Hành trình dấn thân vào chính trị của Elon Musk

Từ một người không quan tâm đến chính giới, tỷ phú Elon Musk giờ công khai bày tỏ lập trường chính trị và "tất tay" ủng hộ ứng viên Cộng hòa Donald Trump.

Trong cuộc vận động tranh cử của Donald Trump ở bang Pennsylvania ngày 5/10, Elon Musk, người đàn ông giàu nhất thế giới, xuất hiện và nhảy nhót trên sân khấu, tạo ra loạt meme và thu hút nhiều người quan tâm trên mạng xã hội X mà ông sở hữu.

Musk ca ngợi sức mạnh của ông Trump sau vụ ám sát hụt, khẳng định cựu tổng thống "phải chiến thắng để bảo vệ hiến pháp và nền dân chủ Mỹ".

Hôm sau, khi trả lời phỏng vấn nhà bình luận bảo thủ Tucker Carlson, tỷ phú Musk nói rằng "nếu Trump thua thì tôi coi như xong", nhấn mạnh ông "tất tay" ủng hộ cựu tổng thống khi cuộc bầu cử vào chặng nước rút.

Tỷ phú Elon Musk (phải) đứng cạnh ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump tại sự kiện ở Butler, bang Pennsylvania ngày 5/10. Ảnh: AP.
Tỷ phú Elon Musk (phải) đứng cạnh ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump tại sự kiện ở Butler, bang Pennsylvania ngày 5/10. Ảnh: AP.

Với sự ủng hộ không giới hạn dành cho Trump, Musk không chỉ bày tỏ mong muốn cựu tổng thống trở lại Nhà Trắng, mà còn cho thấy tham vọng dấn thân vào chính trường của tỷ phú công nghệ Mỹ, theo giới quan sát.

Musk đã đổ hàng chục triệu USD vào chiến dịch tranh cử của Trump và được hứa hẹn có vị trí quan trọng trong chính quyền nếu cựu tổng thống đắc cử. Trump hồi đầu tháng 9 nói sẽ giao cho Musk nhiệm vụ giám sát "toàn bộ quy trình kiểm toán tài chính và hiệu suất hoạt động của chính quyền liên bang".

Musk hiện tại giống một tỷ phú cánh hữu điển hình, song không phải từ đầu ông đã có lập trường như vậy. Giống nhiều doanh nhân khác, Musk từng cố gắng duy trì thái độ cân bằng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đồng thời không vướng vào các tranh cãi mang tính chính trị.

Ông từng quyên góp 2.000 USD cho cựu tổng thống George W. Bush và số tiền tương đương cho cựu ngoại trưởng John Kerry, đối thủ đảng Dân chủ của ông Bush năm 2004. Ông cũng đã quyên tiền cho các thành viên đảng Dân chủ ở bang California, nhưng cũng trao cho Ủy ban Quốc hội đảng Cộng hòa (NRCC) 25.000 USD trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2006.

Tỷ phú Mỹ chỉ nói về chính trị khi nó có thể ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của ông. "Tôi tham gia chính trị càng ít càng tốt. Song vẫn phải tham gia một số vấn đề vì lợi ích kinh doanh", ông Musk nói tại sự kiện của Vanity Fair năm 2015.

Nhưng bắt đầu từ năm 2017, khoản quyên góp của Musk đã nghiêng về đảng Cộng hòa, khi tỷ phú Mỹ chi cho họ nhiều hơn 7 lần so với đảng Dân chủ. Ông cũng đồng ý tham gia hai hội đồng Nhà Trắng của Trump, rồi rời khỏi các vị trí này vào tháng 6/2017, viện dẫn lý do ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định khí hậu Paris.

"Biến đổi khí hậu là có thật. Rút khỏi thỏa thuận Paris không tốt cho Mỹ hay thế giới", ông đăng bài trên Twitter, tên cũ của X.

Ông từ đó hầu như không còn đề cập tới ông Trump, cho tới khi Trump tới dự một buổi phóng tàu vũ trụ của tập đoàn SpaceX hồi tháng 5/2020.

Tuy nhiên, kể từ khi Trump rời Nhà Trắng năm 2021, Musk ngày càng tham gia nhiều hơn vào các chủ đề nóng, chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden. Ông hồi tháng 4 tổ chức họp báo "chống Biden" cùng các tỷ phú đảng Cộng hòa.

Đồng thời, tỷ phú Mỹ cũng ngày càng xích lại gần Trump. Sau khi mua lại Twitter cuối năm 2022, Musk khôi phục tài khoản của cựu tổng thống. Ông cho rằng quyết định cấm tài khoản của Trump trên Twitter sau cuộc bạo loạn Đồi Capitol hồi tháng 1/2021 là "quyết định tồi tệ về mặt đạo đức".

Sau khi Trump bị bồi thẩm đoàn New York kết luận "có tội" với 34 cáo buộc trong vụ chi tiền bịt miệng sao khiêu dâm, Musk đã lên bài chỉ trích phán quyết.

"Niềm tin của công chúng vào hệ thống pháp luật Mỹ đã bị tổn hại nặng nề. Nếu một cựu tổng thống có thể bị kết án vì vấn đề bình thường trong vụ án được thúc đẩy vì mục đích chính trị hơn là công lý, bất kỳ ai cũng có nguy cơ chịu chung số phận", Musk nói.

Cùng với sự ủng hộ dành cho Trump, Musk cũng ngày càng bày tỏ rõ lập trường chính trị về nhiều lĩnh vực. Musk thường xuyên đưa ra những bình luận rằng dòng người nhập cư trái phép đe dọa nền dân chủ Mỹ, dù ông là người sinh ra và lớn lên ở Nam Phi.

Giới quan sát cho rằng những năm tháng sống trong thời kỳ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi đã ảnh hưởng đến quan điểm của Musk về nhập cư. "Cơn ác mộng của người da trắng Nam Phi trong những năm 1980 là một ngày nào đó người da màu sẽ nổi dậy và tàn sát họ", nhà bình luận Simon Kuper viết trên Financial Times.

Trước đây, Musk gần như tránh xa các tranh cãi công khai với giới chính trị gia. Nhưng sau khi mua lại X, ông thường xuyên khẩu chiến với lãnh đạo Mỹ và các nước.

Hồi tháng 4, ông xung đột với chính phủ của Thủ tướng Australia Anthony Albanese về quyết định đình chỉ quyền truy cập hình ảnh vụ tấn công nhà thờ ở Sydney. Musk chỉ trích quyết định kiểm duyệt của chính phủ Australia, trong khi Thủ tướng Albanese gọi Musk là người coi mình đứng trên pháp luật.

Tỷ phú Mỹ cũng từng tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, người hồi đầu tháng 8 cấm người dân truy cập X trong 10 ngày, cho rằng nền tảng đang lan truyền thù hận và bạo lực.

Musk sau đó liên tục đăng bài về kết quả bầu cử gây tranh cãi ở Venezuela, cũng như bình luận về tình trạng bạo lực do các nhóm cực hữu gây ra ở Anh. Sau khi các phần tử cực hữu tấn công khách sạn, nhà thờ Hồi giáo, nơi ở của người nhập cư trên khắp nước Anh, Musk nói rằng "nội chiến là không thể tránh khỏi", khơi mào cuộc đối đầu với chính phủ Anh.

Sau khi đại diện chính phủ Anh tuyên bố "phát ngôn về nội chiến là không có cơ sở", Musk gọi Thủ tướng Anh Keir Starmer là "lãnh đạo hai mặt", ủng hộ thuyết âm mưu cho rằng cảnh sát Anh đang đối xử với "người biểu tình" cực hữu da trắng hà khắc hơn so với các nhóm thiểu số. Ông cũng đưa ra loạt phát ngôn mang tính công kích Thủ tướng Starmer sau đó.

Elon Musk gần đây cũng có cuộc đối đầu căng thẳng với Brazil. Tòa án Tối cao Brazil đã phán quyết yêu cầu chặn hàng chục tài khoản ủng hộ cựu tổng thống Jair Bolsonaro duy trì quyền lực sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 2022. Thẩm phán đề nghị Musk chỉ định một đại diện công ty tại Brazil để thực hiện yêu cầu này.

Tuy nhiên, Musk từ chối thực hiện. "Tự do ngôn luận là nền tảng của nền dân chủ. Thẩm phán không được bầu ở Brazil đã phá hủy nó vì lý do chính trị", ông đăng trên X.

Thẩm phán Brazil sau đó ra lệnh chặn X ở Brazil cho đến khi nền tảng tuân thủ các lệnh của tòa án, nộp phạt đầy đủ và chỉ định người đại diện. Musk cuối cùng phải nhượng bộ trước sự cứng rắn của thẩm phán.

Tại Mỹ, Musk được cho là sử dụng tài khoản X với 200 triệu người theo dõi để đăng những thông điệp phù hợp với chiến dịch của ông Trump. Thông qua siêu ủy ban hành động chính trị (PAC) ủng hộ Trump, Musk gần đây còn cam kết trả 47 USD cho bất kỳ ai thuyết phục được một cử tri dao động ký vào bản kiến nghị ủng hộ tự do ngôn luận và quyền mang vũ khí.

"Ảnh hưởng của Musk là tiền, siêu PAC và mạng xã hội X. Ông ấy không ngại sử dụng cả ba để thúc đẩy ủng hộ Trump", Larry Sabato, giám đốc Trung tâm Chính trị thuộc Đại học Virginia, nói.

Khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 cận kề, sự xuất hiện tích cực của Musk bên cạnh Trump đại diện cho một thế lực mới trong chính trường Mỹ, đó là gã khổng lồ công nghệ với khối tài sản kếch xù có ảnh hưởng lớn tới truyền thông, theo Mark Hass, giáo sư Đại học bang Arizona.

Hass nhấn mạnh hành động của Musk trong những tuần tới có thể tác động đáng kể đến kết quả bầu cử và bối cảnh chính trị Mỹ trong tương lai. "Musk có thể trở thành vua thế giới này", giáo sư Hass nói.

vnexpress.net

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.