Hành trình “chiến đấu” với COVID-19 của gia đình trẻ người Hà Tĩnh tại “tâm dịch” TP Hồ Chí Minh

(Baohatinh.vn) - Bản thân vừa mổ ruột thừa lại đang nuôi con nhỏ, thế nhưng, bằng sự bình tĩnh, tuân thủ các hướng dẫn của bác sỹ, chị Lê Thị Bích (quê xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) cùng chồng đã ổn định sức khỏe sau gần 1 tháng tự cách ly tại nhà, “chiến đấu” với COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh.

Hành trình “chiến đấu” với COVID-19 của gia đình trẻ người Hà Tĩnh tại “tâm dịch” TP Hồ Chí Minh

Gia đình nhỏ của anh chị Biển - Bích sau những ngày chiến đấu với dịch bệnh. Ảnh NVCC

Quyết định khó khăn

Sau chuỗi ngày kiệt sức vì nhiễm virus SARS-CoV-2, đến nay, dù chưa thật khỏe nhưng chị Lê Thị Bích (SN 1991) vẫn cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Với chị, hành trình chiến đấu với dịch bệnh COVID-19 của gia đình thật sự là một kỳ tích.

Được biết, anh chị có thuê 2 căn nhà gần nhau tại đường Võ Thành Trang, phường 11, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh để ở và kinh doanh mặt hàng thang nhôm, ghế xếp, các loại máy móc công nghiệp. Ngoài vợ chồng và 2 con (2 tuổi và 10 tháng), gia đình chị còn có ông nội (đang điều trị gãy xương vai) và 2 người họ hàng cùng sinh sống.

Vào đầu tháng 7/2021, chị Bích bị viêm ruột thừa cấp phải phẫu thuật. Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, chị đã xin xuất viện sớm để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Về nhà được gần 2 tuần (khoảng ngày 25/7), chồng chị là anh Nguyễn Xuân Biển (SN 1987) có dấu hiệu ho đờm, sốt, đau họng và sau đó chị cũng có triệu chứng tương tự.

Hành trình “chiến đấu” với COVID-19 của gia đình trẻ người Hà Tĩnh tại “tâm dịch” TP Hồ Chí Minh

Qua test nhanh, anh chị phát hiện bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Ảnh NVCC

Nghi ngờ mình và chồng bị nhiễm COVID-19, chị Bích đã test nhanh kháng nguyên và tự kiểm tra tại nhà cho tất cả các thành viên trong gia đình. Kết quả test nhanh cho thấy vợ chồng chị dương tính với virus SARS-CoV-2, các thành viên còn lại đều âm tính.

“Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần rất kỹ nhưng khi mẫu xét nghiệm của hai vợ chồng báo dương tính thực sự tôi rất bàng hoàng và bất an. Cũng như bao người mẹ khác, tôi không lo cho sức khỏe của mình nhiều bằng việc không biết chăm sóc cho hai đứa con nhỏ như thế nào trong khi cả bố và mẹ nhiễm bệnh, ông nội đau yếu, hai người còn lại là nam thanh niên”.

Hành trình “chiến đấu” với COVID-19 của gia đình trẻ người Hà Tĩnh tại “tâm dịch” TP Hồ Chí Minh

Hai anh em được bố trí cách ly cùng bố mẹ. Ảnh NVCC

Sau khi báo cáo với lực lượng chức năng, gia đình chị Bích được giăng dây phong tỏa quanh nhà và khuyến cáo nên tự cách ly, điều trị ở nhà. Cũng qua tham khảo một số bạn bè, vợ chồng chị Bích đã quyết định thực hiện tự cách ly, điều trị; những người còn lại được bố trí ở tại căn nhà khác cách đó không xa.

“Mặc dù rất lo lắng nhưng vợ chồng tôi đã thống nhất để hai con cách ly cùng với mình. Lúc đó tôi nghĩ rằng, các con chắc đã ủ bệnh trong người nên nếu nhờ người khác chăm hộ sẽ dễ lây bệnh cho họ. Dù xác định vừa chữa bệnh vừa chăm con nhỏ sẽ vô cùng khó khăn nhưng chúng tôi đã nuốt nước mắt vào trong mà không có lựa chọn nào khác khi dịch bệnh đang căng thẳng ở TP Hồ Chí Minh” - chị Bích chia sẻ.

Trong hành trình cùng bố mẹ chiến đấu với dịch, hai đứa nhỏ vẫn hồn nhiên chơi đùa. Anh lớn luôn miệng ríu rít “vì sao bố mẹ lại đeo khẩu trang” và em bé 10 tháng không bị cai sữa mẹ. Được biết, trong những ngày nhiễm bệnh, chị Bích vẫn cho con bú sau khi được tư vấn từ một số bác sỹ và anh chị luôn đeo khẩu trang để hạn chế lây bệnh cho các con.

Những khi mẹ mệt quá thì bố chăm con và ngược lại, hai anh chị cứ thế đồng hành cùng nhau qua những ngày gian khó vừa qua.

Hành trình “vượt ải” COVID-19

Khá may mắn khi anh Biển có sức khỏe tốt hơn nên triệu chứng nhẹ và hết sớm. Khoảng 2 tuần sau khi phát hiện dương tính bằng test nhanh tại nhà, sức khỏe của anh đã cơ bản trở lại bình thường và ít ngày sau được cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm PCR cho kết quả âm tính.

Hành trình “chiến đấu” với COVID-19 của gia đình trẻ người Hà Tĩnh tại “tâm dịch” TP Hồ Chí Minh

Việc đo nồng độ oxy được gia đình chị Bích thực hiện để kiểm soát sức khỏe.

Trong khi đó, chị Bích là người có cơ địa yếu nên hành trình chiến đấu với COVID-19 của chị tưởng chừng như có thời điểm buông xuôi. Cùng lúc được lấy mẫu PCR với chồng sau hơn 2 tuần phát hiện nhiễm bệnh qua test nhanh, kết quả được báo về là chị vẫn dương tính.

Thế nhưng, được sự chăm sóc tận tâm từ chồng và động viên từ người thân, chị Bích cũng dần vượt qua “cửa tử”.

“2 ngày đầu, tôi lên cơn sốt liên tục, nhiệt độ cơ thể ở mức trên 39 độ C, ho, đau họng, đau mỏi cơ, tay chân tê cứng. Sau đó, tôi có cắt sốt nhưng vẫn vô cùng mệt mỏi. Đến ngày thứ 7, tôi bắt đầu bước vào giai đoạn bị mất vị giác và khứu giác. Khi ăn, tôi không cảm nhận được mình đang ăn gì cả, chỉ cố gắng nhai nuốt để lấy sức thôi.

Tình trạng đó kéo dài đến 15 ngày thì tôi kiệt sức, người lả đi và khó thở. Những ngày đó, tôi chỉ uống được một ít sữa do chồng bón. Và may mắn đã mỉm cười với tôi khi 3 ngày sau, tôi bắt đầu đỡ mệt, cảm nhận lại được mùi vị, ăn uống được nhiều hơn” – chị Bích cho hay.

Hành trình “chiến đấu” với COVID-19 của gia đình trẻ người Hà Tĩnh tại “tâm dịch” TP Hồ Chí Minh

Việc xông người bằng sả, gừng được chị Bích thực hiện 2 lần/ngày.

Được biết, trong những ngày chiến đấu với dịch bệnh, chị Bích có tham khảo kinh nghiệm của bạn bè, kết hợp với đơn thuốc do bác sỹ kê qua điện thoại nên đã áp dụng cho hai vợ chồng.

Mỗi ngày, vợ chồng và hai con đều súc miệng nước muối, xịt rửa mũi bằng nước muối biển Xisat, uống nước ấm. Đồng thời, 2 lần ngày (sáng, tối) xông người bằng nước sả, gừng và một ít giọt dầu gió nhỏ vào nước xông. Thuốc điều trị được kê đơn là những loại thuốc quen thuộc như: Cephalexin 500mg, Prednisone 5mg, Eughica, Efferalgan 500mg, Fazincon, men tiêu hóa, viên sủi vitamin C.

Hành trình “chiến đấu” với COVID-19 của gia đình trẻ người Hà Tĩnh tại “tâm dịch” TP Hồ Chí Minh

Những món quà được gửi tặng trong những ngày cách ly đã tiếp thêm động lực cho gia đình chị vượt qua dịch bệnh.

Sau khoảng 25 ngày từ khi nhiễm bệnh, sức khỏe chị Bích đã ổn định hơn. Qua test nhanh tại nhà cho kết quả âm tính, chị đã báo lực lượng y tế để được lấy mẫu xét nghiệm PCR.

Chị Bích cho hay: “Việc xét nghiệm PCR để khẳng định chắc chắn mình có còn dương tính hay không. Tôi đã gọi điện cho cán bộ y tế để được lấy mẫu xét nghiệm và họ hướng dẫn chờ thêm ít ngày. Tôi biết rằng, lực lượng y tế đang rất vất vả, nhiều trường hợp cần kíp hơn mình nên cũng không hối thúc cán bộ đến lấy mẫu mà tiếp tục chờ đợi, tuân thủ cách ly và vẫn áp dụng các biện pháp chống dịch hằng ngày như xông người, súc miệng bằng nước muối...".

Hành trình “chiến đấu” với COVID-19 của gia đình trẻ người Hà Tĩnh tại “tâm dịch” TP Hồ Chí Minh

Trong quá trình chiến đấu với dịch bệnh, vì có sức khỏe tốt hơn nên anh Biển đảm nhận hết các phần việc trong nhà. Ảnh NVCC

Do chuẩn bị số lượng khá lớn thực phẩm từ trước và cũng nhờ người mua thêm được thuốc men, sữa trong những ngày điều trị nên gia đình chị Bích phần nào đảm bảo được nguồn thực phẩm hằng ngày. Thế nhưng, khi được nhận những phần quà từ thiện là bao gạo, bầu, bí và nhất là sả, gừng… niềm vui như được nhân lên, tiếp thêm động lực cho gia đình chị vượt qua dịch bệnh.

Vợ chồng chị Bích vui mừng khôn xiết khi hiện nay hai con nhỏ vẫn ăn, ngủ bình thường. Dù chưa thể nói trước được điều gì, nhưng với anh chị, hành trình chiến đấu khó khăn với dịch bệnh dường như đã thành công một nửa.

“Tôi muốn nhắn nhủ mọi người hãy luôn can đảm vượt qua những giây phút khó khăn, giữ tinh thần vững vàng và đừng chủ quan trong việc bảo vệ bản thân và gia đình trước sự hoành hành của dịch. Sau quá trình tự chữa bệnh, tôi nghiệm ra rằng, để thắng được COVID-19, tinh thần không bỏ cuộc mới là điều quan trọng hơn cả” - chị Bích gửi gắm.

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, danh mục thuốc đó còn nhiều bất cập, hạn chế, cho nên Bộ Y tế đang xây dựng quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của người tham gia BHYT.
“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.