Diệt chuột sau lũ, bảo vệ vụ đông

Nắng ấm đã trải đều trên các địa phương trong tỉnh. Thời điểm này, bên cạnh ra sức xuống đồng khôi phục lại vụ đông, bà con nông dân đang tích cực bắt, bẫy chuột, loài dịch hại tinh khôn nguy hiểm nhất đối với các loại cây trồng...

Ông Nguyễn Tống Phong - Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Vào giai đoạn này, chuột chủ yếu đang co cụm ở vùng bờ vùng, bờ thửa hoặc gò đồi cao ráo. Khi mùa mưa lũ đi qua, cũng là lúc vụ đông bắt đầu cho sản phẩm, lúc này, chuột sẽ di chuyển từ nơi ẩn nấp ra đồng, cắn phá mùa màng. Theo dõi qua nhiều năm cho thấy, sức tàn phá của loài vật tinh khôn này rất lớn, có thể không cho thu hoạch và thường ở phạm vi rộng, khó kiểm soát khi phát sinh ở tỷ lệ cao. Chính vì vậy, đây là thời điểm thuận lợi nhất để bà con khoanh vùng, diệt chuột một cách hiệu quả nhất”.

Giai đoạn này, chuột thường trú ngụ và làm ổ ở gò cao hoặc bờ kênh.
Giai đoạn này, chuột thường trú ngụ và làm ổ ở gò cao hoặc bờ kênh.

Cũng phải nói thêm rằng, 2 đợt lũ lụt vừa qua đã kịp thời làm thủ tiêu một số lượng không nhỏ chuột do bị cuốn trôi, bị vùi hang hốc. Số còn lại mắc kẹt ở những đám bèo hay những cồn cao bị nước lũ vây quanh, rất dễ để đánh bắt đối với loại dịch hại vốn không dễ mắc bẫy này.

Kể từ sau lũ, Đức Thọ đã hoàn thành 2 đợt ra quân diệt chuột. Mấy năm không có lũ lụt, chuột cứ thế sinh sôi và hoành hành khủng khiếp. Còn nhớ, hồi vụ hè thu, đâu đâu bà con cũng đau đầu vì nạn chuột, nhiều cánh đồng bị hao hụt năng suất nặng nề. Quyền Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghiêm Sỹ Đông cho biết: “Bên cạnh việc chỉ đạo bà con xuống đồng sớm khôi phục sản xuất vụ đông, khi nước nội đồng đang cao, huyện phát động phong trào toàn dân ra quân diệt chuột. Tính tổng 2 đợt, toàn huyện diệt được gần 4,5 vạn con. Tùy theo từng địa phương, xã hỗ trợ mỗi đuôi chuột 1.000- 2.000 đồng. Đấy là lúc tập trung, hiện nay, bà con vẫn tìm bắt liên tục trên đồng ruộng nhằm bảo vệ sản phẩm vụ đông, đồng thời chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân tới”.

Đi xuôi xuống đồng bằng, từ Can Lộc, Thạch Hà vào tận Cẩm Xuyên, cảnh người cầm xẻng, bẫy, bì ra đồng bắt chuột khá đông. Nhất là 2 bên đường lớn hoặc vùng gò, đồi, nghĩa trang, chuột kéo về đây tránh nước, bà con chỉ cần đến chờ bẫy, đào ổ là có “chiến lợi phẩm” ngay. Ông Nguyễn Văn Minh (xã Cẩm Minh - Cẩm?Xuyên) cho biết: “Ngày trước tìm đủ mọi cách, đặt bã, đơm sập rồi vây bắt nhưng chuột là loài vật tinh khôn, vây chỗ này chúng lại chạy sang chỗ khác, cắn phá biết bao nhiêu lúa, khoai của nhà tôi. Lần này, lũ lụt về, chuột chết nhiều vô kể. Bây giờ, cha con tôi tranh thủ đào bắt số còn lại để trừ họa cho vụ xuân tới”.

Sự tàn phá mùa màng do chuột hoành hành không khác gì một đại dịch. Hậu quả từ nhiều năm khiến cho nông dân đứng ngồi không yên, kể cả không phát động thì bà con cũng ra đồng diệt chuột. Cứ nhìn vào những bao tải mà họ mang theo thì biết, xác chuột chất nặng đầy. Anh Nguyễn Văn Thành (xã Thạch Đài, Thạch Hà) chia sẻ: “Trận lụt gây thiệt hại khá nặng, nhưng cũng là điều kiện thuận lợi để người dân tiêu diệt chuột, bảo vệ thắng lợi cho vụ xuân tới…”.

Theo các nhà chuyên môn, chuột là loài vật có khả năng sinh sản rất lớn. Trung bình mỗi năm, một con chuột cái đẻ 30-40 con. Theo đó, chúng tiếp tục sinh sôi theo cấp số nhân và phá hại mùa màng theo từng giai đoạn. Đợt lũ lụt vừa qua đã tiêu diệt hàng trăm nghìn con chuột, từ trưởng thành đến ổ con, phần nào hạn chế sự sinh sôi của chúng.

Tuy nhiên, từ nay trở đi, sức gây hại của chuột trên đồng ruộng vụ đông mới bắt đầu thể hiện rõ nét. Ngoài khả năng sinh sản, chuột cũng là loài vật tinh khôn, lẩn trốn và “đánh hơi” giỏi, do vậy, tốt nhất phong trào diệt chuột cần được đồng nhất về thời điểm ở các địa phương, sử dụng đa dạng phương pháp nhằm tiêu diệt triệt để kẻ thù nguy hiểm của mùa màng.

TP Hà Tĩnh: 2 tuần diệt trên 58.000 con chuột

Phát động từ ngày 15/10, đến nay, toàn TP Hà Tĩnh đã tiêu diệt được hơn 58.000 con chuột. Một số địa phương thực hiện tốt phong trào diệt chuột, bảo vệ mùa màng trong đợt này là: Thạch Hạ diệt được 25.299 con; Thạch Đồng diệt 23.500 con, Thạch Trung diệt hơn 6.000 con… Các biện pháp được bà con sử dụng để diệt chuột chủ yếu bằng phương pháp thủ công (đào hố, hun khói, đổ nước vào hang…), dùng bẫy, bã sinh học…

Nguyễn Oanh

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.