Đoàn đại biểu cao cấp tỉnh Bolikhămxay tham quan KKT Vũng Áng

(Baohatinh.vn) - Tham quan Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Bolikhămxay (CHDCND Lào) ấn tượng trước sự phát triển của các doanh nghiệp với quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ, đóng góp lớn cho nền kinh tế địa phương.

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao giữa tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Bolikhămxay (CHDCND Lào), chiều 19/6, đoàn công tác cấp cao tỉnh Bolikkhămxay do Tiến sỹ Són Thà Nu Thăm Mà Vông, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Bolikhămxay làm trưởng đoàn đã đến tham quan KKT Vũng Áng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và lãnh đạo một số sở, ngành cùng đi với đoàn.

Đoàn đã đến thăm Nhà máy sản xuất gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Formosa Hà Tĩnh có 3 hạng mục chính: Nhà máy gang thép khép kín, cảng Sơn Dương và nhà máy điện trên tổng diện tích 3.318 ha. Tổng số vốn đầu tư gần 12,8 tỷ USD.

Đoàn tham quan khu sinh thái tại Formosa Hà Tĩnh

Mỗi năm, sản lượng gang thép sản xuất của công ty đạt trên 6 triệu tấn, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Hiện nay, công ty đang tạo việc làm ổn định cho trên 6.500 lao động.

Với mục tiêu kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, Formosa Hà Tĩnh đã luôn nỗ lực xây dựng kế hoạch nâng cấp hệ thống xử lý môi trường.

Đoàn tham quan cảng Sơn Dương.

Doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống xử lý khí thải, nước thải, chất thải các loại với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Để kiểm soát chất lượng khí thải, nước thải trước khi thải ra môi trường, Formosa Hà Tĩnh còn lắp đặt, vận hành 26 trạm quan trắc tự động, trong đó có 4 trạm quan trắc giám sát 11 – 15 thông số về nước thải và 22 trạm quan trắc (20 trạm tại 20 ống khói, 2 trạm tại 2 lò dập cốc khô) giám sát 6 - 8 thông số về khí thải.

Đoàn cũng đã đến tham quan Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt. Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt quản lý, khai thác 2 khu cảng chính là cảng Vũng Áng (bao gồm bến số 1, 2, 3) và cảng Xuân Hải.

Bến cảng số 1 đã đi vào hoạt động từ năm 2001, bến cảng 2 từ năm 2008 với sản lượng hàng hóa thông qua 2 bến cảng đạt 4 triệu tấn/năm. Trong đó hàng hóa quá cảnh của nước Lào chiếm gần 40% (kali, quặng sắt, đồng...).

Đoàn tham quan Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt - Lào.

Hiện nay, dự án cầu cảng số 3 Vũng Áng do Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt đầu tư với tổng mức gần 1.000 tỷ đồng đang được xây dựng. Dự kiến vào đầu quý 4 năm nay, công ty sẽ đưa cảng số 3 vào khai thác thương mại.

Sau khi hoàn thành, cầu cảng số 3 có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 45.000 DWT, công suất thiết kế đạt gần 2 triệu tấn/năm, góp phần đưa tổng công suất 3 bến của Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt lên trên 6 triệu tấn/năm.

Qua tham quan, đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Bolikhămxay ấn tượng trước những dự án đầu tư quy mô lớn tại Khu Kinh tế Vũng Áng và quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ của doanh nghiệp tại đây. Đặc biệt, đoàn công tác bày tỏ phấn khởi khi hàng hóa quá cảnh của Lào ngày càng đạt sản lượng lớn; hệ thống bến cảng của Công ty CP Cảng quốc tế quốc tế Lào - Việt được chú trọng đầu tư theo hướng hiện đại, bài bản hơn.

Các đại biểu cũng khẳng định, hoạt động của Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt không chỉ góp phần nâng cao giá trị kinh tế, thương mại mà còn có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa 2 nước Lào và Việt Nam. Tin tưởng thời gian tới, hoạt động đầu tư tại đây sẽ ngày càng được thúc đẩy, góp phần vào sự phát triển của Hà Tĩnh nói riêng và của hai nước nói chung.

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói