu hát. Đã có những thời kỳ từ những người được học qua trường lớp đến người nông dân dưới ruộng đều cùng chung câu hát. Đó là cụ bà Nguyễn Thị Niêm, Nghệ sĩ ưu tú Đức Duy, nghệ sĩ Ngọc Liên, Hữu Dần… Nay họ đã là người thiên cổ, con cháu họ như Nghệ nhân Nguyễn Thị Hà, Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Trà Giang tiếp tục giữ gìn câu hát ông cha. Hiện nay, ở Can Lộc cùng nhiều địa phương khác ở Hà Tĩnh, 100% xã, thị trấn đều có câu lạc bộ dân ca ví, giặm.

Di sản Trường Lưu - ngọc càng mài càng sáng

Tác giả trò chuyện với Tiến sỹ Nguyễn Huy Mỹ (ở giữa) và người dân làng Trường Lưu (xã Kim Song Trường, Can Lộc) về những giá trị di sản văn hóa của làng. Ảnh: Thiên Vỹ

Mong sao đề án xây dựng Làng Văn hóa du lịch Trường Lưu sớm thành hiện thực, để du khách tấp nập về Trường Lưu thăm cảnh xưa người cũ, nghe kể các giai thoại về Nguyễn Du, cùng xe tơ dệt vải, hát ví, nấu nướng, cấy cày, in sách… với Nhân dân địa phương và ghi nhớ vế đối của một người khách: “Về Trường Lưu, lưu lại Trường Lưu, lưu luyến nhớ người xưa, lưu luyến mãi”.

Chủ đề Di sản văn hóa làng Trường Lưu

Đọc thêm

Khi ví, giặm "chạy show"…

Khi ví, giặm "chạy show"…

Không còn đơn thuần xuất hiện trên sân khấu hội diễn tuyên truyền, dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh từng bước hiện diện trong các show diễn giải trí, chuyển hóa thành sản phẩm của công nghiệp văn hóa.
Anh Nghĩa làm nhiều việc nghĩa

Anh Nghĩa làm nhiều việc nghĩa

Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như hiến đất mở đường, giúp đỡ người nghèo, tích cực trong các hoạt động của địa phương, anh Trương Quang Nghĩa, thôn Bắc Thượng, xã Thạch Đài (TP Hà Tĩnh) đã góp sức làm cho quê hương thay da đổi thịt.
Đình làng - nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

Đình làng - nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

Cây đa, bến nước, sân đình là biểu tượng của làng quê trong tâm thức bao thế hệ. Trong đó, đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của mỗi làng quê, đang cần được khôi phục và phát huy.
Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Ông Hồ Duy Lý - Bí thư Chi bộ thôn Song Hải, xã Thạch Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) luôn là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, tận tụy vì dân, sống trọn nghĩa đạo - đời.
Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Hơn 4 năm kể từ lần đầu tiên hiến máu, đến nay, ở độ tuổi 22, Hoàng Thị Hồng Thương (xã Đan Trường, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã có đến 21 lần tham gia hiến máu và hiến tiểu cầu.
Thuyết minh viên Đào Anh Tuân: Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Học Bác từ những điều bình dị, giản đơn để làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, hơn 20 năm nay, anh Đào Anh Tuân - Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh) trở thành người “kết nối” lịch sử nơi “tọa độ lửa” Ngã ba Đồng Lộc.
Ông bí thư bán cả gia tài giúp làng quê đổi mới

Ông bí thư bán cả gia tài giúp làng quê đổi mới

Nhận trọng trách Bí thư Chi bộ thôn Tân Vĩnh Cần, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), ông Mai Văn Tường gương mẫu đi đầu, "thắp lửa" cho phong trào xây dựng nông thôn mới bằng quyết tâm cao, nghị lực lớn và cả những hy sinh để biến một làng quê khó khăn thành điểm sáng.
Biến hàng rào thành điểm nhấn xanh: Xu hướng mới tại TP Hà Tĩnh

Biến hàng rào thành điểm nhấn xanh: Xu hướng mới tại TP Hà Tĩnh

Những hàng rào bằng tường gạch khô cứng hay thép gai sắc nhọn được thay thế bằng cây xanh kết hợp với bồn hoa. Đây là cách mà một số cơ quan, đơn vị, nhà văn hóa hay nhà dân trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh làm mới hàng rào, xanh hóa không gian, tạo cảnh quan thoáng đãng, sạch đẹp.
Lửa nguồn thắp sáng khát vọng vươn mình

Lửa nguồn thắp sáng khát vọng vươn mình

Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn tiền nhân... chính là mạch nguồn bền bỉ, kiến tạo và nuôi dưỡng sức mạnh dân tộc, đưa đất nước Việt Nam không ngừng đi tới.
Du lịch Hà Tĩnh bùng nổ dịp nghỉ lễ

Du lịch Hà Tĩnh bùng nổ dịp nghỉ lễ

Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày vừa khép lại, lượng du khách đến tham quan, lưu trú trong dịp nghỉ lễ cho thấy tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái.
"Ký ức Điện Biên Phủ sống mãi trong tôi"

"Ký ức Điện Biên Phủ sống mãi trong tôi"

Đã 71 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày cùng đồng đội chiến đấu anh dũng trên chiến trường Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người cựu binh Nguyễn Xuân Vinh ở xã Xuân Hồng (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Infographic: Lộ trình sáp nhập tỉnh thành, tinh giảm xã

Hà Tĩnh trong cảm nhận của con em xa quê

Lễ, tết là dịp nghỉ ngơi, du lịch với nhiều người, nhưng với người con Hà Tĩnh, đó còn là cơ hội trở về quê hương, gắn kết gia đình và cảm nhận những đổi thay nơi chôn nhau cắt rốn.