Hoạt động khai thác lá giang ở Hương Khê: Lo ngại chặt phá rừng!

(Baohatinh.vn) - Khai thác lá giang tuy không bị pháp luật cấm nhưng nếu thu hái tự phát quá mức sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ như cháy rừng, lợi dụng lấn chiếm đất rừng ở Hà Tĩnh…

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), một số người dân thường vào rừng thực hiện khai thác, mua - bán lá giang. Qua tìm hiểu được biết, những người này không phải là người dân địa phương mà từ các tỉnh khác đến.

Hoạt động khai thác lá giang ở Hương Khê: Lo ngại chặt phá rừng!

Cây giang phát triển khá nhiều trong các khu vực rừng của Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Văn Phú - Chủ tịch UBND xã Hòa Hải, huyện Hương Khê cho biết, UBND xã đã phối hợp với Đồn Biên phòng Hòa Hải, Trạm Bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Vũ Quang kiểm tra, kiểm soát và phát hiện nhóm người (ngoại tỉnh) đang tìm kiếm, khai thác lá giang. Tuy nhiên, hoạt động khai thác của nhóm người này không đủ các điều kiện cho phép nên các lực lượng đã phối hợp tuyên truyền tạm dừng hoạt động khai thác, trở về địa phương.

Tại xã Lộc Yên, có người dân địa phương đã xây dựng nhà kho để phục vụ hoạt động thu mua, vận chuyển lá giang rừng. Trước sự việc này, chính quyền xã đã phối hợp với UBND huyện tiến hành kiểm tra, tuy nhiên, cơ sở này chưa đủ các thủ tục pháp lý để hoạt động nên đến nay trên địa bàn xã chưa có các hoạt động khai thác, thu mua lá giang.

Một người dân thôn Trường Sơn (xã Lộc Yên) chia sẻ, thời gian qua, có một số người đặt vấn đề thu mua lá giang với mức giá khoảng 10 - 12 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, những khu rừng gần với khu dân cư đã được trồng keo nên số lượng cây giang không nhiều trong khi các thương lái chỉ đặt mua lá giang loại to, việc khai thác cũng khá vất vả nên không có nhiều người mặn mà với công việc này. Người dân cũng không rõ các thương lái thu mua lá giang để làm gì.

Hoạt động khai thác lá giang ở Hương Khê: Lo ngại chặt phá rừng!

Nhà kho phục vụ hoạt động thu mua, vận chuyển lá giang ở Lộc Yên nhưng chưa được phép hoạt động vì thiếu các thủ tục liên quan.

Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Yên Nguyễn Văn Ngọc lo lắng: “Thực tế, những năm qua, hoạt động bảo vệ rừng trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp; một số trường hợp lợi dụng hoạt động sẻ phát, khai thác lâm sản phụ để lấn chiếm rừng. Do đó, khi có thông tin về hoạt động thu hái lá giang chúng tôi rất lo lắng. Vốn dĩ, giang là loại cây bụi, việc khai thác khó khăn nên có thể người dân sẽ chặt cả cây để hái lá thuận lợi hơn (hiện tượng này đã xảy ra ở một số địa phương khác). Vì vậy sẽ tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng để sẻ phát, lấn chiếm rừng; sử dụng rừng sai mục đích. Cùng với đó, trong mùa nắng nóng hiện nay, khi cây giang bị khô cũng dễ xảy ra nguy cơ cháy”.

Ông Lê Hữu Tuấn - Trưởng phòng Sử dụng và phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh (Sở NN&PTNT) cho biết, lá giang là lâm sản ngoài gỗ, pháp luật không cấm các hoạt động khai thác lá giang và lâm sản phụ. Tuy nhiên chủ rừng, người khai thác cần đảm bảo những yêu cầu, điều kiện với mức độ tùy theo từng loại rừng khác nhau để khai thác.

Với hoạt động khai thác lâm sản ngoài gỗ cần phải bảo đảm duy trì sự phát triển bền vững của khu rừng, sản lượng loài khai thác không được lớn hơn lượng tăng trưởng của loài đó; sau khi khai thác không làm ảnh hưởng chức năng phòng hộ của rừng (đối với rừng phòng hộ)…

Với hoạt động khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên: Chủ rừng là tổ chức phải có phương án quản lý rừng bền vững, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư khai thác gỗ có đề nghị và được UBND cấp huyện chấp thuận. Việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Quy chế quản lý rừng.

Các chủ rừng được hưởng toàn bộ giá trị lâm sản khai thác, sau khi đã thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của Nhà nước.

Hoạt động khai thác lá giang ở Hương Khê: Lo ngại chặt phá rừng!

Lá giang là một trong những lâm sản phụ.

Có thể nhận thấy, các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác lâm sản phụ (trong đó có lá giang) rất chặt chẽ. Do đó, chính quyền địa phương cần có các giải pháp tuyên truyền, quản lý hoạt động khai thác lá giang hiệu quả, đảm bảo quy định để bảo vệ rừng bền vững.

Ngoài ra, các ngành chức năng cũng cần làm rõ giá trị của sản phẩm lá giang, đánh giá hiệu quả kinh tế của cây giang để xác định những giải pháp quản lý, khai thác bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Chủ đề Bạn đọc viết

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.