Tối 7/12, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh tổ chức báo cáo chương trình sử thi nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. |
Tham gia buổi diễn báo cáo gồm có: đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An.
Với thời lượng 36 phút, chương trình sử thi nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” tái hiện lại cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú từ khi còn là một thanh niên yêu nước, sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng cho đến khi trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, bị địch bắt và hy sinh. Trong đó, điểm nhấn mở đầu là sự kiện đồng chí Trần Phú cùng các tốp chí sỹ yêu nước sang Trung Quốc để gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhằm hợp nhất 2 tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng và Thanh niên cách mạng đồng chí hội.
Tại đây, đồng chí Trần Phú (ở giữa) cùng các đồng chí của mình đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (bên phải). Sau cuộc gặp gỡ, Trần Phú lấy bí danh là Lý Quý, được kết nạp vào Việt Nam Thanh Niên Cộng sản Đoàn. Đồng chí được cử sang Liên Xô học ở Trường Đại học Phương Đông. Đầu năm 1930, sau khi tốt nghiệp, đồng chí từ Matxcơva qua Đức, Bỉ, Pháp, Hà Lan và sau đó, bí mật về Việt Nam hoạt động.
Tháng 7/1930, đồng chí Trần Phú được bầu vào BCH Trung ương lâm thời và được phân công dự thảo: “Luận cương chính trị”. Từ chủ nghĩa Mác - Lê Nin và chính cương sách lược vắn tắt của Nguyễn Ái Quốc, luận cương là định hướng, đường lối, quan điểm, tư tưởng của Đảng Cộng sản Đông Dương mà sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Luận cương được thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất tại Hương Cảng Trung Quốc tháng 10/1930, là sự bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh “Chính cương và sách lược vắn tắt” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị đã nhất trí đổi tên thành “Đảng Cộng sản Đông Dương” và đồng chí Trần Phú chính thức được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Trong ảnh: Nghệ sỹ Hữu Thể thể hiện hình tượng đồng chí Trần Phú.
Tháng 11/1930, đồng chí Trần Phú từ Hương Cảng về Sài Gòn, lúc này Sài Gòn đang bị địch khủng bố trắng. Đồng chí đã góp phần quan trọng trong việc lãnh đạo phong trào cách mạng những tháng cuối năm 1930 đầu năm 1931. Đến ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị giặc bắt giam. Trong ảnh: Cảnh đồng chí Trần Phú mơ về người mẹ miền quê núi Hồng, sông La đã khuất trong ngày tháng bị tù đày.
Mặc dù, bị địch dùng đủ loại cực hình tra trấn nhưng đồng chí Trần Phú vẫn giữ vững chí khí của người cách mạng và nhắn nhủ các đồng chí của mình trước khi hy sinh “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Thông điệp từ câu nói bất hủ của đồng chí Trần Phú trước lúc hi sinh đã tạo nên động lực mạnh mẽ để các chiến sỹ cách mạng ở lại, kiên cường chiến đấu và giành được thắng lợi sau này.
Chương trình khép lại bằng màn hoạt cảnh những cánh hoa hướng dương tạo thành ngôi mộ đồng chí Trần Phú trên nền nhạc của bài hát “Người con sông La”.
Đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh tặng hoa chúc mừng tập thể tác giả, đạo diễn và các diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh đã hoàn thành buổi diễn báo cáo.
Sau buổi diễn báo cáo, các thành viên hội đồng thẩm định đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện chương trình sử thi nghệ thuật "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu". Trong ảnh: Trưởng phòng Tổng hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Mạnh Hùng....
... Và NSND Hồng Lựu - quyền Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An nhận xét, góp ý về chương trình.
Nghệ sỹ ưu tú An Ninh - tác giả kịch bản kiêm đạo diễn chương trình tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện chương trình trước khi ra mắt công chúng trong thời gian tới.
Chương trình sử thi nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh dàn dựng. Tác giả: Nghệ sỹ ưu tú An Ninh Đạo diễn: Nghệ sỹ ưu tú Duy Hải - Nghệ sỹ ưu tú An Ninh Biên đạo: Nghệ sỹ ưu tú Ngọc Cẩm Âm nhạc: Quốc Dũng Diễn viên: Nghệ sỹ Hữu Thể vai đồng chí Trần Phú, Nghệ sỹ ưu tú Duy Hải vai Bác Hồ, cùng tập thể diễn viên, ca sỹ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh tham gia biểu diễn. |