Đông muộn

(Baohatinh.vn) - Khi tất cả dường như tin rằng mùa đông đã ngủ quên trong sắc nắng hươm vàng thì giá rét đã bất ngờ trở lại. Thế rồi, những đợi chờ để xắm nắm sửa soạn cho mùa giá rét, những lo toan, bận bịu trong các phong tục tập quán của người miền Trung lại lần lượt trở về trong đời sống…

Đông muộn

Đông dẫu muộn vẫn trở về đủ đầy bên bếp lửa ấm áp của bà (Ảnh Khánh Thành)

Mùa đông - mùa gói ghém một năm dài đằng đẵng đã trở thành nỗi mong ngóng của vạn vật và con người. Trong vạn vật cây cối, trong lòng người đang lặng lẽ ấp ủ những khát vọng để vươn chồi xanh đón những điều mới mẻ. Mùa đông càng trở nên tha thiết hơn trong nỗi đợi mong bởi đó còn là nơi để con người sưởi ấm cho nhau những ngày đông giá… Bởi đó còn là thời điểm, những mỹ tục của đời sống được thực hành…

Lục lại đôi kim đan đã vùi sâu trong lớp lớp quần áo mùa hè nơi đáy tủ, các thiếu phụ lại bắt đầu với những biến hoá của len. Đó là sở thích cũng đồng thời là một thói quen của phụ nữ mỗi mùa giá rét. Cầm đôi kim đan, cuộn từng sợi len với sắc màu ấm áp, tưởng như đã gom hết hơi ấm của tâm tư mình để sưởi ấm cho người thân, bạn bè. Bởi thế, chỉ khi giá rét tràn về, người ta mới có cảm xúc để cầm đôi kim đan. Những món đồ ấm như chiếc khăn, tấm áo, cái mũ, đôi găng tay hay những con thú, bông hoa bằng len ấm áp, xinh xắn được khai sinh từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ trong những ngày đông buốt giá luôn làm người nhận quà cảm thấy hạnh phúc.

Đông muộn

Những buốt giá dồn lại trong những ngày cuối đông lại gọi về thói quen đan khăn, đan áo của người thiếu phụ.

Giá rét dù khắc nghiệt đến mấy cũng tạo cảm hứng để mỗi người say mê hơn, chỉn chu hơn với công việc của mình. Trong buốt giá, việc ngắm nghía một bông hoa, thưởng thức một ngụm trà, đốt một cây hương trầm hay nhấm nháp một miếng mứt cũng trở nên thanh nhã và thi vị hơn rất nhiều. Chẳng những thế mà trời vừa chuyển rét, các chị, các mẹ đã chộn rộn mua sắm nào lọ nào hoa, nào các loại nguyên liệu để làm mứt tết, đã kháo nhau về địa chỉ để mua được loại hương trầm thơm nhất. Chẳng những thế mà trời vừa chuyển rét, các ông bố đã lo sắm sửa trà, rượu để tiếp đãi bạn bè. Và bao lứa thanh niên thì cũng như thu mình lại, sửa soạn những món quà ấm áp để tặng cho ông bà, cha mẹ. Ai ai cũng muốn mang hơi ấm của lòng mình để sưởi ấm cho người thân, bè bạn…

Những ngày buốt giá này, tôi lại nhớ người bạn văn của tôi. Năm nào cũng vậy, vào những cữ rét đậm, gần tết như thế này, bạn lại sửa soạn nào trà, nào ấm, nào mực, nào bút, nào dao, nào củ thủy tiên... Rồi trong không gian thư phòng ấm cúng của mình, trong mùi trà thơm phảng phất, bạn bắt đầu gọt củ thủy tiên để chờ đón mùa xuân. Trong phút thảnh thơi, trong một nguồn cảm hứng bất chợt nào đó, bạn lại cầm bút, viết đôi ba chữ thư pháp tặng bạn bè như muốn mang đến cho mọi người niềm may mắn, thái hòa cho một năm đang tới.

Đông muộn

Trong những cuối đông giá rét, bạn tôi lại sửa soạn đồ nghề để tỉa gọt hoa thuỷ tiên bên ấm trà thơm vừa pha (Ảnh: Trần Ngọc Linh)

Mùa đông vào dịp gần tết với giá rét đột ngột còn là phép thử đối với con người, nhất là những nông dân chân lấm tay bùn xứ sở khắc nghiệt miền Trung. Ở miền rừng, những người quen đi lấy lá dong đã bắt đầu vào rừng khảo sát để thu hái phục vụ khách hàng. Những chủ vườn cam cũng đang mỗi ngày chiến đấu với nạn sương muối gây rụng quả để có cam phục vụ những phiên chợ tết. Ở miền biển, những chuyến tàu vẫn nối nhau ra khơi dù gió về rét buốt. Và trên những cánh đồng, người nông dân vẫn chăm chỉ trên những luống rau.

Đông muộn

Trên miền sơn cước, người nông dân cũng đang cần mẫn gìn giữ những vườn cam đón tết...

Năm nay, mùa đông đến muộn. Người chăn nuôi đang từng ngày phải đối mặt với những khó khăn của khí hậu khi dịch bệnh hoành hành; nhiều ruộng rau sắp thu hoạch bị hư hỏng do ngập úng và sương muối. Nhưng tôi hiểu, người miền Trung quê tôi, càng khó khăn, khắc nghiệt thì càng kiên cường. Là một người chuyên sản xuất rau tết ở làng rau Mai Hồ (thị trấn Đức Thọ), chị Phạm Thị Loan nói, lứa rau này hư thì trồng thứ khác, thời gian không còn dài nên gia đình chị quyết định trồng các loại rau ngắn ngày. Dẫu gì, trước và sau tết chị cũng phải có rau ra chợ bán. Đó là tập quán sản xuất bao đời nay của gia đình rồi, không thể vì thời tiết khắc nghiệt mà khuất phục được.

Đông muộn

...và đâu đó giữa đồng bằng, người trồng rau cũng miệt mài chăm bón, đón đợi phiên chợ tết.

Mùa đông như sợi lạt để buộc chặt chiếc bánh của một năm dài. Mùa đông cũng như chiếc bản lề để mở ra cánh cửa của một năm mới. Bây giờ, phố đã thực sự vào đông. Những hàng cây đã trút hết đợt lá cuối cùng để lại những cành trơ khô khốc. Những nụ mầm, bao quả ngọt cũng đã bắt đầu lên hương để đợi chờ xuân mới. Trong giá rét, người người cũng đang hối hả hoàn thành công việc cuối năm để “dọn lòng” đón chờ những ngày tháng mới. Và đất trời như cũng đang thu mình lại trong buốt giá, để nay mai lại tỏa ấm vào hoa lá, cỏ cây, tỏa ấm vào lòng người…

Chủ đề Di chỉ - Khảo cổ

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống