Cảng cá lớn nhất Hà Tĩnh “rã đông” sau cao điểm dịch Covid-19

(Baohatinh.vn) - Nằm ngay sát tâm dịch nên công tác phòng chống gặp rất nhiều khó khăn nhưng Cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn an toàn vượt qua “bão” dịch để ngư dân phấn khởi bám biển, vươn khơi.

“Ngủ đông” vì chống dịch…

Trong trạng thái bình thường, Cảng cá Cửa Sót mỗi ngày đón khoảng 1.100 - 1.400 người, hàng trăm phương tiện vận tải bộ và khoảng 60 - 100 tàu thuyền lớn, nhỏ trong - ngoài tỉnh ra vào. Điều này cũng kéo theo nguy cơ lớn về mất an toàn dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó có huyện Lộc Hà bị dịch Covid-19 tấn công.

Cảng cá lớn nhất Hà Tĩnh “rã đông” sau cao điểm dịch Covid-19

Các lực lượng chức năng đã triển khai đồng bộ, nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống Covid-19 nên cảng cá lớn nhất Hà Tĩnh đã vượt qua “bão” dịch.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh khi trên địa bàn xuất hiện trường hợp dương tính với Covid-19, ngày 14/6, thị trấn Lộc Hà và xã Thạch Kim được thiết lập vùng cách ly y tế. Trong bối cảnh bị phong tỏa, các hoạt động sản xuất, kinh doanh gần như bị tê liệt, chỉ hoạt động cầm chừng, Cảng cá Cửa Sót gần như rơi vào tình trạng “ngủ đông”.

Mọi hoạt động chủ yếu ưu tiên cho việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, cán bộ, nhân viên Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh phối hợp chặt chẽ, đồng hành với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, y tế, kiểm ngư và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh.

Cảng cá lớn nhất Hà Tĩnh “rã đông” sau cao điểm dịch Covid-19

Trong thời gian cao điểm về dịch bệnh, tất cả các hoạt động diễn ra trong khu vực cảng cá đều phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng.

Anh Phan Văn Phú - viên chức Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, thành viên Tổ liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cảng cá Cửa Sót cho biết: “Để đảm bảo an toàn tuyệt đối trước dịch bệnh, chúng tôi đã ngay lập tức “kích hoạt” kế hoạch ứng phó theo 5 cấp độ đã được xây dựng trước đó. Công tác phòng, chống dịch được đẩy lên cao, toàn bộ cảng cá “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, những phương án cho thời kỳ “đóng băng” đã được chuẩn bị chu đáo”.

Cảng cá lớn nhất Hà Tĩnh “rã đông” sau cao điểm dịch Covid-19

Trong thời gian thực hiện cách ly y tế, mỗi ngày chỉ có 7 - 10 chủ thuyền đến gặp lực lượng chức năng làm thủ tục và kiểm tra dịch bệnh trước lúc xuất lạch.

Tuy nhiên, thời đểm đó, tại Cảng cá Cửa Sót đang có 216 tàu thuyền nằm bờ. Nhu cầu vươn khơi bám biển, mưu sinh của ngư dân vùng biển là luôn thường trực. Vì vậy, ngay sau đó, Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh đã lập tức triển khai ngay biện pháp test nhanh cho các ngư dân trước khi ra biển sản xuất.

Bằng mọi nỗ lực cố gắng của đơn vị lực lượng y tế phối hợp, bình quân mỗi ngày có 60 - 80 lượt ngư dân được test nhanh, đủ điều kiện vươn khơi. Tuy nhiên, hiệu quả đánh bắt không cao, buôn bán bị ngưng trệ, ngư dân phải trả thêm chi phí test 150.000 đồng/người/lượt, cộng thêm tâm lý lo lắng… nên tình hình sản xuất, kinh doanh ở đây vẫn cầm chừng.

Cảng cá lớn nhất Hà Tĩnh “rã đông” sau cao điểm dịch Covid-19

Tàu chen chúc nằm bờ trong những ngày “bão” dịch.

Trong những ngày “bão” dịch, bình quân mỗi ngày ở khu vực cảng cá này chỉ có khoảng 7-10 lượt tàu ra khơi (chủ yếu thuyền công suất lớn), sản lượng hải sản đánh bắt chỉ khoảng 6 - 8 tấn (bằng 1/4 của ngày bình thường), số tiểu thương đến cảng cũng chỉ khoảng 100 - 150 người trong vùng cách ly (bằng 1/10 ngày bình thường), nhu yếu phẩm trao đổi cũng hầu như không đáng kể... Trong bối cảnh ảm đạm đó, tất cả mọi người đều mong ngóng tình hình sẽ sớm thay đổi, nhịp điệu sản xuất sớm khôi phục trở lại.

Ngư dân hăng hái bám biển, vươn khơi

Trưa ngày 26/6, lệnh phong tỏa thị trấn Lộc Hà, xã Thạch Kim được gỡ bỏ, quy trình và thủ tục kiểm soát người, phương tiện ra vào được nới lỏng… Ngay lập tức, Cảng cá Cửa Sót “thức giấc”, ngư dân, tiểu thương phấn khởi trở lại nhịp điệu sản xuất.

Trong sáng đầu tiên sau khi thực hiện gỡ bỏ phong tỏa y tế, Cảng cá Cửa Sót đã đón 17 tàu thuyền cập bến, mang theo khoảng 8 tấn hải sản các loại về đất liền và được khoảng 250 tiểu thương ra thu mua.

Cảng cá lớn nhất Hà Tĩnh “rã đông” sau cao điểm dịch Covid-19

Những mẻ hải sản đầu tiên về Cảng cá Cửa Sót sau 14 ngày thực hiện cách ly y tế.

Ngư dân Ngô Hữu Việt ở thôn Sơn Bằng, xã Thạch Kim (chủ tàu HT 90330) cho biết: “Trong đợt dịch vừa rồi, chúng tôi có đi khơi câu cá thu, cá cam, mực trong thời gian 1 tuần, mới về cập cảng bán được gần 30 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, trong đó có phí test Covid-19 nên thu nhập chẳng đáng bao nhiêu.

Hôm nay. lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, chúng tôi đang gấp rút sửa soạn lại đồ nghề, ngư cụ cho chuyến đánh bắt trên biển 7 - 10 ngày. Tâm lý thoải mái, không mất nhiều thời gian và chi phí làm thủ tục y tế trên bờ, chúng tôi tin tưởng chuyến đi này sẽ thắng lợi".

Cảng cá lớn nhất Hà Tĩnh “rã đông” sau cao điểm dịch Covid-19

Ngư dân Ngô Hữu Việt kiểm tra đồ câu, chuẩn bị lương thực, nước uống để chuẩn bị đi biển dài ngày.

Cũng theo ngư dân Ngô Hữu Việt, dù lệnh gỡ bỏ cách ly y tế đã có hiệu lực nhưng anh và các bạn thuyền đều luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng dịch bệnh để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân cũng như cho cộng đồng.

Trong quá trình sản xuất cũng sẽ hạn chế tối đa tiếp xúc với người lạ, không vào neo đậu ở những vùng đang có dịch, không chở người từ vùng dịch về địa bàn, thực hiện khai báo đầy đủ các thủ tục với các lực lượng chức năng…

Cảng cá lớn nhất Hà Tĩnh “rã đông” sau cao điểm dịch Covid-19

Ngư dân Hoàng Văn Tâm gấp rút sửa soạn đồ nghề để cùng bạn thuyền chuẩn bị cho chuyến câu ở vùng lộng.

Trong âu thuyền Cửa Sót, ngư dân Hoàng Văn Tâm ở thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim (chủ tàu HT 20206) cũng đang gấp rút chuẩn bị cho chuyến câu ở vùng lộng của mình. Anh Tâm chia sẻ: “Do dịch bệnh phức tạp nên vừa rồi tôi không đi biển. Nay tình hình ổn hơn, tôi và 1 bạn nghề nữa đang chuẩn bị mọi thứ để đi câu ở khu vực cách bờ khoảng 25 hải lý, trong thời gian 3 - 7 ngày. Tất cả đã sẵn sàng, chờ con nước lên sẽ xuất bến…".

Cảng cá lớn nhất Hà Tĩnh “rã đông” sau cao điểm dịch Covid-19

Những con thuyền của ngư dân Thạch Kim hăm hở ra vùng lộng đánh bắt hải sản sau nhiều ngày nằm bờ.

Không chỉ có anh Việt, anh Tâm, anh Hải mà hàng trăm tàu thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh đang neo đậu tại khu vực Cảng cá Cửa Sót đều hăm hở bám biển, vươn khơi. Những con thuyền mạnh mẽ vượt sóng, mang theo niềm hi vọng của những người ngư dân yêu lao động, để mỗi sớm mai trở về thuyền nặng đầy cá tôm và quên đi những lo lắng, vất vả trong những ngày dịch bệnh.

Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh Bùi Tuấn Sơn cho biết: “Đơn vị cũng như Tổ liên ngành phòng chống dịch Covid-19 đóng tại cảng đã chủ động, sẵn sàng phương án chuyển đổi trạng thái phòng, chống dịch bệnh sau khi gỡ bỏ cách ly y tế để vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh vừa khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất và sẵn sàng hỗ trợ về mọi mặt để ngư dân yên tâm bám biển, các tiểu thương được tiếp cận nguồn hàng khi thuyền về”.

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.