Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới hiện ghi nhận 1.270.069 ca nhiễm và 69.309 ca tử vong do nCoV tại 208 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 73.516 và 4.760 so với hôm qua. 259.810 người đã hồi phục.
Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân khỏi một trại dưỡng lão ở Leganes Madrid, Tây Ban Nha, ngày 2/4. Ảnh: Reuters.
Mỹ thông báo 335.524 ca nhiễm, tăng 29.704 ca so với một ngày trước đó, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới. Nước này ghi nhận thêm 1.271 người tử vong hôm qua, nâng tổng số người chết vì nCoV lên 9.562.
Tổng thống Donald Trump cho rằng rất nhiều người sẽ chết tại Mỹ trong hai tuần tới nếu các biện pháp đối phó Covid-19 của chính phủ không được thực hiện.
Điều phối viên chống nCoV của Nhà Trắng Deborah Birx nói “hai tuần tới cực kỳ quan trọng” trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch, song không phải thời điểm cấm dân Mỹ ra khỏi nhà để tới cửa hàng tạp hóa hay hiệu thuốc. Tiến sĩ Birx khuyến cáo dân Mỹ “làm tất cả những gì có thể” để giữ an toàn cho gia đình và bạn bè, trong đó có giữ khoảng cách 1,8 m và rửa tay thường xuyên.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 694 người chết và 5.478 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 131.646 và 12.641. Nước này trở thành vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Số người đã hồi phục tại Tây Ban Nha là 38.080.
Một số chuyên gia dự đoán Covid-19 tại Tây Ban Nha đang bước vào giai đoạn chững lại. Tuy nhiên, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez quyết định kéo dài “lệnh báo động toàn quốc” đến nửa đêm 25/4 để ngăn nCoV, bất chấp những thiệt hại lớn về kinh tế.
Thủ tướng Sanchez đang kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) phát hành “trái phiếu corona” nhằm giúp các nước bị ảnh hưởng nặng trong khối đối phó với tác động kinh tế từ đại dịch.
Italy ghi nhận thêm 4.316 ca nhiễm và 525 ca tử vong, giảm nhẹ so với hôm trước, nâng số ca nhiễm và tử vong lên 128.948 và 15.887, tiếp tục là vùng dịch chết chóc nhất thế giới.
Giới chức Italy cho biết số ca nhiễm mới và số người chết trong những ngày gần đây cho thấy dịch đã đạt đỉnh và con số có thể giảm, song chỉ khi các biện pháp phong tỏa được tôn trọng.
Italy là quốc gia phương Tây đầu tiên ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc vì Covid-19, yêu cầu dân chúng ở nhà và đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu. Chuyên gia y tế Italy nhận định các biện pháp phong tỏa đã phát huy hiệu quả, song nước này lãng phí quá nhiều thời gian trước đó, khiến nhiều người chết.
Lệnh phong tỏa tại Italy đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế vốn mong manh. Một quan chức cấp cao của Italy cho hay chính phủ nước này đã lên kế hoạch mở rộng quyền hạn để bảo vệ các công ty chủ chốt khỏi bị nước ngoài thâu tóm.
Đức là vùng dịch lớn thứ ba châu Âu với 100.123 người dương tính nCoV và 1.584 người chết, tăng lần lượt 4.031 và 140 so với hôm trước. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói "có chút hy vọng" khi số ca nhiễm và ca tử vong mới mỗi ngày có dấu hiệu tăng chậm lại, song còn quá sớm để nhận định xu hướng phát triển của đại dịch và chưa tới lúc nới lỏng các biện pháp phòng chống.
Chính phủ Đức đã ra lệnh đóng cửa hầu hết cửa hàng, trường học và áp lệnh cấm tụ tập quá hai người ít nhất đến ngày 19/4. Đức cũng đã tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân Covid-19 trong tình trạng nghiêm trọng từ các quốc gia Liên minh châu Âu (EU).
Anh ghi nhận thêm 621 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 4.934, trong tổng số 47.806 ca nhiễm.
Neil Ferguson, giáo sư tại Đại học Hoàng gia London, người tham gia lên kế hoạch phản ứng của chính phủ trước Covid-19, ngày 5/4 dự đoán số ca tử vong vì nCoV tại Anh có thể lên đến từ 7.000 tới 20.000 với những biện pháp được áp dụng như hiện nay nhằm làm chậm tốc độ lây lan của virus.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock tuyên bố ông sẽ buộc phải loại bỏ tập thể dục khỏi lý do được phép ra ngoài nếu người dân không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định cách biệt cộng đồng và tìm cách lách luật.
Giới chuyên gia lo sợ việc thời tiết mùa xuân ấm lên sẽ khuyến khích người dân Anh đổ tới công viên nhiều hơn, đặc biệt vào cuối tuần. Khu Lambeth ở London ngày 5/4 đóng cửa công viên Brockwell sau khi hàng loạt người dân một ngày trước đó tới đây tắm nắng và tụ tập thành nhóm.
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, với 58.226 ca nhiễm. Tuy nhiên, với 3.603 ca tử vong, Iran đã vượt Trung Quốc về số người chết vì dịch bệnh.
Sau nhiều tuần không áp dụng biện pháp cách ly hoặc phong tỏa, Iran tuần trước quyết định cấm tất cả các hoạt động đi lại liên tỉnh ít nhất đến ngày 8/4. Tổng thống Hassan Rouhani cảnh báo Covid-19 có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí tới cuối năm.
Hàng loạt quan chức cấp cao Iran đã bị nhiễm bệnh và trường hợp mới nhất là Chủ tịch quốc hội Ali Larijani, 62 tuổi. Ông hiện được cách ly và điều trị.
Hàn Quốc và Trung Quốc chưa công bố số ca nhiễm và tử vong mới.
Trung Quốc từ 1/4 bắt đầu đưa số ca nhiễm nCoV không triệu chứng vào số liệu thống kê hàng ngày. Những người nhiễm nCoV không triệu chứng cũng sẽ bị cách ly tập trung 14 ngày.
Tại Đông Nam Á, Malaysia tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 3.662 ca nhiễm và 61 ca tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán Covid-19 ở Malaysia sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 4, trong khi số ca bệnh nguy kịch ước tính đạt đỉnh trong tuần tới.
Indonesia là quốc gia có số ca tử vong cao nhất khu vực với 198 ca, tăng 7 ca so với hôm trước, số ca nhiễm là 2.273, tăng 181 ca. Singapore tiếp tục chịu ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ hai với 120 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số lên 1.309, trong đó 6 người chết.
Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo dịch bệnh có thể khiến 11 triệu người tại châu Á - Thái Bình Dương lâm vào cảnh nghèo đói nếu không có biện pháp can thiệp và khu vực có thể đối mặt với đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất suốt 20 năm qua.
Theo vnexpress.net