Giá dầu diesel tăng cao khiến nhiều tàu thuyền của ngư dân Lộc Hà nằm im lìm trong âu thuyền Cửa Sót.
Sau 5 ngày câu mực ngoài khơi trở về, ông Trần Văn Xuân ở thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim (Lộc Hà) vừa dọn dẹp trên tàu vừa nhẩm tính... thua lỗ.
Trong chuyến đi này, ông và 2 bạn nghề đi chung thuyền phải bỏ ra chi phí 3,1 triệu đồng (chưa gồm nhân công), trong đó mua nhiên liệu hết gần 1,8 triệu đồng (khoảng 65 lít dầu diesel). Thế nhưng, lại không “trúng” hàng nên chỉ thu về được 3 triệu đồng tiền bán mực. Bị lỗ vốn, ông Xuân và các bạn nghề đang tính đến việc tạm nghỉ một thời gian để chờ giá dầu giảm, hoặc giá mực được nâng lên.
Ngư dân Trần Văn Xuân (Thạch Kim) dọn dẹp tàu thuyền trong tâm trạng không vui vì chuyến đi câu lỗ vốn.
Theo phản ánh của ông Trần Văn Xuân, giá dầu diesel liên tiếp tăng khiến ngư dân gặp khó trong ra khơi, bám biển sản xuất. Từ khoảng 13.000 đồng/lít (tháng 1/2021), sau nhiều lần tăng, đến nay, giá dầu đã lên gần 26.000 đồng/lít...
Giá dầu tăng gấp đôi kéo theo chi phí mỗi chuyến biển tăng cao, khiến thu nhập của cả chủ tàu lẫn thuyền viên bị giảm sút (thậm chí bị lỗ), đời sống của ngư dân thêm khó khăn, nhiều lao động không mặn mà bám biển.
Giá dầu quá cao nên ngư dân đánh bắt vùng lộng chỉ dám mang can lên mua 20 lít, vừa đủ đi đánh bắt trong ngày.
Không chỉ khai thác xa bờ gặp khó mà những ngư dân đánh bắt vùng lộng như anh Trần Văn Nghĩa (thị trấn Lộc Hà) cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Trước đây, mỗi lần bơm nhiên liệu là anh Nghĩa đổ đầy thùng, thậm chí dự trữ thêm (chi phí khoảng 3 - 4 triệu đồng) để có thể được nhiều chuyến. Nhưng nay, giá dầu lên mức hơn 26.000 đồng/lít nên anh chỉ dám mua 600.000 đồng đi tạm trong ngày với hi vọng những mẻ lưới ở vùng lộng có thể mang về cho anh và 1 bạn cùng thuyền mức thu nhập 300.000 đồng/người/ngày công, sau khi trừ chi phí.
Anh Phan Văn Phú – cán bộ Ban Quản lý Các cảng cá Hà Tĩnh thông tin: “Do giá xăng dầu lên cao, trong khi giá hải sản không tăng, hiệu quả sản xuất thấp nên bức tranh ở cảng cá Cửa Sót và Xuân Hội không còn sôi động như trước. Ngoài đội tàu nội tỉnh hoạt động cầm chừng thì một số tàu xa bờ ngoại tỉnh sau đánh bắt không cập cảng mà về quê neo đậu để giảm chi phí. Vì vậy, từ đầu tháng 5 đến nay, lượng tàu thuyền vào 2 cảng này neo đậu chỉ gần 1.600 lượt, lượng hải sản bốc dỡ và tiêu thụ đạt khoảng 800 tấn, giảm khoảng 30% so với những tháng giá dầu dao động từ 17.000 - 20.000 đồng/lít; trong đó, giảm rõ rệt nhất là các tàu và hải sản về từ vùng khơi”.
Lượng tàu thuyền và hải sản tươi sống ở cảng cá Cửa Sót giảm buộc hàng đông lạnh phải xuất kho nhiều hơn
Trong chuyến đi biển mới nhất, con tàu trị giá 14 tỷ đồng của ông Trần Đức Vinh ở thôn Tân Hải, xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) mang theo 9 thuyền viên, làm nghề lưới rê xù (chủ yếu đánh cá thu) chỉ thu được 130 triệu đồng, nhưng trong 10 ngày ra khơi đó, tiền mua nhiên liệu đã tiêu tốn 58 triệu đồng, thêm nhân công và các chi phí khác lên đến 120 triệu đồng.
Cho thuyền nằm bờ thì không đành vì phải đảm bảo việc làm cho bạn nghề, máy móc phải hoạt động để tránh hư hại và bản thân ông cũng cần có việc làm, song, vừa xuất bến ông, Vinh đã lo lắng và cầu mong sản lượng tốt để có tiền bù giá dầu tăng cao, có tiền trả nhân công và gia đình có chút lãi.
Ngư dân Nghi Xuân hoạt động cầm chừng, tàu thuyền neo đậu nhiều ở âu thuyền Xuân Hội.
Trong tình cảnh khó khăn do giá dầu tăng cao, một số ngư dân đã cho thuyền nằm bờ vì sợ lỗ. Ông Nguyễn Hoài Nam ở thôn Tân Phúc Thành 1, xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) cho biết: “Hơn 1 tháng nay, khi giá xăng dầu tăng phi mã, tôi không dám cho con tàu công suất 340CV của mình ra khơi.
Bởi, mỗi chuyến đi biển trong ngày về thu được khoảng 6 – 7 triệu đồng. Nếu trước đây, với giá dầu từ 17.000 - 20.000đ/lít thì sau khi trả tiền công cho 5 lao động (400.000 đồng/người/ngày), tôi vẫn còn lãi vài triệu đồng/ngày. Nhưng nay, mỗi chuyến đi hết khoảng 150 lít dầu đã mất gần 4 triệu đồng tiền nhiên liệu, thêm các chi phí khác thì chủ tàu không còn gì, thậm chí bị lỗ”.
Giá dầu lên cao khiến hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân TX Kỳ Anh gặp nhiều khó khăn. Ảnh chụp tại âu thuyền Kỳ Phương.
Anh Hồ Ngọc Diễn - Cán bộ Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết: Trong tháng 5 vừa qua, dù thời tiết thuận, nguồn lợi thủy sản nhiều nhưng do giá dầu tăng cao nên công suất đội tàu đánh bắt ven bờ chỉ từ 75 – 80%, công suất đội tàu khai thác ở vùng lộng và vùng khơi chỉ từ 85 - 90%. Sản lượng đánh bắt trên biển đạt 3.140 tấn, tương đương với cùng thời điểm này năm ngoái (dù tháng 5/2021 bị ảnh hưởng COVID-19, thuyền nằm bờ nhiều hơn). Giá dầu tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến tình hình khai thác, khiến chi phí mỗi chuyến biển tăng, thu nhập của chủ tàu và lao động giảm sâu…".