Ngư dân Thạch Kim chuẩn bị ngư cụ trước lúc ra biển sản xuất.
Bất chấp thời tiết bất thuận, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, giá cả xăng dầu leo thang và nhiều khó khăn kéo theo, nhưng những tháng đầu năm nay, tàu cá HT9046 của ngư dân Nguyễn Đức Thành (thị trấn Lộc Hà) vẫn thường xuyên bám biển. Cứ sau ít ngày nghỉ ngơi, con tàu này lại ra khơi và sau 1 - 2 tuần đánh bắt lại mang về cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim) 2 - 3 tạ cá thu, cá đục, cá hanh… tươi ngon.
Những loại cá tươi ngon, có giá trị kinh tế cao do ngư dân khai thác được bán hết ngay tại cảng cá Cửa Sót.
Để thuyền câu có công suất 420 CV ra biển thường xuyên và sản xuất hiệu quả, tùy vào từng thời điểm cụ thể mà anh Thành có sự điều chỉnh phù hợp về nhân lực (4 - 6 người), thời gian bám biển (1 - 2 tuần/chuyến), lựa chọn ngư trường và đối tượng đánh bắt hợp lý.
Ngoài ra, trong bối cảnh giá nhiên liệu đắt đỏ, anh Thành đã tiết kiệm tối đa các chi phí phát sinh, chú trọng bảo quản sản phẩm tươi ngon và tìm kiếm những đầu mối tiêu thụ mới để bán được giá hơn. Nhờ vậy, mỗi chuyến biển của anh có thể thu về từ 30 – 40 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất và nhân công thì chủ thuyền thu về hơn 10 triệu đồng.
Những mẻ lưới tiền triệu đánh bắt ở khu vực gần bờ của ngư dân xã Thịnh Lộc.
Cũng như anh Thành, hầu hết ngư dân ở Lộc Hà, nhất là ở các địa phương trọng điểm trong đánh bắt hải sản (thị trấn Lộc Hà, xã Thạch Kim và Thịnh Lộc) đều đang nỗ lực khắc phục khó khăn để bám biển vươn khơi. Cứ thời tiết thuận lợi, cá tôm nhiều là bà con ra biển sản xuất đủ các thứ nghề từ câu, vó, lưới rề, xăm mười, te... Qua đó, không chỉ giúp tạo việc làm, có thu nhập hằng ngày cho hàng ngàn lao động mà còn giúp nghề đánh bắt hải sản duy trì sản lượng khai thác.
Dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng theo số liệu thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà, tổng sản lượng hải sản đánh bắt được trong 3 tháng đầu năm nay ước đạt 930 tấn (bằng 103% so với cùng kỳ năm ngoái). Hải sản đánh bắt được chủ yếu là mực, cá thu, cá đục, cá trích, các loài nhuyễn thể, tôm he, ghẹ…
Những tháng đầu năm, Lộc Hà đã khai thác, nuôi trồng được hàng trăm tấn ngao. (ảnh T.L)
Trong bức tranh khai thác hải sản nhiều gam màu sáng ở Lộc Hà thì ngư dân xã Thạch Kim đóng góp quan trọng. Ông Nguyễn Văn Nam – cán bộ khuyến nông xã Thạch Kim cho biết: “Chúng tôi luôn phát huy được vai trò của xã trọng điểm trong khai thác hải sản với đội tàu 103 chiếc và 374 lao động trên biển. 3 tháng đầu năm, bà con ngư dân đã chủ động khắc phục khó khăn, hăng say bám nghề, cho sản lượng ước đạt 250 tấn, trị giá khoảng 18,5 tỷ đồng”.
Người dân Hộ Độ thu hoạch tôm vụ đông xuân 2021 - 2022.
Cùng với những kết quả khả quan trên lĩnh vực khai thác hải sản, người dân Lộc Hà cũng tích cực vượt khó, duy trì tốt nhịp điệu nuôi trồng thủy sản.
Vụ đông xuân 2021 - 2022, anh Trần Văn Đức ở TDP Xuân Hòa (thị trấn Lộc Hà) thả nuôi 27 vạn giống tôm thẻ chân trắng trong 10 bể xi măng trong nhà và 1 ao đất bán thâm canh. Mặc dù thời tiết mưa rét nhiều, diễn biến phức tạp, một số ao nuôi trong vùng bị dịch bệnh nên phải đối mặt với nguy cơ lây lan cao, tôm ít ăn, chậm lớn hơn các vụ khác nhưng nhờ kinh nghiệm, được đầu tư nuôi trong nhà, chăm sóc tốt nên hộ nuôi này đã bảo vệ được các ao tôm.
Sau 5 tháng thả nuôi, gia đình đã thu hoạch được gần 8 tấn tôm thương phẩm. Với mức giá khoảng 180.000 đồng/kg tôm loại 50 con/kg, anh Đức có lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.
Lãnh đạo huyện Lộc Hà kiểm tra mô hình nuôi tôm thẻ bằng bể xi măng trong nhà ở TDP Xuân Hòa, thị trấn Lộc Hà. (ảnh T.L)
Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Lộc Hà Trần Văn Hiếu cho biết: “Vụ đông xuân, người nuôi trồng thị trấn Lộc Hà thả nuôi 9 ha cua, cá (đến nay vẫn chưa thu hoạch); 14 ha tôm thẻ chân trắng (5 ha nuôi thâm canh, còn lại quảng canh và bán thâm canh). Dù chịu ảnh hưởng nặng bởi thời tiết, thời gian nuôi kéo dài, chi phí đầu tư tăng cao..., nhưng bà con vẫn phấn khởi vì tôm được mùa, được giá. Theo ước tính, sản lượng tôm vụ đông trên địa bàn ước đạt khoảng 26 tấn”.
Người nuôi trồng thủy sản Hộ Độ đang gấp rút cải tạo ao hồ để chuẩn bị nuôi tôm vụ xuân hè.
Tương tự, các đối tượng nuôi trồng khác cũng gặp khó vì thời tiết bất thuận kéo dài khiến con nuôi chậm lớn, nguy cơ dịch bệnh cao, thị trường bị ảnh hưởng bởi COVID-19, giá thức ăn tăng. Song, nhờ người nuôi chăm sóc tốt, tích cực ứng dụng các tiến bộ KHKT và được ngành chuyên môn hỗ trợ nên đã duy trì diện tích nuôi 348 ha (bằng 103% so với cùng kỳ năm ngoái); trong đó, nuôi mặn lợ 198 ha, nuôi nước ngọt 150 ha..
Các đối tượng nuôi trồng chủ yếu là tôm thẻ, tôm sú, cua, hến, cá chẽm, cá mú, cá diêu hồng, cá sủ và một số loại cá nước ngọt khác. Các xã nuôi trồng trọng điểm là thị trấn Lộc Hà, Hộ Độ, Mai Phụ, Thạch Châu, Thịnh Lộc (nuôi mặn lợ); Ích Hậu, Phù Lưu, Tân Lộc (nuôi nước ngọt)…
Người nuôi trồng thủy Phù Lưu nuôi cá diêu hồng trong các ao, hồ nước ngọt.
Bà Nguyễn Thị Duyên – cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà thông tin: Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực ngư nghiệp ở Lộc Hà vẫn duy trì nhịp điệu sản xuất ổn định, mang về kết quả khá tốt. Tổng sản lượng thủy sản những tháng đầu năm ước đạt 1.685 tấn (gần tương đương với cùng kỳ năm trước); trong đó, sản lượng đánh bắt đạt 930 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 755 tấn. Đội tàu đánh bắt thủy sản 334 chiếc với tổng công suất 21.441 CV hoạt động khá thường xuyên, các khu nuôi trồng duy trì nuôi đều đặn, các loại dịch bệnh được phát hiện và khống chế sớm…