Hà Tĩnh chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm

(Baohatinh.vn) - Các phòng GD&ĐT ở Hà Tĩnh đang tích cực vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định. Hoạt động này được các bậc phụ huynh và người dân quan tâm, đồng tình ủng hộ.

Tăng cường quản lý

Ngày 22/3/2023, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh ban hành văn bản số 555/SGDĐT-GDPT về hướng dẫn thực hiện một số nội dung chuyên môn cuối năm học 2022-2023 đối với GDPT, trong đó có việc tổ chức dạy học, ôn tập, phụ đạo cho học sinh.

Theo nội dung văn bản, đối với cấp tiểu học, việc tổ chức ôn tập, phụ đạo học sinh được thực hiện ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày. Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học dưới bất kỳ hình thức nào, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao và kỹ năng sống.

Thực hiện hướng dẫn của Sở GĐ&ĐT, ngày 23/3/2023, Phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh đã ban hành văn bản số 121/PGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Đây là một trong những đơn vị đầu tiên ở Hà Tĩnh vào cuộc quyết liệt trong việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định.

Hà Tĩnh chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm

Phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh tăng cường chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm.

Theo đó, Phòng GD&ĐT thành phố đã nêu rõ: đối với nhà trường dạy học 2 buổi/ngày không được tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh; việc ôn thi tốt nghiệp, ôn thi chuyển cấp, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi chỉ bố trí trong các buổi học tại trường (nếu phụ huynh có yêu cầu). Không dạy thêm đối với trẻ mầm non đã hoàn thành chương trình mẫu giáo 5 tuổi chuẩn bị vào học lớp 1, học sinh tiểu học trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, kỹ năng sống.

Cũng theo nội dung văn bản, giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý của giáo viên đó.

“Những quy định trong các nội dung chấn chỉnh dạy thêm, học thêm được căn cứ vào các quyết định, thông tư của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh về việc ban hành quy định về dạy thêm, học thêm. Vấn đề này cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của UBND thành phố”, cô Trần Thị Thủy Nga - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh thông tin.

Hà Tĩnh chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm

Đại diện các trường ký cam kết chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trước sự chứng kiến của lãnh đạo Phòng GD&ĐT thành phố.

Với tinh thần thực hiện quyết liệt, ngay sau khi văn bản được ban hành, Phòng GD&ĐT thành phố đã tổ chức cho hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS ký cam kết với lãnh đạo phòng; giáo viên ký cam kết với lãnh đạo nhà trường; đồng thời, đôn đốc công tác kiểm tra, giám sát, giao trách nhiệm cho người đứng đầu. Phòng cũng thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.

Sau thành phố Hà Tĩnh, nhiều địa phương cũng đã triển khai nghiêm túc việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm.

Tại huyện Thạch Hà, ngay cuối tháng 3, phòng GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung chuyên môn cuối năm học 2022 - 2023 đối với bậc THCS và tiểu học.

Cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng Phòng GD&ĐT Thạch Hà chia sẻ: “Lồng ghép trong chỉ đạo các hoạt động chuyên môn cuối năm, chúng tôi cũng đã chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm. Đặc biệt nhắc nhở tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh tiểu học”.

Hà Tĩnh chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm

Đối với nhà trường dạy học 2 buổi/ngày không được tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh

Tại huyện Can Lộc, công tác quản lý dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học được phòng GD&ĐT nhắc nhở thường xuyên qua các cuộc họp định kỳ, qua các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học.

"Phòng cũng đã tham mưu huyện thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành gồm: giáo dục, thanh tra, nội vụ, lãnh đạo chính quyền các địa phương để kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường ”, cô Nguyễn Thị Hường - Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết.

Cần sự phối hợp của phụ huynh

Ngay sau khi có hướng dẫn của Sở GD&ĐT, đặc biệt văn bản chỉ đạo của phòng GD&ĐT, nhiều phụ huynh ở thành phố Hà Tĩnh thở phào nhẹ nhõm.

Hà Tĩnh chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm

Không được tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, kỹ năng sống.

Chị N.T.P – một phụ huynh có con học lớp 4 ở phường Thạch Quý cho biết: Trước đây mỗi tuần tôi cho cháu học thêm 4 buổi gồm các môn tiếng Anh và Toán. Bài tập ở trường, bài tập học thêm khiến nhiều lúc cả mẹ và con đều cảm thấy áp lực. Chính vì thế, việc chấn chỉnh dạy thêm, học thêm của Phòng GD&ĐT khiến chúng tôi rất đồng tình.

Với tâm lý sợ con không theo kịp bạn bè nên hầu hết các phụ huynh đều tìm chỗ cho con học thêm. Vô hình trung điều này đã trở thành “phong trào” đối với phụ huynh. Có cung ắt hẳn có cầu khiến tình trạng dạy thêm, học thêm đã trở nên khá tràn lan trên khắp các địa bàn.

Chị L.T.H, phụ huynh có con học lớp 5 ở thị trấn Nghèn (Can Lộc) cho biết: “Lo lắng khi con học lớp cuối cấp nên ngoài thời gian học ở trường, mỗi tuần tôi đăng ký cho cháu học thêm 6 buổi. Nhìn con không có thời gian nghỉ ngơi, không có thứ 7, chủ nhật tôi cũng xót lắm. Dù vậy, nếu cho con nghỉ tôi lại sợ con không theo kịp bạn bè. Bởi vậy, sau khi bỏ dạy thêm, học thêm cả mẹ và con đều cảm thấy thoải mái rất nhiều".

Hà Tĩnh chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm

Việc rèn luyện kỹ năng cho các cháu 5 tuổi trước khi vào lớp 1 đã được các trường mầm non triển khai thực hiện.

Tìm hiểu thông tin từ các phụ huynh ở thành phố Hà Tĩnh cho thấy, ngay sau việc ký cam kết được thực hiện, hoạt động dạy thêm, học thêm đã có chiều hướng giảm, nhiều lớp học thêm tự động giải tán.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế ở các địa bàn khác, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn chưa được kiểm soát. Với nhu cầu của các bậc phụ huynh, nhiều lớp học thêm từ bậc tiểu học đến THCS được tổ chức theo nhóm, theo ca, vẫn được tiếp tục duy trì tại nhà riêng các giáo viên và một số phụ huynh.

Vấn đề chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định đã được ngành GD&ĐT Hà Tĩnh nhắc nhở, quán triệt trong từng năm học. Tuy nhiên, điều bất cập và khó kiểm soát nhất, đó là hoạt động này được thực hiện ở ngoài trường học và các lớp học được tổ chức theo nhu cầu của phụ huynh.

Chính vì thế, để hạn chế tình trạng dạy thêm học thêm, các phòng GD&ĐT cần có giải pháp quyết liệt. Cùng với tinh thần tự giác của mỗi giáo viên trong việc thực hiện quy định này, rất cần sự phối hợp thực hiện của các bậc phụ huynh, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát.

Thầy Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.