Hoa quả nhập khẩu: Nhập nhèm đến bao giờ?!

(Baohatinh.vn) - Khi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng được quan tâm, những đòi hỏi về việc mua được sản phẩm đúng “tiền nào, của nấy” thật sự là một nhu cầu rất bức thiết của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, chất lượng mặt hàng hoa quả nhập khẩu vẫn là vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” mà chưa có được giải pháp khắc phục…

>> Hoa quả nhập khẩu - Đắt có “xắt ra miếng”?

hoa qua nhap khau nhap nhem den bao gio

Các loại hoa quả nhập khẩu được Siêu thị VinMart kiểm nghiệm trước khi bày bán.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Tĩnh Phan Văn Dũng cho biết: Công tác kiểm soát chất lượng, nguồn gốc hoa quả hiện gặp khó khăn, chồng chéo do phân cấp. Mặc dù các mặt hàng hoa quả do chi cục quản lý, nhưng đa số lại bày bán ở chợ, siêu thị, trong khi đây lại là đối tượng thuộc quản lý của Sở Công thương. Theo quy định, đơn vị chỉ có chức năng kiểm tra hàng hóa trong chợ đầu mối, nhưng hiện nay, Hà Tĩnh chưa có loại chợ này. Do vậy, việc kiểm tra chủ yếu là phối hợp với đoàn liên ngành. Bình quân mỗi năm, đơn vị tiến hành kiểm tra, phối hợp kiểm tra từ 15-20 mẫu chủ yếu từ siêu thị và một số cửa hàng hoa quả lớn. Tại thời điểm kiểm tra, các cơ quan không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hay các loại hóa chất nhằm bảo quản thực phẩm.

Trong khi đó, ông Phan Thanh Bá - Trưởng phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết: Vấn đề quản lý về chất lượng hoa quả bán trên thị trường chủ yếu do Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm, còn QLTT không có chức năng lấy mẫu sản phẩm nông nghiệp để kiểm nghiệm mà chủ yếu kiểm tra thủ tục hành chính, hóa đơn chứng từ. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra nguồn gốc xuất xứ tại các chợ dân sinh rất khó khăn vì hầu hết người bán chỉ nhập nhỏ lẻ, trong khi giấy chứng nhận nguồn gốc nhập khẩu cấp theo lô hàng nên việc có được những “tấm vé thông hành” này là điều không thể. Trong khi đó, để chứng minh đâu là hàng nhập khẩu, cần phải có phương tiện, chứ không thể bằng mắt thường nên trường hợp người bán nói là hàng Việt Nam thì cũng… chịu.

Ở góc độ kiểm dịch thực vật, ông Lương Văn Xoan - Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (thuộc Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng V) cho biết: Các loại quả tươi nhập khẩu về Việt Nam là nhóm hàng có nguy cơ cao mang sinh vật gây hại nguy hiểm. Do vậy, trước khi nhập khẩu, phía nhà xuất khẩu phải nộp hồ sơ đề nghị theo mẫu quy định của nước ta và tiến hành phân tích nguy cơ dịch hại đối với loại quả đó. Sau khi có kết quả phân tích nguy cơ dịch hại, phía Việt Nam tiếp tục cử đoàn cán bộ chuyên sâu sang kiểm tra tại nơi trồng về quá trình trồng, quản lý sinh vật gây hại, quy trình thu hái, sơ chế, xử lý kiểm dịch thực vật để loại bỏ ngay mầm bệnh từ đầu, tức là kiểm soát tại gốc. Qua kiểm tra tại gốc, nếu sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của Việt Nam thì lúc đó, Cục BVTV mới cấp giấy phép kiểm dịch thực vật cho trái cây nhập khẩu.

Trao đổi những khó khăn trong công tác kiểm dịch tại đơn vị, ông Xoan phân tích: Trạm Kiểm dịch thực vật Cửa khẩu Cầu Treo kiểm dịch hàng hóa chủ yếu từ Thái Lan và Lào. Từ đầu năm đến nay, đơn vị tiến hành kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho gần 200 tấn măng cụt và nhãn. Tại cửa khẩu, do không đủ máy móc, trang thiết bị để kiểm tra định lượng tồn dư thuốc BVTV, nên buộc đơn vị phải gửi mẫu ra Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV đặt tại Hà Nội và sau khoảng 10 ngày mới có kết quả. Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT, điều 14 ghi rõ: “lô hàng kiểm tra được phép làm thủ tục thông quan không phải chờ kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu ATTP”, có nghĩa là sau khi lấy mẫu xong vẫn phải để doanh nghiệp vận chuyển hàng đi tiêu thụ nên lỡ nhận được kết quả giám định hoa quả không đạt tiêu chuẩn thì… “được vạ, má đã sưng”.

“Gõ cửa” ngành Hải quan về vấn đề này, ông Cao Đức Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho hay: Với chức năng, nhiệm vụ được giao, đơn vị có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ thủ tục, đối chiếu, kiểm đếm hàng hóa so với hồ sơ (riêng về mặt hàng hoa quả theo quy định phải có giấy chứng nhận kiểm dịch) và nếu đầy đủ thì sẽ làm thủ tục thông quan. Còn nhiệm vụ kiểm soát chất lượng hoa quả nhập khẩu như thế nào thì không phải do ngành Hải quan phụ trách.

Hoa quả nhập khẩu không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đảm bảo nhưng vẫn có mặt trên thị trường là vấn đề không mới nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp thấu đáo để khắc phục. Khi tìm hiểu về vai trò của các cơ quan liên quan trong vấn đề này, chúng tôi thấy rõ sự chồng chéo dẫn đến nhiệm vụ quản lý bị “cắt khúc”, nên cuối cùng vẫn là tình trạng “cha chung không ai khóc”, trong khi người tiêu dùng lại là đối tượng phải “gánh” hậu quả. Về lâu dài, Nhà nước cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản luật phù hợp với thực tiễn; có chế tài xử phạt thật nghiêm các doanh nghiệp, tiểu thương vi phạm; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa các trung tâm kiểm tra ATTP… để giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi lựa chọn hàng hóa...

Ông Phan Thanh Bá - Trưởng phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp Chi cục QLTT:

“Việc kiểm tra chặt chẽ chất lượng hoa quả nhập khẩu ngay từ khi làm thủ tục nhập vào thị trường nội địa là giải pháp tối ưu để kiểm soát chất lượng hoa quả nhập khẩu. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan chú trọng đến công tác tuyên truyền, ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh hoa quả chấp hành các quy định trong kinh doanh, không sử dụng chất cấm, chất độc hại để bảo quản và tăng cường sự phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra các đại lý, cửa hàng kinh doanh hoa quả là những việc cần làm ngay để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm đạt chất lượng”.

Ông Phan Văn Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Tĩnh:

“Tỉnh nên sớm hình thành chợ đầu mối kinh doanh nông sản để đơn vị thuận tiện hơn trong quản lý. Đồng thời, các ngành liên quan cần tăng cường năng lực quản lý ATTP về nhóm hoa quả tại chợ, siêu thị…”.

Ông Phạm Quỳnh - Giám đốc Siêu thị VinMart Hà Tĩnh:

“Trung bình mỗi tháng, chúng tôi nhập về 3 tấn hoa quả nhập khẩu từ Mỹ và New Zealand với đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc như giấy chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra ATTP hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, tờ khai hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra, các loại hoa quả sau khi nhập về siêu thị VinMart được kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm của siêu thị trước khi bày bán, nếu phát hiện dư lượng thuốc BVTV, sẽ ngay lập tức giữ hàng và gửi mẫu ra phòng kiểm nghiệm tại Royal City để kiểm nghiệm giai đoạn 2. Nếu kết quả không đạt tiêu chuẩn sẽ tiến hành hủy hàng và mọi chi phí phía bên nhà cung cấp sẽ chịu trách nhiệm”.

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.