Qua rà soát, hiện nay, tổng số tàu cá của Hà Tĩnh là 2.514 tàu, trong đó, 83 tàu từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi, 292 tàu từ 12m - dưới 15m hoạt động vùng lộng, 2.139 tàu từ 6m - dưới 12m hoạt động vùng ven bờ.
Theo hạn ngạch khai thác thủy sản, đến ngày 2/5/2024 vừa qua, tất cả các tàu của tỉnh đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản đều hết hạn sử dụng và phải thực hiện thủ tục để cấp lại (Thời hạn giấy phép khai thác thủy sản bằng thời hạn của hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản mà UBND tỉnh công bố. Theo đó, giấy phép khai thác thủy sản của tàu cá Hà Tĩnh có hiệu lực đến ngày 2/5/2024 - PV).
Cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá được xem là một nội dung quan trọng trong chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (chống khai thác IUU). Vì thế, sau khi hết thời hạn giấy phép, Chi cục Thủy sản đã chủ động thông tin, đôn đốc các địa phương hướng dẫn chủ tàu cá thực hiện nội dung này.
Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng triển khai, toàn tỉnh mới chỉ cấp được 1.122/2.514 (đạt 44,63%). Hiện nay, ngư dân Hà Tĩnh đang vào cao điểm khai thác vụ cá nam, trong khi số lượng tàu cá chưa được cấp giấy phép còn cao. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của ngư dân; quá trình quản lý, giám sát của địa phương, ngành chuyên môn; gây khó khăn cho công tác phòng chống khai thác IUU, chuẩn bị đón đoàn làm việc của Ủy ban châu ÂU (EC) lần thứ 5 vào khoảng tháng 10/2024.
Ngư dân Chu Văn Hoàng (xã Cẩm Dương, Cẩm Xuyên) có tàu cá dài trên 15m, thường xuyên đánh bắt vùng biển cách bờ 18 - 19 hải lý. Mặc dù giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn, song đến nay, ngư dân này vẫn chưa đi hoàn thành được thủ tục đăng kiểm để được cấp lại giấy phép khai thác thủy sản mới.
Anh Hoàng cho biết : “Khi tham gia khai thác trên biển, tàu tôi bị hư hỏng thiết bị nên đã thay mới nhưng không đúng quy chuẩn phù hợp của tàu cá nên không đăng kiểm được. Hiện tại, tôi đang chờ hướng dẫn mới bên phía công ty đăng kiểm để hoàn thành thủ tục”.
Tính đến thời điểm này, toàn huyện Cẩm Xuyên đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 367/567 tàu cá (đạt 64,72%). Theo tìm hiểu thực tế, ngư dân chưa thực sự ý thức được tầm quan trọng của việc hoàn thành các thủ tục đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản theo quy định của pháp luật nên còn tâm lý chây ì, chậm thực hiện quy trình. Cùng với đó, một số tàu cá đang “vướng” thủ tục trong quá trình đăng kiểm nên chưa đủ điều kiện để cấp lại giấy phép khai thác thủy sản; tự ý chuyển sang nghề khai thác không được phép như nghề giã cào…
Theo ông Nguyễn Việt Hùng - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện, căn cứ theo danh sách cập nhật hằng ngày, địa phương đang tiếp tục tăng cường phối hợp với Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh làm thủ tục cấp giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu cá; theo dõi thông tin các chủ tàu cá còn gặp khó khăn trong công tác đăng ký, đăng kiểm để hỗ trợ.
Thời điểm này, huyện Kỳ Anh cũng đang gấp rút đôn đốc ngư dân hoàn thành hồ sơ để được cấp giấy phép khai thác theo quy định, chủ yếu tập trung ở xã có số lượng tàu thuyền lớn như: Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Khang…
Theo chính quyền các địa phương, những tàu cá gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nội dung này phần lớn đều không có bản vẽ hồ sơ thiết kế tàu. Một số tàu cá trong quá trình khai thác bị hỏng máy, chủ tàu tự ý mua máy cũ không có chứng từ, hóa đơn nên không đủ điều kiện gia hạn đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản. Một số khác, ngư dân tự ý mua động cơ ô tô rồi “biến tấu" thành máy tàu. Cùng với đó, tất cả tàu cá trên địa bàn huyện đều hết hạn giấy phép cùng thời điểm nên quá trình xử lý thủ tục cũng gặp những khó khăn nhất định về thời gian, công tác tổ chức.
Phấn đấu hoàn thành cơ bản việc cấp giấy phép khai thác thủy sản vào cuối tháng 6, UBND huyện Kỳ Anh đang phối hợp với các xã tiếp tục rà soát, phân loại vướng mắc tại cơ sở để có hướng xử lý, đôn đốc. Cùng với đó, tập trung tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện tốt không vi phạm vùng biển các địa phương, công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá, tuyên truyền cấm dùng chất nổ, xung kích điện, không đánh bắt bằng các phương tiện có tính chất hủy diệt ngư trường.
Theo ông Nguyễn Trọng Nhật - Trưởng phòng Kiểm ngư thanh tra và pháp chế (Chi cục Thủy sản),để quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU và thực hiện phát triển ngành thủy sản bền vững, Nghị định 38/2024/NĐ-CP Chính phủ vừa ban hành, thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/5 đã tăng cường việc kiểm soát, giám sát và nâng mức chế tài xử phạt đối với các hành vi đánh bắt hải sản bất hợp pháp theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC). Trong đó, sẽ tiến hành xử phạt rất nặng trường hợp tàu cá đánh bắt trên biển không có giấy phép khai thác.
“Hiện nay, ngư dân Hà Tĩnh đang vào cao điểm khai thác vụ cá nam, trong khi số lượng tàu cá chưa được cấp giấy phép còn cao, ảnh hưởng lớn đến hoạt động quản lý, giám sát của địa phương, ngành chuyên môn; gây khó khăn cho công tác phòng chống khai thác IUU, chuẩn bị đón đoàn làm việc của EC lần thứ 5 vào khoảng tháng 10/2024. Vì thế, Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện việc cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định. Hàng tuần, gửi danh sách các tàu chưa thực hiện cấp phép khai thác thủy sản để các địa phương biết để chỉ đạo triển khai.
Trên cơ sở danh sách các tàu cá hết hạn giấy phép khai thác thủy sản do ngành cung cấp, các địa phương cần bám nắm cơ sở, khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc các chủ tàu cá thực hiện thủ tục cấp phép khai thác thủy sản; nhanh chóng hoàn thành việc cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định” - ông Nhật cho biết thêm
Căn cứ tại khoản 2 Điều 50 Luật Thủy sản 2017 quy định tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bằng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên được cấp Giấy phép khai thác thủy sản khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Trong hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, đối với khai thác thủy sản trên biển;
- Có nghề khai thác thủy sản không thuộc Danh mục nghề cấm khai thác;
- Có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, đối với tàu cá phải đăng kiểm;
- Tàu cá có trang thiết bị thông tin liên lạc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên theo quy định của Chính phủ;
- Có Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;
- Thuyền trưởng, máy trưởng phải có văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
Căn cứ tại Điều 23 Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về Giấy phép khai thác thủy sản, hành vi không mang giấy phép khai thác thủy sản hoặc không có giấy phép khai thác thủy sản khi tàu cá hoạt động khai thác tùy vào từng trường hợp cụ thể có thể phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Mức phạt trên áp dụng với cá nhân vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, mức phạt đối với tổ chức có hành vi vi phạm tương ứng gấp 2 lần mức phạt của cá nhân. (Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2024/NĐ-CP).
Do đó, tổ chức có tàu cá hoạt động khai thác thủy sản nhưng không mang hoặc không có giấy phép khai thác thủy sản có thể bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.