Trên nền diện tích nhà xưởng sản xuất kính cường lực của Công ty CP Linh Sơn, Công ty CP May xuất khẩu Hồng Lĩnh đã cải tạo cơ sở vật chất nhằm chuyển đổi mục đích, phục vụ sản xuất. Từ tháng 9, nhà xưởng mới đi vào hoạt động với 7 dây chuyền sản xuất hàng may mặc xuất khẩu đi thị trường Mỹ.
Sản xuất tại Công ty CP May xuất khẩu Hồng Lĩnh
Anh Trần Văn Mạnh - Phó Giám đốc Công ty CP May xuất khẩu Hồng Lĩnh cho biết: “Tổng mức đầu tư đến thời điểm này khoảng hơn 20 tỷ đồng. Mới đi vào hoạt động nên hiện nay chúng tôi đang nhận những đơn hàng gia công để công nhân rèn luyện và nâng cao tay nghề. Từ tháng 12, công ty sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ”.
Hiện tại, công ty đang tạo việc làm cho 320 lao động trên địa bàn Hà Tĩnh, chủ yếu là lao động TX Hồng Lĩnh và các huyện lân cận như: Đức Thọ, Thạch Hà, Lộc Hà.
Công ty CP May xuất khẩu Hồng Lĩnh hiện đang tạo việc làm cho 320 lao động địa phương
Một trong những thuận lợi của công ty khi lấn sân lĩnh vực may xuất khẩu là ở thị trường đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nên thị trường Mỹ đang rộng cửa chào đón sản phẩm may mặc của Việt Nam.
“Công ty nhận được đơn hàng dồi dào, sản xuất bao nhiêu là xuất khẩu bấy nhiêu. Về giá cả cũng rất cạnh tranh. Ngoài đối tác ở Mỹ, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã tìm đến đặt vấn đề hợp tác vì sản phẩm của công ty khi ra thị trường được khách hàng đánh giá rất cao” – Phó Giám đốc Trần Văn Mạnh cho biết thêm.
Sản phẩm của công ty xuất khẩu sang thị trường Mỹ
Trước những thuận lợi bước đầu, Công ty CP May xuất khẩu Hồng Lĩnh dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ “rót” thêm 10 tỷ đồng để mở rộng thêm 5 dây chuyền sản xuất và tuyển dụng thêm 250 công nhân.
Ngoài CP May xuất khẩu Hồng Lĩnh, thị xã còn đón "ông lớn" Haivina (Hàn Quốc) vào đầu tư trên địa bàn. Được chấp thuận chủ trương đầu tư từ 20/9/2018, Công ty TNHH Haivina dự kiến sẽ đầu tư 345 tỷ đồng (tương đương 15 triệu USD) xây dựng nhà máy sản xuất, kinh doanh các sản phẩm găng tay thể thao, găng tay công nghiệp và trang phục thể thao các loại phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, với công suất 12 triệu sản phẩm/năm.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo điều kiện cho doanh nghiệp may mặc Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường Mỹ
Nhà máy được xây dựng trên diện tích 8,9 ha của Cụm công nghiệp Nam Hồng. Theo kế hoạch, cuối năm 2019, nhà máy sẽ hoàn thành hạng mục nhà xưởng, một số công trình phụ trợ khác và đi vào sản xuất. Dự kiến cuối năm 2021, công ty sẽ hoàn thành toàn bộ dự án.
Ngay sau khi có chủ trương, công ty đã bắt tay vào tuyển dụng và đào tạo lao động. Hiện nay, trong lúc chờ xây dựng nhà xưởng, công ty đang thuê mặt bằng tại phường Bắc Hồng (TX Hồng Lĩnh) để đào tạo nghề may cho 200 lao động. Đây sẽ là những hạt nhân để đào tạo nghề cho các lớp công nhân về sau.
2 dự án may xuất khẩu mới tại Cụm công nghiệp Nam Hồng dự kiến sẽ tạo hàng nghìn việc làm cho lao động nữ
Anh Phạm Quốc Dũng, cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng Thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Thêm 2 dự án may xuất khẩu mới, Cụm công nghiệp Nam Hồng đạt tỷ lệ lấp đầy trên 75%. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, địa phương đang đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật nội cụm với tổng mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, dự kiến tháng 12 sẽ khởi công”.