Giá lợn hơi giảm sâu, người chăn nuôi ở Hà Tĩnh thua lỗ

(Baohatinh.vn) - Giá lợn hơi hiện đã chạm mốc 33.000 đồng/kg, thấp nhất trong hơn 2 năm qua, trong khi giá thức ăn chăn nuôi, giá con giống “neo” ở mức cao khiến người chăn nuôi ở Hà Tĩnh thua lỗ.

Hiện nay là giai đoạn cực kỳ khó khăn của hợp tác xã (HTX) chăn nuôi tổng hợp Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) khi giá lợn hơi liên tục giảm sâu mà sức tiêu thụ lại dè dặt.

Giá lợn hơi giảm sâu, người chăn nuôi ở Hà Tĩnh thua lỗ

Với hơn 700 con lợn thịt chưa thể xuất bán, mỗi ngày, HTX Chăn nuôi tổng hợp Đồng Môn phải chi hàng chục triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi và phòng dịch.

Ông Nguyễn Chính Cảnh – Giám đốc HTX Chăn nuôi tổng hợp Đồng Môn cho hay: “Trang trại chúng tôi chuyên nuôi lợn nái và lợn thịt cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. HTX hiện đang nuôi 300 con lợn nái và 1.000 con lợn thịt. Trong đó, gần 900 con lợn thịt đã đến kỳ xuất bán song mới chỉ tiêu thụ được hơn 140 con. Điều đáng nói là giá lợn hơi rẻ (35.000 đồng/kg) trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng tới 35% so với cùng kỳ năm ngoái, cộng với chi phí thuốc thú y, phòng dịch tăng cao nên HTX lỗ tới 1,5 triệu đồng/con. Với hơn 700 con lợn thịt chưa thể xuất bán, mỗi ngày chúng tôi phải chi hàng chục triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi và phòng dịch”.

Trước tình trạng giá lợn hơi giảm sâu, thời điểm này, HTX Chăn nuôi, tổng hợp và xây dựng Minh Lộc (xã Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) phải thu hẹp quy mô đàn để giảm chi phí.

Giá lợn hơi giảm sâu, người chăn nuôi ở Hà Tĩnh thua lỗ

HTX Chăn nuôi, tổng hợp và xây dựng Minh Lộc đang phải thu hẹp quy mô đàn để giảm chi phí.

Ông Trương Xuân Bính - Giám đốc HTX Chăn nuôi, tổng hợp và xây dựng Minh Lộc cho biết: “Từ quy mô 500 nái với hơn 1.000 lợn thịt/lứa, hiện nay tôi phải giảm quy mô xuống còn 400 nái, 500 lợn thịt/lứa. Giá lợn hơi giảm xuống còn 33.000 đồng/kg, thời điểm này, HTX phải chịu lỗ khoảng 300 triệu đồng/tháng”.

Theo ghi nhận, không chỉ các trang trại chăn nuôi quy mô lớn “khốn đốn” mà chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ cũng đang đối mặt nhiều khó khăn.

Tháng 6/2020, gia đình ông Lê Văn Phúc (xã Phúc Đồng – Hương Khê) thả nuôi 26 con lợn thịt. Ông Phúc cho hay: “Nếu tự chủ được con giống thì còn đỡ, chứ gia đình tôi phải mua 100% lợn giống với giá cao (2,3 triệu đồng/con), trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng nên lứa lợn này tôi phải chịu lỗ. Đã xuất chuồng được hơn một tuần nhưng đầu ra khó khăn và giá lợn hơi “lao dốc” nên tôi chưa dám nghĩ đến chuyện tái đàn trong thời điểm này”.

Giá lợn hơi giảm sâu, người chăn nuôi ở Hà Tĩnh thua lỗ

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao là thách thức lớn với người chăn nuôi.

Theo chia sẻ của người chăn nuôi, giá lợn hơi bắt đầu đà giảm từ tháng 8/2021 ở mức khoảng 55.000 đồng/kg. Với mức giá này, các trang trại quy mô vẫn có lãi còn người chăn nuôi nhỏ lẻ đã bị lỗ.

Từ tháng 9/2021, giá lợn hơi giảm xuống dưới 50.000 đồng/kg và đến đầu tháng 10/2021 thì chạm mốc 33.000 – 37.000 đồng/kg. So với giá bình quân năm 2020, mức giá hiện tại đã giảm mạnh từ 25.000-30.000 đồng/kg, trong khi giá bình quân các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ 2020 từ 16-46%. Ở thời điểm này, người chăn nuôi phải bù lỗ trung bình khoảng 1 triệu đồng/1 con lợn.

Được biết, nguyên nhân khiến giá lợn giảm sâu là do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ngay khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh thì giá lợn hơi bắt đầu đi xuống. Dịch bệnh khiến nhu cầu tiêu thụ thấp trong khi nguồn cung cao, hơn nữa việc vận chuyển phức tạp, khó khăn cũng khiến thương lái “ngại” thu mua.

Giá lợn hơi giảm sâu, người chăn nuôi ở Hà Tĩnh thua lỗ

Người chăn nuôi cần nhìn vào tín hiệu thị trường để chủ động phương án tổ chức sản xuất phù hợp.

Ông Phan Quý Dương – Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi, Chi cục chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh cho biết: “Mới đây, chúng tôi khảo sát qua các trang trại lớn thì còn khoảng 100.000 con lợn thịt đến kỳ xuất bán nhưng đang tồn đọng. Các trại lợn nái cũng đang “đau đầu” tìm đầu ra cho lợn giống. Chúng tôi đang nghiên cứu, đề xuất để sớm có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt cho người chăn nuôi".

Cũng theo ông Dương, giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng cao là thách thức lớn của ngành chăn nuôi trong những tháng cuối năm 2021. Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân cần nhìn vào tín hiệu thị trường để chủ động phương án tổ chức sản xuất phù hợp và cần tuân thủ biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.