Quy hoạch điện VIII: Bước đột phá gỡ khó và phát triển bền vững năng lượng

Việc ban hành Quy hoạch điện VIII tạo cơ sở quan trọng để thực hiện phát triển bền vững năng lượng trong nước, bắt kịp xu hướng tăng trưởng xanh trên thế giới.

Phát triển điện đi trước một bước

Ngày 15/5/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII ).

Quy hoạch điện VIII: Bước đột phá gỡ khó và phát triển bền vững năng lượng

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại Hội thảo Quy hoạch điện VIII - Những vấn đề đặt ra và giải pháp

Quy hoạch điện VIII xác định mục tiêu phát triển tổng quát là: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới; hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Đồng thời đưa ra các mục tiêu cụ thể như: Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; chuyển đổi năng lượng công bằng; phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo. Quy hoạch điện VIII đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050; điện thương phẩm vào năm 2025 đạt khoảng 335,0 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 505,2 tỷ kWh; đến năm 2050 khoảng 1.114,1-1.254,6 tỷ kWh.

Điện sản xuất và nhập khẩu vào năm 2025 khoảng 378,3 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 567,0 tỷ kWh; đến năm 2050 khoảng 1.224,3-1.378,7 tỷ kWh. Công suất cực đại của hệ thống năm 2025 là khoảng 59.318 MW; năm 2030 khoảng 90.512 MW; đến năm 2050 khoảng 185.187-208.555 MW.

Cũng trong chiều 15/5, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) - Những vấn đề đặt ra và giải pháp”.

Tại hội thảo, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đã xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Sau khi Hội đồng thẩm định thông qua, Bộ Công Thương đã có các Tờ trình số 1682/TTr-BCT ngày 26/3/2021, Tờ trình số 6277/TTr-BCT ngày 08/10/2021 và Tờ trình số 2279/TTr-BCT ngày 29/4/2022 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII.

Trên cơ sở các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 61/TB-VPCP ngày 21/4/2023 và Thông báo số 150/TB-VPCP ngày 23/4/2023, đề án Quy hoạch điện VIII nhấn mạnh vào việc phát triển điện đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Bám sát các định hướng phát triển trong Quy hoạch tổng thể quốc gia tại Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương đảng khóa XIII và Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội. Đảm bảo nguyên tắc tối ưu tổng thể từ nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đến giá điện. Đảm bảo chi phí hệ thống điện thấp nhất, giá điện hợp lý nhất.

Quy hoạch điện VIII bảo đảm cơ cấu nguồn điện theo đúng chủ trương Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng. Sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước cho phát triển điện, kết hợp với nhập khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu hợp lý nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện.

Cùng với đó, bám sát tiến bộ của khoa học, công nghệ, ưu tiên khai thác, sử dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, khả năng cạnh tranh các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối...), năng lượng mới, năng lượng sạch ở nước ta với giá thành sản xuất điện đang giảm nhanh, tạo đột phá trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và chuyển dịch năng lượng.

Cơ hội để phát triển ngành công nghiệp năng lượng

Cũng theo ông Hoàng Tiến Dũng, Quy hoạch điện VIII chú trọng phát triển các loại hình năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro, amoniac...) là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp năng lượng, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.

Quy hoạch điện VIII cũng đề cập tới phát triển thị trường điện cạnh tranh theo đúng lộ trình nhằm đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện lực trong đó có lưới điện truyền tải trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch. Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển các phân ngành điện lực; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành điện lực; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị ngành điện.

Ông Hoàng Tiến Dũng cho hay, phát triển điện đi đôi với bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái và chuyển đổi mô hình kinh tế; bảo đảm phát triển nhanh và bền vững đất nước. Quy hoạch phát triển điện mang tính động và mở, thích ứng với bối cảnh các đối tác lớn đang và sẽ thực thi các tiêu chuẩn khắt khe về đánh thuế các bon trong hàng hóa nhập khẩu.

Quy hoạch phát triển điện ngoài phục vụ trong nước còn hướng tới xuất khẩu điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới, nhất là xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Điều hành quy hoạch chủ động, linh hoạt, hiệu quả, bám sát thực tiễn triển khai để điều chỉnh và thay đổi khi cần thiết.

Mục tiêu phát triển điện lực nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đủ điện ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển đồng bộ các phân ngành điện lực đạt trình độ tiên tiến của khu vực.

Bên cạnh đó, xây dựng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Tập trung phát triển công nghiệp chế tạo và dịch vụ phục vụ ngành điện nhằm tăng cường nội lực, giảm giá thành; nâng cấp, xây dựng hạ tầng sản xuất, truyền tải, phân phối, điều hành điện thông minh, tiên tiến, hiện đại, có khả năng tích hợp quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo.

Quy hoạch “đặc biệt” xây dựng trong bối cảnh mới

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu quan điểm: Cần xác định Quy hoạch điện VIII là quy hoạch đặc biệt, xây dựng trong bối cảnh mới nên khi phê duyệt quy hoạch cần chấp nhận sự thay đổi về tư duy, đặc biệt là chú trọng quá trình tổ chức thực thi.

“Để thực thi được cần có cơ chế đặc thù để triển khai sơ đồ điện VIII trong từng giai đoạn cụ thể, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có thể thực hiện được mục tiêu đã xác định” - TS. Võ Trí Thành nói.

Ông Trần Anh Thái, nguyên Trưởng Ban Lưới điện, nguyên Giám đốc Trung tâm điều độ về hệ thống điện Quốc gia (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) nêu quan điểm: Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành đã được xây dựng dựa trên các quy hoạch quốc gia và tỉnh liên quan căn cứ vào Luật Quy hoạch hiện hành. Bộ Công Thương đã tuân thủ quy trình thực hiện lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, việc xem xét việc lập, quá trình phê duyệt Quy hoạch điện VIII là một nhiệm vụ của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lập Quy hoạch điện VIII là một nhiệm vụ lớn với Bộ Công Thương.

Quy hoạch điện VIII là quy hoạch khó, tác động lớn đến phát triển điện lực, liên quan đến thực hiện các mục tiêu phát triển của nước ta. Điểm khó khác của Quy hoạch điện VIII là có bối cảnh rất khác với bối cảnh lập các quy hoạch điện trước. Bởi xu thế tiêu thụ của năng lượng của thế giới tác động cơ bản đến việc khai thác, sử dụng năng lượng, trong đó gần đây xu thế giảm tiêu thụ carbon đang là rào cản với các nền kinh tế. Ngoài ra, các yếu tố bất thường như căng thẳng địa chính trị cũng đòi hỏi các quốc gia phải xem lại bài toán năng lượng, phát triển điện lực.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An, thực tế, từ năm 2015, từ quốc gia xuất khẩu năng lượng ròng, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng. Các tính toán trước đây và cho đến bây giờ cho thấy, nếu chúng ta không có tính toán căn cơ, giải pháp sớm thì sẽ tiếp tục nhập ròng năng lượng lớn trong xu thế chung của khu vực Đông Nam Á, song hiện không dễ gì nhập khẩu than, khí hóa lỏng vì sẽ đẩy giá gấp 4 lần so với hiện nay.

Nếu không tính toán lại căn cơ, chúng ta sẽ rất khó khăn trong thời gian tới. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng Quy hoạch điện VIII, tạo cơ sở quan trọng để thực hiện phát triển bền vững năng lượng trong nước, bắt kịp xu hướng tăng trưởng xanh trên thế giới, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Theo baocongthuong.vn

Đọc thêm

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nỗ lực để thực hiện mục tiêu kép: vừa ổn định sản xuất để tăng doanh thu, vừa chăm lo, đảm bảo cuộc sống cho người lao động.