Điều tiết máy gặt hợp lý, chuẩn bị cho cao điểm thu hoạch lúa hè thu ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Việc thiếu hụt số lượng máy gặt từ ngoại tỉnh do ảnh hưởng dịch COVID-19 đặt ra cho các địa phương ở Hà Tĩnh những giải pháp điều tiết hợp lý, đáp ứng tiến độ thu hoạch vụ hè thu 2021.

Điều tiết máy gặt hợp lý, chuẩn bị cho cao điểm thu hoạch lúa hè thu ở Hà Tĩnh

Các địa phương trên toàn tỉnh bắt đầu bước vào thu hoạch lúa hè thu 2021.

Huyện Cẩm Xuyên đang đứng đầu toàn tỉnh về số lượng máy gặt liên hợp với 209 máy. Theo ước tính, nếu hoạt động cùng một thời điểm, toàn bộ số máy này sẽ thu hoạch được hơn 1.000 ha/ngày. Để hoàn thành 9.087 ha lúa hè thu của huyện, địa phương này mất khoảng 10 ngày.

Hiện nay, diện tích lúa hè thu bước vào kỳ thu hoạch đã mở rộng hơn ở nhiều xã, thị trấn như: Cẩm Bình, Cẩm Thành, Cẩm Quang và thị trấn Cẩm Xuyên. Vào những ngày đầu vụ, các cánh đồng đều có từ 2 - 3 máy hoạt động, chủ yếu tự điều tiết tại địa phương.

Điều tiết máy gặt hợp lý, chuẩn bị cho cao điểm thu hoạch lúa hè thu ở Hà Tĩnh

Vào đầu vụ, số lượng máy gặt chủ yếu tự điều tiết tại địa phương.

Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Theo cân đối, số lượng máy gặt trên địa bàn cơ bản đáp ứng nhu cầu. Trước mắt, huyện giao địa phương chịu trách nhiệm quản lý và điều tiết tại chỗ, tập trung thu hoạch nhanh gọn theo theo từng vùng đồng, từng thôn/xóm và từng xã, thị trấn.

Huyện sẽ điều tiết tăng cường cho những địa phương có số lượng máy ít từ những địa phương lân cận để đảm bảo thời gian, quãng đường di chuyển của máy trong điều kiện phòng dịch COVID-19. Ưu tiên nhất cho những vùng lúa đã chín đều, vùng vừa thực hiện cách ly y tế theo Chỉ thị 16/CT -TTg. Chúng tôi đang phấn đấu sẽ hoàn thành thu hoạch hè thu trước 10/9”.

Đặc điểm của vựa lúa Cẩm Xuyên là các trà lúa được cơ cấu tập trung (chủ yếu sử dụng giống có thời gian sinh trưởng khoảng từ 85 - 100 ngày), cơ bản diện tích đều thu hoạch bằng máy và thời vụ thu hoạch chỉ khoảng 7 - 10 ngày.

Vì thế, áp lực thời vụ có khả năng sẽ cao hơn các huyện khác. Ngoài việc điều tiết máy gặt, ngay từ đầu vụ, nhiều địa phương còn huy động lực lượng giúp người dân bốc vác, vận chuyển lúa với phương châm gặt cánh đồng nào, giải phóng gọn cánh đồng đó.

Điều tiết máy gặt hợp lý, chuẩn bị cho cao điểm thu hoạch lúa hè thu ở Hà Tĩnh

Đoàn viên thanh niên thị trấn Cẩm Xuyên được huy động xuống đồng giúp dân thu hoạch lúa.

Anh Lê Chí Thành - Tổ trưởng Tổ xung kích thanh niên tình nguyện thị trấn Cẩm Xuyên chia sẻ: “Để đảm bảo tiến độ thu hoạch, đồng thời hỗ trợ, động viên tinh thần bà con nông dân sau thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, chúng tôi tổ chức 3 tổ tình nguyện chia nhau xuống các vùng đồng giúp người dân bốc vác, vận chuyển lúa hè thu. Chúng tôi đã ra quân được 2 ngày và sẽ duy trì đến thời điểm thị trấn kết thúc vụ mùa”.

Thời điểm này, huyện Kỳ Anh cũng bắt đầu vào vụ thu hoạch hè thu năm 2021. Theo thông tin từ UBND huyện, có 4.200 - 4.300 ha/4.490 ha có nhu cầu gặt bằng máy liên hợp; trong đó, cao điểm nhất là từ ngày 28/8 - 5/9 với khoảng 3.060 ha lúa thu hoạch.

Cùng với việc điều tiết tối đa, linh hoạt 107 máy trên địa bàn, huyện cũng đã kết nối để bổ sung thêm 10 - 15 máy từ TX Kỳ Anh và các địa phương khác.

Điều tiết máy gặt hợp lý, chuẩn bị cho cao điểm thu hoạch lúa hè thu ở Hà Tĩnh

Hiện nay, tất cả các địa phương đều làm việc trước với các chủ máy gặt, thực hiện theo hợp đồng, đăng ký sẵn từ đầu vụ.

Ông Hoàng Hậu Hải - Chủ tịch UBND xã Kỳ Giang (huyện Kỳ Anh) cho biết: “Năm nay, mặc dù tình hình dịch bệnh khó khăn nhưng chính sự chủ động trong công tác chỉ đạo của huyện đã giúp địa phương vận hành tốt công tác quản lý thu hoạch. Chúng tôi đã thu hoạch được 30% diện tích (trong tổng số 500 ha), điều tiết máy móc thôn nào theo thôn nấy. Xã cũng quán triệt mức giá bình quân 130.000 đồng/sào và không quá 160.000 đồng/sào đối với chân ruộng sâu trũng, ruộng lúa bị đổ ngã”.

Trong khi đó, ở các xã bãi ngang Thạch Hà, những ngày này, không khí thu hoạch lúa hè thu đã khá rầm rộ. Thời vụ ở đây sẽ tập trung trong 3 - 5 ngày tới, sau đó sẽ đến các xã vùng thượng, vùng ngoài của huyện. Lợi thế thu hoạch sớm đã giúp bà con nông dân không phải quá lo lắng về việc thiếu máy gặt.

Ông Nguyễn Tất Anh - thôn Nam Thắng, xã Thạch Thắng cho biết: “Nhà tôi làm 1 mẫu lúa giống KD 18, lúa mới chín khoảng 80% nhưng có máy về nên xuống đồng gặt luôn. Mùa này cứ chủ động thì chắc ăn, vừa có máy gặt vừa tránh thời tiết xấu”.

Điều tiết máy gặt hợp lý, chuẩn bị cho cao điểm thu hoạch lúa hè thu ở Hà Tĩnh

Thời vụ thu hoạch sớm tạo điều kiện cho bà con xã Thạch Thắng (Thạch Hà) tranh thủ máy gặt, đẩy nhanh tiến độ.

Nắm bắt thị trường máy gặt đầu vụ tại Hà Tĩnh, một số chủ máy gặt ngoại tỉnh đã sớm đăng ký vào Hà Tĩnh để có thể thực hiện thu hoạch cuốn chiếu.

“Sau khi có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19, cách đây vài ngày, tôi lên đường vào Hà Tĩnh luôn. Di chuyển gần 1 đêm thì đến nơi, tôi chấp hành đăng ký, thực hiện khai báo y tế tại xã trước khi cho máy xuống đồng. Tất cả hợp đồng về giá cả, diện tích đã làm việc với thôn từ trước nên chỉ việc thu hoạch thôi. Xong ở các xã bãi ngang thì tôi di chuyển lên vùng trên của Thạch Hà theo đăng ký từ đầu vụ” - anh Vũ Văn Tiệp, chủ máy gặt ở tỉnh Hưng Yên cho biết.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng máy gặt ngoại tỉnh hiện nay trên đồng ruộng Hà Tĩnh rất hạn chế so với cùng thời điểm những vụ trước.

Điều tiết máy gặt hợp lý, chuẩn bị cho cao điểm thu hoạch lúa hè thu ở Hà Tĩnh

Có xét nghiệm COVID-19 đúng quy định, anh Vũ Văn Tiệp được hoạt động trên địa bàn Hà Tĩnh.

Đến hết ngày 24/8, toàn tỉnh đã thu hoạch khoảng 1.000 ha lúa hè thu. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh, Hà Tĩnh có 682 máy gặt đập liên hợp, số lượng này đáp ứng khoảng 70% tổng diện tích cơ cấu. Tuy việc điều tiết tùy theo tiến độ chín của các trà lúa cũng như tập quán của từng địa phương nhưng việc điều tiết vẫn khả năng gặp khó cục bộ ở cao điểm thu hoạch.

Ngành chuyên môn khuyến cáo các địa phương cần đốc thúc tiến độ thu hoạch ngay từ đầu vụ, lúa chín tới đâu thu hoạch tới đó nhằm giảm áp lực giữa vụ thu hoạch. Đồng thời, bám sát đồng ruộng, chỉ đạo linh hoạt tại địa phương nhằm đảm bảo vụ hè thu thắng lợi.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Thời điểm này, người trồng mai tại Hà Tĩnh đang tất bật chăm sóc, kích nụ để phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Với giá giảm gần 1 nửa so với năm ngoái, người dân xã Thiên Lộc (Can Lộc) - "vựa hành" lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, thấp thỏm lo âu trước thềm tết Nguyên đán 2025.
Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo đầu mùa được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao giúp mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân vùng biển Hà Tĩnh. Trừ chi phí, mỗi thuyền có thể thu hàng triệu đồng sau mỗi lần ra khơi.
Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên vườn quất duy nhất ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) của gia đình anh Nguyễn Song Thao cho quả đẹp mắt, hứa hẹn sẽ đem về nguồn thu khá dịp tết Nguyên đán.