Sáng 31/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 đã xác định mục tiêu, quan điểm, tầm nhìn, định hướng phát triển và các dự án ưu tiên của ngành điện, các giải pháp cụ thể để phát triển ngành điện.
Do đó, việc triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII là hết sức cần thiết. Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp các đơn vị nghiên cứu xây dựng đề án và dự thảo kế hoạch. Sau khi các bộ, ngành, địa phương góp ý, Bộ Công thương đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Sau nhiều lần chỉnh sửa, ngày 12/10/2023, Bộ Công thương có tờ trình gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Thủ tướng Chính phủ đề nghị ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị Hà Tĩnh tham dự hội nghị.
Kế hoạch xác định danh mục các dự án, các đề án quy mô công suất theo loại hình nguồn điện, giải pháp để triển khai thực hiện từ nay đến năm 2030; xác định phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trong việc triển khai thực hiện. Đồng thời, định hướng cho các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch trong từng giai đoạn.
Đối với nguồn điện, kế hoạch đã rà soát, cập nhật và xác định chi tiết kế hoạch phát triển đối với các dự án nguồn điện phù hợp cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 tại Quy hoạch điện VIII, bao gồm tổng công suất nhiệt điện LNG 22.400 MW; nhiệt điện than 30.127 MW; nguồn điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ 2.700 MW; nhiệt điện khí trong nước 14.930 MW; thủy điện 29.346 MW; thủy điện tích năng 2.400 MW; pin lưu trữ 300 MW.
Kế hoạch xác định công suất các nguồn năng lượng tái tạo đến cấp tỉnh, vùng phù hợp với cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 tại Quy hoạch điện VIII, bao gồm 21.880 MW điện gió trên bờ; 6.000 MW điện gió ngoài khơi; tăng thêm 2.600 MW điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu; 2.270 MW điện sinh khối, điện sản xuất từ rác; 29.346 MW thủy điện nhỏ.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia góp ý để hoàn thiện dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và đề xuất chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật một số nội dung liên quan đến lưới điện, quy mô công suất các dự án phát triển nguồn điện tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà phát biểu đề xuất một số nội dung.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà thông tin: trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Hà Tĩnh đã cung cấp kịp thời, đầy đủ về tiềm năng của tỉnh, góp ý theo các tiêu chí yêu cầu và đề xuất nhiều nội dung đối với nguồn, lưới điện trên địa bàn tỉnh vào kế hoạch thực hiện quy hoạch, đã được Bộ Công thương tiếp thu, cập nhật vào dự thảo kế hoạch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà kính đề nghị Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, cập nhật vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đối với Nhà máy điện khí LNG Vũng Áng III, thay thế Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng III với quy mô công suất trước năm 2030 là 1.500 MW và sau năm 2030 là 3.000 MW; đề xuất cập nhật, bổ sung tăng quy mô công suất điện gió trên bờ và gần bờ đến năm 2030 cho Hà Tĩnh và xem xét, cập nhật, bổ sung 2 dự án thủy điện tích năng vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy hoạch điện VIII trong chương trình phát triển điện lực quốc gia với mục tiêu đáp ứng đầy đủ điện năng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng của đất nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII phải thể hiện toàn diện bản sắc nội dung quy hoạch theo Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch phải cụ thể, bám sát từng chỉ tiêu, mục tiêu phương án phát triển nguồn, lưới điện, các tiêu chí và giải pháp, nguồn lực thực hiện trong Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt.
Với các dự án phát triển nguồn điện đưa vào kế hoạch, cần tính toán, ưu tiên những dự án cấp bách đầu tư, ưu tiên các dự án năng lượng xanh, sạch. Các dự án vào kế hoạch phải có lộ trình thực hiện rõ ràng, tính toán tính khả thi, đánh giá được khả năng rủi ro và phải có phương án thay thế; phải cân nhắc dựa trên các tiêu chí như yếu tố điều kiện kỹ thuật, môi trường, hiệu quả kinh tế. Do đó, cần rà soát, chắt lọc các dự án trong kế hoạch, dự án các địa phương đề xuất đáp ứng yêu cầu của quy hoạch.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các bộ, cơ quan và phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương để hoàn thiện kế hoạch.