Tranh thủ “cướp” nắng để kịp phơi số hương vừa ra lò, ông Lê Văn Quế - chủ cơ sở sản xuất hương ở thôn Báo Ân (xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà) cho biết, những ngày cuối năm là thời điểm bận rộn nhất bởi số lượng hương sản xuất ra gấp 2 - 3 lần ngày thường.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân thôn Báo Ân đưa hương ra phơi nắng để đảm bảo chất lượng thành phẩm.
“Từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ hương, cơ sở của tôi phải giảm bớt khoảng 40% việc sản xuất hương. Thế nên, để bù số lượng, chúng tôi tranh thủ sản xuất thêm để cung cấp đủ nhu cầu cho thị trường” - ông Quế nói.
Ông Lê Văn Quế trộn mẻ bột mới để sản xuất đảm bảo đơn hàng.
Được biết, nghề làm hương tại thôn Báo Ân có từ gần 60 năm nay. Từng là một nghề phụ, nay nghề làm hương đã trở thành nghề chính của nhiều hộ gia đình trong thôn. Nhiều nhà có “của ăn của để” nhờ công việc này. Hơn thế, đối với người dân thôn Báo Ân, nghề làm hương còn giúp họ bảo tồn những giá trị văn hóa tâm linh của dân tộc.
Nghề làm hương khá nhẹ nhàng nên nhiều em nhỏ cũng có thể tranh thủ thời gian làm để có thêm thu nhập.
Bà Lê Thị Lý - một chủ cơ sở sản xuất hương ở thôn Báo Ân chia sẻ: “Gia đình tôi đã có gần 40 năm làm nghề hương. Năm cao điểm, tôi phải thuê thêm 20 người làm, còn năm nay, do tác động của dịch bệnh, số lượng sản xuất không bằng các năm trước nên tôi chỉ thuê 5 - 6 lao động. Thời gian này, trung bình một ngày tôi xuất bán được gần 9.000 cây hương các loại.”
Hương Báo Ân sản xuất được thị trường ưa chuộng bởi chất lượng, thắp lên có mùi thơm đậm đà.
Theo khảo sát, toàn thôn Báo Ân có 51 hộ với 107 lao động làm hương. Trung bình mỗi năm, làng nghề làm hương này cho ra thị trường khoảng 800 tấn sản phẩm các loại, trong đó chủ yếu là hương đen và hương thẻ. Thu nhập bình quân của lao động từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Những nguyên liệu làm hương như tăm tre, bột được người dân mua từ tỉnh Nghệ An. Để đảm bảo hương thành phẩm đạt chất lượng tốt nhất, người dân rất tỉ mỉ trong khâu chọn nguyên liệu, bột hương phải đảm bảo không lẫn tạp chất, hương thắp lên có mùi thơm đậm đà.
Theo các chủ cơ sở sản xuất, làm hương trải qua nhiều công đoạn nhưng giai đoạn quan trọng nhất quyết định chất lượng chính là phơi. Bởi, hương muốn khô và thơm, người dân phải thực hiện phơi giữa nắng khoảng 4 tiếng đồng hồ. Nhờ đảm bảo quy trình sản xuất chặt chẽ, sản phẩm hương của thôn Báo Ân luôn được thị trường ưa chuộng.
Khi gặp trời mưa thì không gian trong nhà sẽ được người dân tận để phơi khô hương.
Cũng trong guồng quay sản xuất hàng Tết, cơ sở sản xuất hương của gia đình chị Phan Thị Phương ở thôn Vĩnh Cát, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) đang tăng giờ làm và số lượng nhân công để đáp ứng các đơn hàng.
Cơ sở sản xuất hương của gia đình chị Phan Thị Phương ở thôn Vĩnh Cát, xã Lưu Vĩnh Sơn tăng gấp 2 công suất để đáp ứng các đơn đặt hàng.
Chị Phan Thị Phương ở thôn Vĩnh Cát, xã Lưu Vĩnh Sơn chia sẻ: “Tết Nguyên đán được xem là mùa thu nhập lớn nhất trong năm. Gần 1 tháng nay, cơ sở sản xuất của gia đình tôi đã tăng gấp đôi công suất. Từ thời điểm tháng 12, nhu cầu thị trường hương tết tăng cao, chúng tôi sản xuất bao nhiêu bán hết bấy nhiêu".
Khác với các vùng sản xuất khác, chị Phương chọn hướng sản xuất hương trầm. Đây là loại hương làm hoàn toàn bằng thủ công, đòi hỏi tỉ mỉ từng công đoạn song cũng cho thu nhập kinh tế khá cao. Theo tính toán, mỗi ngày cơ sở sản xuất hơn 300 que hương.
Hương trầm được làm hoàn toàn bằng thủ công, đòi hỏi tỉ mỉ từng công đoạn.
Hương trầm có nhiều loại, nhiều kích cỡ khác nhau, thường có chiều cao từ 40 - 42 cm và 1m, có giá bán từ 10.000 - 15.000 đồng/búp. “Tết Nguyên đán Nhâm Dần, cơ sở dự kiến xuất bán ra thị trường hơn 4.000 cây hương trầm cỡ đại, khoảng 10.000 cây cỡ trung. Hiện nay, cơ sở đã đạt được 50% khối lượng kế hoạch. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên nhiều bạn hàng không đến cơ sở trực tiếp thu mua, chúng tôi phải giao hàng tận nơi, đẩy mạnh bán hàng qua điện thoại. Cơ sở không chỉ phân phối trong tỉnh mà còn mở rộng các tỉnh lân cận như Huế, Đà Nẵng” - chị Phương cho biết thêm.
Dự kiến, cơ sở sản xuất hương trầm của chị Phương xuất bán ra thị trường hơn 4.000 cây hương trầm cỡ đại, khoảng 10.000 cây cỡ trung.
Tết Nguyên đán là mùa tiêu thụ hương lớn nhất trong năm. Tuy vậy, điều khiến các chủ cơ sở lo lắng nhất hiện nay là ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 khiến việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn. Cùng đó, việc hạn chế các hoạt động của các cơ sở tôn giáo, lễ hội để phòng chống dịch cũng dự báo tình hình tiêu thụ ở các thị trường giảm mạnh, tác động đến tình hình kinh doanh của các cơ sở sản xuất hương Tết.