Hoành Sơn quan trên đỉnh Đèo Ngang.
Di tích lịch sử văn hóa Hoành Sơn quan được xây vào năm 1833 - thời vua Minh Mạng để kiểm soát việc qua đèo. Người dân địa phương thường gọi nơi đây là “cổng trời”, có nghĩa là điểm cao nhất của vùng đất này, ví như lên đây là có thể chạm tay đến bầu trời.
Được đánh giá là công trình có giá trị đặc biệt quan trọng trong lịch sử, tuy nhiên Hoành Sơn quan hiện đang bị xâm hại bởi nạn viết, vẽ bậy khiến diện mạo trở nên nhem nhuốc, biến dạng.
Bên trong cổng vòm của Hoành Sơn quan, chi chít những chữ ký, hình vẽ, câu từ thể hiện tình cảm yêu đương. Những chữ viết, hình vẽ này được tạo nên bởi bút xóa, gạch, bút màu, vật nhọn… nên rất khó tẩy, xóa.
Di tích lịch sử văn hóa Hoành Sơn quan bị xâm phạm.
Có dịp vào thị xã Kỳ Anh thăm bạn, anh Nguyễn Thành Đức (29 tuổi, trú thành phố Hà Tĩnh) được giới thiệu đến tham quan Hoành Sơn quan, tuy nhiên khi đến nơi, chứng kiến di tích lịch sử văn hóa này bị bôi bẩn, xâm hại, anh cho biết cảm thấy “xót xa và tức giận bởi ý thức kém của một số bộ phận người dân”.
“Công trình gần 200 tuổi trở nên nhem nhuốc, loang lổ, biến dạng… bởi những nét vẽ, nét khắc và chữ ký của con người. Nhiều bạn đã chọn cách để lại dấu ấn của mình khi đi qua Hoành Sơn quan bằng một một cách làm xấu xí, trái pháp luật. Sự ích kỷ này để lại những hậu quả khôn lường và nếu ai cũng như vậy thì các di sản, cảnh quan đẹp sẽ nhanh chóng bị hủy hoại”, anh Đức cho biết.
Những vết viết, vẽ bậy trên trong cổng vòm Hoành Sơn quan
Những cách thể hiện tình cảm không đúng chỗ.
Nhiều người dùng vật sắc nhọn khắc chữ lên bề mặt Hoành Sơn quan.
Cùng chung quan điểm với anh Đức là chị Đinh Thị Thùy Dung (28 tuổi, trú phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh): “Nhìn Hoành Sơn quan bị bôi bẩn, tôi cảm thấy rất đau lòng. “Đừng lấy gì ngoài những bức ảnh và đừng để lại gì ngoài những dấu chân”, hy vọng ai cũng giữ cho mình suy nghĩ này khi đến tham quan những di tích lịch sử văn hóa, điểm du lịch để những công trình này còn được lưu giữ cho đến thế hệ mai sau”, chị Dung nói.
Điều 13 Luật Di sản văn hóa năm 2013 quy định hành vi viết, vẽ bậy lên di sản được khép vào tội “hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa”. Tại điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định: phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. |