Độc đáo phong tục cưới hỏi của người Mã Liềng Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Bản Rào Tre cách trung tâm thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh) 30 km, nơi sinh sống của 42 hộ, 142 người Mã Liềng (thuộc dân tộc Chứt). Khác với đám cưới ở miền xuôi, đám cưới của người Mã Liềng có những nét đặc sắc riêng biệt.

Tìm hiểu nhau qua tiếng đàn

Độc đáo phong tục cưới hỏi của người Mã Liềng Hà Tĩnh

Đôi lúc có khách đến chơi, ông bà lại mang đàn ra chơi để mọi người thưởng thức

Trong căn nhà sàn của ông Hồ Phượng và bà Hồ Thị Sen, bên cạnh chiếc radio đã cũ, còn có hai nhạc cụ cũng vừa được đưa ra để ngay ngắn trên chiếc bàn dưới chân cầu thang. Đó là chiếc đàn trơ bon và đàn môi. “Ngày xưa khi đi chơi với nhau, con trai thì thổi đàn môi, con gái đánh đàn trơ bon. Nghe thấy tiếng đàn là bắt đầu làm quen với nhau” - ông Phượng vừa kể, vừa đưa cây đàn môi nhỏ bằng ngón tay lên miệng thổi thử.

Tìm hiểu nhau qua tiếng đàn là phương thức độc đáo của trai bản, gái bản Rào Tre ngày trước. Cũng nhờ tiếng đàn ấy mà bao đôi tình nhân trong bản đã nên duyên vợ chồng. Đôi lúc, có vài đoàn khách đến thăm nhà, ông Phượng và bà Sen lại mang đàn ra chơi cho mọi người cùng thưởng thức.

Nghi lễ cưới hỏi truyền thống

Sinh ra và lớn lên ở bản Rào Tre, đến năm 2017, khi đã gần bước sang tuổi 30, chị Hồ Thị Kiên và anh Hồ Tình mới chính thức làm lễ cưới. Dù không còn tìm hiểu nhau qua tiếng đàn như thế hệ trước, tuy nhiên, các nghi lễ cưới hỏi vẫn giữ nét truyền thống.

Độc đáo phong tục cưới hỏi của người Mã Liềng Hà Tĩnh

Đám cưới của anh Hồ Tình và chị Hồ Thị Kiên diễn ra tháng 6/2017. Ảnh: Phạm Khắc Lanh

Trước đám cưới, nhà trai phải mang một chai rượu, đĩa trầu cau và một bó chè sang nhà gái để thưa chuyện. Được gia đình nhà gái đồng ý, nhà trai trở về chuẩn bị cho lễ ăn hỏi. Phong tục cưới hỏi của người Mã Liềng quy định lễ vật ăn hỏi bao gồm: “Hai con lợn, một con gà, một chai rượu, một bộ quần áo, một cái nón, một bó chè, dao, rìu, đĩa trầu cau, đôi bát đựng canh, mười cái bát ăn cơm và hai cái nồi” - chị Kiên vừa kể, vừa nhẩm lại những món đồ trong lễ ăn hỏi của mình hơn một năm về trước. Bên cạnh đó, tùy theo số lượng khách mời, nhà gái có thể thách cưới thêm về số lượng và trọng lượng của các lễ vật.

Sau lễ ăn hỏi, đôi vợ chồng mới bước vào nghi lễ cưới. Mở đầu bằng lễ bắt bếp, rồi đến lễ ăn chung, lễ cúng ma nhà, ma rú. Gà và lợn là hai lễ vật không thể thiếu trong các nghi lễ trên. Đám cưới được tổ chức ở nhà gái 5 ngày 5 đêm, sang ngày thứ 6, hai gia đình tổ chức lễ giao dâu về nhà chồng. Sau lễ giao dâu, đôi vợ chồng trẻ ở lại nhà cha mẹ chồng 5 ngày 5 đêm, qua ngày thứ 6 trở lại nhà cha mẹ vợ làm lễ lại mặt rồi mới về nhà chồng, kết thúc đám cưới.

Độc đáo phong tục cưới hỏi của người Mã Liềng Hà Tĩnh

Mâm cúng ma nhà trong đám cưới truyền thống của người Mã Liềng. Ảnh: Phạm Khắc Lanh

Giờ đây, các con của anh Tình và chị Kiên đang dần khôn lớn. Bao giờ điều kiện kinh tế cho phép, anh chị sẽ dự định tổ chức lễ cưới lần hai. Bởi theo quan niệm của người Mã Liềng, để cuộc sống hạnh phúc, gặp nhiều may mắn, đôi vợ chồng phải trải qua hai lần cưới. Lần một là lễ cưới vào, lần hai là lễ cưới ra. Nhưng đây không phải là quy định bắt buộc cho tất cả mọi người. “Sau lễ cưới lần một trên hai năm, nếu có đủ điều kiện vật chất, kinh tế, vợ chồng mới làm lễ cưới lần hai” – chị Kiên chia sẻ thêm.

Những giá trị cần được bảo tồn

Nghi lễ cưới hỏi của những người trong bản lấy nhau như anh Tình và chị Kiên đến bây giờ vẫn được tổ chức theo nghi lễ truyền thống. Tuy nhiên, do điều kiện sống phát triển, nhiều năm trở lại đây đã xuất hiện những đám cưới “ngoài bản” giữa người Mã Liềng và người Kinh nên việc tổ chức các nghi lễ cưới hỏi hiện nay đã có sự biến đổi. Bên cạnh việc giảm dần các nghi thức thờ cúng, còn xuất hiện thêm những hình thức tổ chức giống với đám cưới người Kinh như trang phục cưới, dựng rạp, thuê phông, màn, loa, máy, cỗ cưới…

Nhiều nét mang đậm bản sắc hôn nhân không còn được người Mã Liềng duy trì. Lễ vật cưới hỏi cũng có những sự biến đổi. Ngoài rượu, trầu, cau là những thứ không thể thiếu, trong một số đám cưới, các lễ vật truyền thống như lợn, gà, dao rìu, nồi… được thay thế bằng trà , thuốc lá, bánh kẹo… Các nghi lễ như bắt bếp, ăn chung, cúng ma nhà, ma rú cũng được bỏ qua, thay vào đó là những nghi thức giống với đám cưới hiện đại.

Độc đáo phong tục cưới hỏi của người Mã Liềng Hà Tĩnh

Một số đám cưới ngày nay có lễ vật thay đổi so với đám cưới truyền thống của người Mã Liềng

Trong Đề án Phát triển đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã để ra các giải pháp để bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Một trong số đó là giới thiệu, đưa nội dung văn hóa của đồng bào dân tộc Chứt vào giáo dục ở các trường học và các chương trình phát triển ở vùng miền núi; đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện về vật chất, pháp lý để đồng bào bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc. Đó là một cách làm hay để lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của người Chứt nói chung và phong tục cưới hỏi nói riêng.

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.