Nhiều đời làm mộc, ông Trần Huy Thắng (thôn Bình Tiến B, xã Thanh Bình Thịnh) từ lâu đã nhận ra tác hại của việc phun sơn PU đối với sức khỏe con người và môi trường sống. Do vậy, cuối năm 2010, ông Thắng hình thành cơ sở phun sơn Quyết Tâm, cách xa khu dân cư (thuộc Cụm công nghiệp Thái Yên bây giờ).
Hiện trên 200 hộ sản xuất, kinh doanh ở làng mộc Thái Yên sử dụng dịch vụ tại cơ sở phun sơn Quyết Tâm.
Ban đầu, quy mô cơ sở còn khiêm tốn, chủ yếu phục vụ hoạt động sản xuất gỗ của gia đình. Năm 2015, khi xã Thái Yên (cũ) tập trung cao cho xây dựng nông thôn mới, được sự hỗ trợ của Nhà nước, ông Thắng mở rộng quy mô, đầu tư thêm công nghệ mới với tổng chi phí trên 2 tỷ đồng.
Khách hàng chở sản phẩm đến hoàn thiện tại cơ sở phun sơn Quyết Tâm.
Ông Thắng cho hay: “Những người sản xuất trong làng ban đầu chưa quen với việc phun sơn tập trung. Họ ngại xê dịch, chỉ muốn hoàn thiện sản phẩm ngay tại nhà. Tuy nhiên, quá trình tuyên truyền, vận động của chính quyền, người làm mộc dần nhận ra hiệu quả thiết thực của phun sơn tập trung nên đã hợp tác.
Hiện có trên 200 hộ sản xuất, kinh doanh sử dụng dịch vụ phun sơn tại cơ sở, doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/năm. Tuy rằng, vấn đề môi trường vẫn chưa được xử lý triệt để, song việc áp dụng phun sơn tập trung đã cơ bản giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong dân từ hàng trăm năm nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư công nghệ hiện đại để vừa phát triển làng nghề, vừa bảo vệ môi trường”.
Công nhân làm việc tại cơ sở phun tập trung của ông Nguyễn Đăng Thế (Cụm công nghiệp Thái Yên).
Càng cận tết, công nhân tại cơ sở phun sơn tập trung của ông Nguyễn Đăng Thế (Cụm công nghiệp Thái Yên) càng bận rộn.
Ông Thế cho hay: “Tôi cũng là một trong những người tiên phong mở lò phun tập trung tại làng nghề mộc Thái Yên. Hiện nay, 2 lò phun của chúng tôi hoạt động khép kín, có hệ thống hút đẩy và phun sương dập khí... nên đảm bảo được vấn đề môi trường. Phí phun sơn cho mỗi sản phẩm từ 150 ngàn đồng đến trên dưới 1 triệu đồng. Với lợi ích phun sơn tập trung mang lại nên khách hàng của xưởng ngày càng tăng. Dịp tết này, cơ sở phun sơn trên 100 sản phẩm mỗi ngày”.
Anh Nguyễn Viết Dục (xã Thanh Bình Thịnh) sản xuất nhỏ lẻ và đã sử dụng dịch vụ phun sơn tập trung.
Anh Nguyễn Viết Dục (thôn Bình Tiến A, xã Thanh Bình Thịnh) - một hộ sản xuất mộc trên 30 năm cho biết: “Gia đình sản xuất quy mô nhỏ lẻ nên chưa chuyển ra Cụm công nghiệp Thái Yên. Hơn 2 năm nay, chúng tôi sử dụng dịch vụ phun sơn tập trung và nhận thấy hiệu quả rõ rệt. Trước đây, khi phun sơn trong nhà, tôi cũng lo lắng cho sức khỏe của người thân khi môi trường sống bị ô nhiễm hóa chất. Từ ngày phun sơn tập trung, bản thân tôi và vợ con ít bị bệnh về đường hô hấp, da liễu và giảm đau mắt. Hơn nữa, cơ sở phun sơn chuyên nghiệp nên sản phẩm có tính thẩm mỹ cao. Thậm chí, những ngày mưa rét, nhiệt độ thấp thì phun sơn tập trung sẽ cho sản phẩm chuẩn hơn phun sơn tại gia”.
Trước đây các hộ sản xuất của làng nghề mộc Thái Yên phun sơn tại nhà gây ô nhiễm môi trường (ảnh tư liệu)
Việc phun sơn PU trong khu dân cư tại làng nghề mộc Thái Yên trước đây đã gây ô nhiễm môi trường sống (không khí, nguồn nước) và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân trên địa bàn, nhất là người già, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, từ khi địa phương triển khai dịch vụ phun sơn tập trung thì tỷ lệ các bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm họng, viêm xoang), bệnh da liễu, đau mắt... trong Nhân dân đã giảm khoảng 60% so với trước.
Công nhân tại các cơ sở phun tập trung có tay nghề...
... nên tính thẩm mỹ của sản phẩm rất cao.
Xã Thanh Bình Thịnh hiện có khoảng 13 cơ sở phun sơn tập trung, thu hút gần 100% hộ sản xuất, kinh doanh gỗ trên địa bàn. Việc chuyển đổi phun sơn từ hộ gia đình sang cơ sở tập trung là một quá trình dài.
Ông Nguyễn Khắc Chiến – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Thịnh thông tin: “Năm 2010, địa phương đã bắt đầu triển khai phương án phun sơn tập trung. Chính quyền tạo điều kiện cho cơ sở phun sơn thuê đất, chủ cơ sở phun sơn hỗ trợ giá vận chuyển cho khách hàng trong giai đoạn đầu. Ban đầu, nhiều hộ vẫn lén lút phun sơn trong nhà. Qua vận động, nhắc nhở, thậm chí xử phạt thì ý thức của người dân dần chuyển biến. Đến nay, gần 100% hộ sản xuất, kinh doanh tại làng nghề mộc Thái Yên đã sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, các hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ tại vùng Đức Thịnh (cũ) cũng chở hàng xuống Cụm công nghiệp để phun”.
Sau khi sản xuất xong, sản phẩm được chuyển đến cơ sở phun sơn tập trung để hoàn thiện.
Cũng theo ông Chiến, phun sơn tập trung không chỉ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, mở hướng phát triển bền vững cho làng nghề mộc Thái Yên mà còn tạo việc làm cho lao động địa phương và các xã lân cận ở huyện Đức Thọ, TX Hồng Lĩnh.
Có khoảng 30 lao động phát sinh từ việc phun sơn. Họ đảm nhận bốc vác, vận chuyển thuê hàng hóa từ cơ sở sản xuất đến lò phun với thu nhập từ 200 - 500 ngàn đồng/người/ngày…