Tuy vậy, thực tiễn vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn phát sinh chưa được hướng dẫn xử lý dứt điểm nên Hà Tĩnh vẫn không thể triển khai thực hiện được, đòi hỏi các Bộ, ngành trung ương kiến nghị Chính phủ có biện pháp tháo gỡ.
Việc chi trả kịp thời tiền bồi thường, hỗ trợ sự cố môi trường biển giúp bà con ngư dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất (Trong ảnh là Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh thăm hỏi, động viên bà con ngư dân xã Kỳ Xuân nhân chuyến công tác tại huyện Kỳ Anh)
Những vướng mắc từ cơ sở
Thứ nhất, về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại hải sản tồn kho, còn vướng mắc, khó khăn trong việc xác định giá trị thiệt hại theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là không thể lập được bảng kê theo mẫu số 01/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Văn bản số 1218/BTC-NSNN ngày 24/01/2017). Thậm chí, hồ sơ xác định thiệt hại thủy sản tồn kho của UBND huyện Lộc Hà đã được hội đồng thẩm định cấp tỉnh trả lại và hướng dẫn bổ sung đến lần thứ 5 nhưng vẫn chưa đủ cơ sở để thẩm định, phê duyệt...
Các chủ cơ sở không có hồ sơ, sổ sách ghi chép đầy đủ, không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ; không có căn cứ xác định thông tin đầu vào (cơ sở để lập bảng kê) theo mẫu 01/TNDN; trường hợp các cơ sở lập lại bảng kê theo mẫu 01/TNDN thì thông tin và số liệu thể hiện là không xác thực (thực tế chứng minh giá hải sản thu mua tại bảng kê 01/TNDN do cơ sở mới lập lớn hơn nhiều so với giá hải sản thu mua vào tháng 9/2016 do chính cơ sở đó kê khai); các thông tin tại bảng kê theo mẫu 01/TNDN do cơ sở lập không đầy đủ, nhiều thông tin chủ cơ sở không thể bổ sung (ví dụ như địa chỉ, số chứng minh nhân dân) với nhiều lý do khác nhau như: Người bán không cung cấp, người bán không ký, không liên lạc được người bán do đi đánh bắt xa bờ; một số lô hàng lập được bảng kê theo mẫu 01/TNDN, nếu được bồi thường sẽ làm nảy sinh tình trạng có cơ sở được bồi thường, có cơ sở không được bồi thường nên các cơ sở không được bồi thường sẽ bức xúc, làm nóng tình hình; bản chất của việc lập lại bảng kê 01/TNDN là làm lại chứng từ bồi thường, hỗ trợ, do vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro về cơ sở pháp lý khi thẩm định, phê duyệt, chi trả.
Thứ hai là vướng mắc liên quan đến bồi thường thiệt hại nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, các địa phương chưa thống nhất, phân biệt được việc thủy sản nuôi bị chết do sự cố môi trường biển trong giai đoạn sự cố môi trường gồm: Chết do ảnh hưởng trực tiếp của sự cố (do nguồn nước biển ô nhiễm gây chết); chết vì dịch bệnh phát sinh do môi trường nước ô nhiễm; chết do không lấy được nước biển bổ sung gây biến đổi môi trường nước trong ao nuôi; chết không rõ nguyên nhân trong giai đoạn xảy ra sự cố... mà chỉ xác định, tổng hợp thủy sản chết trong thời gian xảy ra sự cố môi trường.
Chưa có hướng dẫn việc xác định thủy sản chết trên 70% và thực tế không có cơ sở để xác định thiệt hại thủy sản chết trên 70% (không thể cân, đong, đo đếm được, chỉ bằng trực quan, thiếu căn cứ pháp lý).
Hầu hết các hồ sơ về nuôi trồng thuỷ sản thiếu biên bản xác định thiệt hại tại thời điểm chết hoặc các cơ sở chết có lập biên bản tại thời điểm chết do chưa có hướng dẫn của Trung ương về mẫu biểu nên thiếu thống nhất (thành phần, nội dung của biên bản xác nhận thiệt hại).
Thứ ba là các vướng mắc liên quan đến chi trả tiền cho đối tượng đi nước nggoài. Theo quy định tại Văn bản số 13993/BTC-NSNN ngày 04/10/2016 của Bộ Tài chính, “Việc chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại cho đối tượng được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản (cá nhân có tài khoản) hoặc thanh toán bằng tiền mặt. Khi thanh toán chi trả phải lập bảng kê có ký nhận của đối tượng được nhận tiền". Như vậy, việc chi trả phải thực hiện trực tiếp, đúng đối tượng và có ký nhận. Tuy nhiên, hiện nay, đối tượng thiệt hại đang đi nước ngoài nên không chi trả được, người thân và gia đình yêu cầu được trả tiền để bù đắp chi phí đã bỏ ra làm thủ tục cho người đi nước ngoài.
Kiến nghị, đề xuất với Trung ương
Trước hết, đối với bồi thường, hỗ trợ thủy sản tồn kho, phương án xử lý hải sản tồn kho áp dụng đối với 1.673,030 tấn thủy sản còn lưu kho lạnh, kho cấp đông tại các xã, phường, thị trấn ven biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, được thu mua trước ngày 30/8/2016 đã được kê khai, kiểm kê theo đúng quy định (trong tổng số 4.038,139 tấn kê khai lần 3 vào tháng 12/2016), Hà Tĩnh đề nghị phương án thống nhất phương pháp xác định giá trị thiệt hại của chủ cơ sở thu mua, tạm trữ thủy sản lưu kho theo đúng hướng dẫn của Bộ NN&PTNT tại Văn bản số 9723/BNN-TCTS ngày 16/11/2016, đồng thời ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh tính toán, xác định giá thu mua thủy sản trung bình từ tháng 4/2016 đến 30/8/2016 để làm cơ sở tính toán giá trị bồi thường, hỗ trợ; giao Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm về tính chính xác, sát thực của số lượng hải sản tồn kho và giá thu mua thủy sản trung bình do địa phương ban hành.
Đến nay, Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 chi trả bồi thường, hỗ trợ sự cố môi trường các địa phương bị ảnh hưởng.
Thứ hai, đối với bồi thường, hỗ trợ nuôi trồng thủy sản: Thống nhất về khái niệm đối với thuỷ sản nuôi bị chết do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, bao gồm: Chết do cấp nước trực tiếp (do nguồn nước ô nhiễm) và chết do ảnh hưởng của sự cố môi trường gồm: Chết do lấy phải nguồn nước ô nhiễm dẫn đến môi trường nuôi bị ảnh hưởng, phát sinh dịch bệnh; chết do hạn chế lấy nước bổ sung dẫn đến môi trường nuôi bị ảnh hưởng, phát sinh dịch bệnh và chết vào thời gian sự cố môi trường không xác định được nguyên nhân.
Chủ cơ sở nuôi trồng thuỷ sản có đối tượng nuôi bị chết từ 70% trở lên được hiểu là chủ cơ sở nuôi trồng có đối tượng nuôi bị chết trên một diện tích nuôi (ao, hồ,...) gần như là hết hoặc chết hoàn toàn, không thể tiếp tục nuôi trồng thủy sản tại vụ nuôi đó. Trường hợp các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản được cộng đồng xác nhận về số lượng giống thả, ngày thả nuôi, ngày bị chết theo Biểu kê khai 1.2 kèm theo Văn bản 6851/BNN-TCTS ngày 12/8/2016 của Bộ NN&PTNT; xác nhận thiệt hại theo cộng đồng và thực hiện đúng quy trình quản lý cộng đồng, đồng thời cho lập biên bản bổ sung xác định thiệt hại sau thời điểm chết, thành phần như hướng dẫn tại Thông tư số 187/2010/TT-BTC ngày 22/11/2010 của Bộ Tài chính quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Thứ ba, đối với các đối tượng đi nước ngoài, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị xử lý theo hướng: Trường hợp người thân của đối tượng được hưởng tiền bồi thường lập được hồ sơ ủy quyền nhận tiền bồi thường theo đúng quy định của pháp luật hiện hành thì đồng ý chi trả tiền cho người được ủy quyền;
Trường hợp đối tượng được hưởng tiền bồi thường có vợ hoặc chồng ở nhà (có đủ năng lực dân sự), có bản cam kết nhận tiền thay đối tượng bị thiệt hại và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với việc phát sinh khiếu kiện (nếu có) sau này (bản cam kết phải có xác nhận của chính quyền cấp xã) thì đồng ý cho vợ hoặc chồng nhận thay. Lý do đề xuất cho phép vợ hoặc chồng (mà không đề xuất bố, mẹ, con cái) là vì theo quy định tại Khoản 1, Điều 33, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân được coi là tài sản chung của vợ chồng.
Ngoài 2 trường hợp nêu trên, đề nghị giữ lại số tiền bồi thường của các đối tượng bị thiệt hại đang đi lao động ở nước ngoài tại tài khoản tiền gửi có mục đích bằng VNĐ (tài khoản 3741) của Phòng TC-KH mở tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện, sau khi đối tượng về nước thì trực tiếp đến nhận; số kinh phí này đề nghị Bộ Tài chính cho quyết toán, sau khi chi trả cho các đối tượng xong, địa phương sẽ báo cáo cụ thể.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, việc xử lý kịp thời các vướng mắc nêu trên là hết sức quan trọng trong việc ổn định tình hình, khôi phục sản xuất cho người dân, đặc biệt là vướng mắc đối với đối tượng có hải sản tồn kho là vướng mắc kéo dài, giá trị thiệt hại lớn, hệ lụy đến việc phục hồi sản xuất, kinh doanh của người dân (ứ đọng vốn, không có kho bãi...).
Một số kiến nghị, đề xuất bổ sung đối tượng: Hà Tĩnh đề nghị Bộ Tài chính, các Bộ, ngành Trung ương tổng hợp, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung các đối tượng sau vào diện bồi thường, hỗ trợ thiệt hại là: - Các cơ sở thu mua tạm trữ có kho đông, kho lạnh không thuộc các xã ven biển, trực tiếp thu mua hải sản tại các cảng cá, bến cá của địa phương được áp dụng mức bồi thường tương đương với các đối tượng tương tự ở các xã ven biển; - Chủ cơ sở, cá nhân sản xuất kinh doanh, buôn bán, chế biến thủy, hải sản có hộ khẩu tại các xã ven cửa sông, đầm phá mặn, lợ, trực tiếp thu mua hải sản tại các cảng cá, bến cá của địa phương. Mức bồi thường cho các đối tượng tương đương mức bồi thường cho lao động thường xuyên, có thu nhập chính trong thời gian 6 tháng; - Chủ các cửa hàng phục vụ ăn uống chuyên về các mặt hàng thuỷ, hải sản tại khu vực cửa sông, đầm phá mặn, lợ. Mức bồi thường cho các đối tượng tương đương mức bồi thường cho lao động thường xuyên, có thu nhập chính trong thời gian 6 tháng; - Chủ cơ sở, cá nhân kinh doanh muối, trực tiếp thu mua, chế biến, tiêu thụ muối cho diêm dân tại các vùng sản xuất muối của tỉnh; người lao động thủ công đơn giản có thu nhập chính từ nghề muối. Mức bồi thường cho các đối tượng trên tương đương mức bồi thường cho lao động thường xuyên, có thu nhập chính trong thời gian 6 tháng; - Các cơ sở chế biến sứa, ruốc, nước mắm, mắm hải sản, tẩm ướp hải sản, hải sản khô và các phương thức chế biến hải sản khác có địa điểm sản xuất, kinh doanh hoặc có hộ khẩu thường trú tại các xã, phường, thị trấn ven biển, cửa sông, đầm phá bị thiệt hại bởi sự cố môi trường, chưa kê khai thiệt hại sản phẩm chế biến tồn kho. |