Hà Tĩnh tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng

(Baohatinh.vn) - Như một mạch nguồn của dòng suối mát lành, tháng bảy về trong sự tưởng nhớ, tri ân của muôn người dân đất Việt nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ đi trước bằng những việc làm hết sức ý nghĩa, thiết thực.

Hà Tĩnh tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng

Nghĩa trang Liệt sỹ Nầm (Hương Sơn, Hà Tĩnh), nơi yên nghỉ, tưởng niệm của 1.230 liệt sỹ trong cả nước. Ảnh: Đình Nhất.

Lắng sâu nghĩa tình đất nước

Gần 1 thế kỷ kể từ khi ra đời (3/2/1930), Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta giành thắng lợi nhiều cuộc chiến đấu bảo vệ non sông đất nước. Chừng ấy thời gian, đã có biết bao thế hệ người dân đất Việt nói chung và người dân Hà Tĩnh nói riêng hy sinh xương máu, đóng góp công lao to lớn của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn luôn ghi nhớ công ơn, sự hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ bằng nhiều chủ trương, chính sách và việc làm cụ thể để “đền ơn, đáp nghĩa”.

Hà Tĩnh tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng hoa cụ Đào Thị Phấn ở Cao Bằng (có 6 con đi bộ đội, một con là liệt sỹ) tại Đại hội Liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ V tại Hà Nội, năm 1966. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ” được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký vào ngày 16/2/1947 được xem là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác “đền ơn, đáp nghĩa” và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chọn một ngày làm “Ngày Thương binh - Liệt sĩ”. Tại cuộc họp này, các đại biểu đã thống nhất chọn ngày 27/7 là “Ngày Thương binh toàn quốc”.

Từ tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ”. Từ đó, hằng năm, cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.

Hà Tĩnh tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng

Đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh dâng hương tại phần mộ Tổng Bí thư Trần Phú (ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ). Ảnh: Văn Đức

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước.

Đất nước ngày càng đổi mới, phát triển đi lên, Đảng và Nhà nước càng dành sự quan tâm nhiều hơn đến các đối tượng là người có công (NCC) bằng nhiều chủ trương, chính sách thiết thực. Riêng tại Hà Tĩnh, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 39.828 NCC được hưởng trợ cấp thường xuyên. Ngoài ra, hằng năm, tỉnh đã giải quyết hàng nghìn trường hợp là NCC được hưởng trợ cấp 1 lần. Đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận, giải quyết chế độ chính sách trên 400.000 lượt hồ sơ; trong đó: 12 nhóm đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi NCC là 301.311 lượt hồ sơ và nhóm hồ sơ khác như: chế độ thờ cúng liệt sĩ 18.951 trường hợp, ưu đãi giáo dục - đào tạo 29.737 trường hợp; trang cấp dụng cụ chỉnh hình 1.712 trường hợp, hồ sơ hưởng chế độ thuộc ngân sách địa phương đảm bảo....

Hà Tĩnh tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng và Bí thư Thành ủy Dương Tất Thắng thăm hỏi, tặng quà thương binh Phan Văn Nam (SN 1940, thôn Trung Hưng, xã Thạch Hưng) nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Ngoài chi trả theo chế độ chính sách hiện hành, vào các dịp lễ, tết, cùng với nguồn ngân sách của Trung ương, tỉnh đã chi hàng chục tỷ đồng để tặng quà, thăm hỏi, động viên thân nhân các gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh và NCC. Trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, toàn tỉnh đã trao tặng 104.628 suất quà cho NCC và thân nhân với tổng kinh phí gần 28 tỷ đồng. Vừa qua, Trung ương và tỉnh cũng đã quyết định cấp kinh phí 22.095.318.000 đồng để trao tặng 78.117 suất quà cho NCC trên toàn tỉnh nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Thắm đượm ân tình Nhân dân

Những ngày tháng 7 này, trong không khí tràn ngập cờ hoa hướng về kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, trên khắp quê hương núi Hồng - sông La, nhiều việc làm tri ân ý nghĩa, thiết thực của toàn xã hội dành cho NCC­ được triển khai đồng bộ.

Hà Tĩnh tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng

Lãnh đạo Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Thanh (xã An Hòa Thịnh, Hương Sơn) nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Tại thôn Phù Ích (xã Ích Hậu, Lộc Hà), bên trong nhà thờ liệt sĩ Hồ Lệ (1927-1954) vừa được xây dựng là những lễ vật trang nghiêm cùng nén hương thơm được các cựu chiến binh cùng bà con lối xóm dâng lên, bày tỏ sự tri ân đối với người con anh hùng của quê hương đã hy sinh tuổi xuân, xương máu của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Căn nhà khoảng 30 m2 là niềm mong ước từ rất lâu của người em gái và những người cháu gọi liệt sĩ Hồ Lệ bằng cậu. Chị Hồ Thị Hà (44 tuổi, cháu dâu của liệt sĩ Hồ Lệ) bày tỏ: “Gia đình mẹ chồng tôi chỉ có 2 chị em, sau khi cậu tôi hy sinh, không còn ai kế tự để thờ phụng nên mẹ tôi lập bàn thờ để thờ cậu và ông bà. Nhiều năm qua, do điều kiện kinh tế khó khăn, mẹ tôi vẫn ước mong có một nơi thờ cậu cho đàng hoàng. Nhờ các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm chung tay góp sức, nhà thờ đã hoàn thành. Đây là niềm an ủi lớn đối với gia đình chúng tôi, bởi trước khi mất cách đây không lâu, mẹ tôi đã kịp nhìn thấy hình hài ngôi nhà”.

Hà Tĩnh tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng

Nhà thờ Liệt sĩ Hồ Lệ (1927-1954) tại thôn Phù Ích, xã Ích Hậu vừa mới được xây dựng khang trang nhờ nguồn xã hội hóa của huyện Lộc Hà.

Ngôi nhà của Mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Chìu (90 tuổi, ở xã Kỳ Hoa, TX Kỳ Anh) cũng trở nên rộn ràng, bởi tiếng nói, tiếng cười của các đoàn viên, thanh niên đến động viên, thăm hỏi. Mẹ Đào Thị Chìu có chồng và con trai duy nhất đều là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

Nhiều năm qua, tuy sống một mình nhưng mẹ không cảm thấy cô đơn, bởi sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể, nhất là tổ chức đoàn thanh niên các cấp. Dịp này, Chi đoàn cơ quan Khối dân TX Kỳ Anh và Đoàn Thanh niên xã Kỳ Hoa đã đến dọn dẹp nhà cửa, tổ chức bữa cơm cùng mẹ. Ngồi bên mâm cơm trong sự quây quần, động viên của các ĐVTN, mẹ không giấu nổi nụ cười mãn nguyện và hạnh phúc.

Hà Tĩnh tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng

Mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Chìu (90 tuổi, ở xã Kỳ Hoa, TX Kỳ Anh) hạnh phúc trong bữa cơm thân mật của các ĐVTN.

“Bữa cơm nghĩa tình” (tổ chức nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa cho các thân nhân liệt sĩ, các thương bệnh binh, cựu TNXP…) là 1 trong nhiều hoạt động tri ân mà các cấp bộ đoàn Hà Tĩnh thực hiện trong tháng 7. Dịp này, các cấp bộ đoàn, hội toàn tỉnh cũng trao tặng hơn 430 suất quà trị giá gần 250 triệu đồng, trao tặng các mô hình sinh kế cho các gia đình chính sách, cựu TNXP, thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các lực lượng cũng tổ chức gần 60 chương trình khám, cấp phát thuốc miễn phí cho gần 2.300 cựu TNXP và gia đình chính sách, thương bệnh binh, NCC với cách mạng; tổ chức hơn 120 bữa cơm nghĩa tình tại các gia đình TNXP neo đơn; hỗ trợ kinh phí khởi công xây dựng nhà tình nghĩa, chỉnh trang, sửa chữa nhà cho hơn 95 hộ với tổng trị giá hơn 600 triệu đồng; tiến hành ra quân vệ sinh, chỉnh trang vườn hộ cho thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách, thương bệnh binh; tổ chức chương trình rửa xe gây quỹ, cắt tóc miễn phí cho cựu TNXP, NCC với cách mạng…

Hà Tĩnh tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng

ĐVTN huyện Cẩm Xuyên dâng hương, hoa tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hoàng Cẩm Thạch cho biết: “Thời gian qua, tuổi trẻ Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa hướng tới các gia đình chính sách, NCC với cách mạng, nhằm thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thời gian tới, tuổi trẻ tỉnh nhà tiếp tục làm tốt hoạt động tri ân, qua đó, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, nêu cao bản lĩnh chính trị, xung kích tình nguyện, góp phần xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Kế tục mạch nguồn truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tháng 7 về, trên mỗi miền quê Hà Tĩnh lại rộn rã những bước chân mang theo trái tim biết ơn sâu sắc cùng những việc làm ý nghĩa, thiết thực đối với các thương bệnh binh, thân nhân những người đã ngã xuống, gia đình chính sách, góp phần nhân lên nét đẹp văn hóa trong toàn xã hội.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Chủ đề Người có công với cách mạng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast