UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về việc đề xuất khẩn trương đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Bãi Vọt - Vũng Áng bằng phương thức đầu tư công.
Những năm qua, được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã được đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh nói riêng, khu vực Bắc Trung bộ và cả nước nói chung.
Hà Tĩnh đã và tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình triển khai các hạng mục dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt với tổng mức đầu tư hơn 11.100 tỷ đồng.
Khu kinh tế Vũng Áng là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển của quốc gia được tập trung đầu tư phát triển với thế mạnh công nghiệp thép và cơ khí, chế tạo; năng lượng; cảng biển nước sâu và dịch vụ logistic. Nằm trên hành lang các tuyến hàng hải quốc tế, trục hành lang kinh tế Đông - Tây trong tiểu vùng sông Mekong (GMS), với hạt nhân là dự án Khu liên hợp gang thép và cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, các dự án điện, Khu kinh tế Vũng Áng đang phát triển mạnh mẽ.
Đến nay, tại Khu kinh tế Vũng Áng có 146 dự án đã và đang được đầu tư, gồm: 57 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 13,589 tỷ USD và 89 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 48.721 tỷ đồng.
Các dự án lớn đã hoàn thành đi vào hoạt động như: Khu liên hơp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (giai đoạn 1: Nhà máy liên hợp Gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm; cảng nước sâu Sơn Dương cho tàu 30 vạn tấn); Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I (công suất 1.200 MW); Tổng kho xăng dầu, khí hóa lỏng Vũng Áng, Khu công nghiệp Vũng Áng 1...; đang triển khai Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II công suất 1.200MW (gần 2,5 tỷ USD); chuẩn bị khởi công Nhà máy sản xuất Cell Pin của Tập đoàn Vingroup (gần 500 triệu USD) và đang hoàn thiện, lập quy hoạch kêu gọi đầu tư xây dựng phát triển tổ hợp công nghiệp ô tô (với quy mô dự kiến 13 tỷ USD); đang xúc tiến đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, tổ hợp điện khí Vũng Áng III, hạ tầng đô thị, du lịch dịch vụ...
Khu kinh tế Vũng Áng đã, đang và sẽ là động lực, tạo đột phá phát triển, thúc đẩy liên kết vùng Bắc Trung Bộ, trở thành một trung tâm công nghiệp nặng quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.
Khu kinh tế Vũng Áng là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển của quốc gia, đang và sẽ là động lực, tạo đột phá phát triển, thúc đẩy liên kết vùng Bắc Trung Bộ, trở thành một trung tâm công nghiệp nặng quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.
Với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối phục vụ cho thu hút đầu tư, phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng thời gian tới, trong điều kiện tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh bắt đầu bị hư hỏng, xuống cấp và có những bộc lộ quá tải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông và hạn chế khả năng lưu thông hàng hóa trên trục dọc Bắc - Nam cũng như ảnh hưởng đến sự kết nối với trục Đông - Tây qua Quốc lộ 8, Quốc lộ 12 đến cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cửa khẩu Cha Lo thì việc sớm đầu tư hoàn thành các đoạn cao tốc đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng để kết nối với Khu kinh tế Vũng Áng là hết sức cần thiết và cấp bách.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, lợi thế của Khu kinh tế Vũng Áng, cảng Vũng Áng - Sơn Dương, Quốc lộ 12, Quốc lộ 8 và các cửa khẩu quốc tế đi Lào..., giảm tải, hạn chế tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 và phát huy được hiệu quả các đoạn cao tốc Hà Nội - Bãi Vọt đã và đang thi công, UBND Hà Tĩnh đề nghị Bộ GTVT thống nhất, báo cáo Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng bằng phương thức đầu tư công và ưu tiên bố trí nguồn vốn để tỉnh chủ động, sớm triển khai công tác giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ khi thực hiện dự án.