Hồng Lĩnh - nối mạch đất thiêng

(Baohatinh.vn) - Nếu nói Hà Tĩnh là đất cổ Việt Thường thì vùng đất thuộc Minh Giang, Kẻ Treo, Kẻ Bấn, Kẻ Vọt xưa, TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) ngày nay là trung tâm của vùng đất ấy. Theo hành trình phát triển của lịch sử, nhất là sau 30 năm tái lập tỉnh, vùng đất này đã có những bước chuyển to lớn.

Vùng đất cổ thấm đẫm huyền sử

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu của các sử gia từ nhiều đời khẳng định: Kinh Dương Vương là thủy tổ của người Việt. “Tổ tiên nước Việt ta tương truyền vua đầu tiên gọi là Kinh Dương Vương” (sử gia Ngô Thì Sĩ) (*). Thuở ban đầu, đế đô của Kinh Dương Vương được chọn là vùng đất thuộc núi Hồng Lĩnh, sau này mới chuyển ra Phong Châu (Phú Thọ ngày nay) nên ở Hồng Lĩnh vẫn còn lưu lại nền đất cũ cố đô.

Hồng Lĩnh - nối mạch đất thiêng

Một góc thị xã Hồng Lĩnh ngày nay.

Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân và Lạc Long Quân sinh ra các Vua Hùng. Người ta cũng đã khai quật được ở đây nhiều di vật chứng tỏ con người đã đến sống ở đây từ rất lâu. PGS-TS-NGND Hoàng Văn Khoán trong một bài viết của mình đã khẳng định: “Dưới chân núi Hồng Lĩnh, con người đến sinh sống từ hậu kỳ đồ đá mới thuộc hệ thống văn hóa Bàu Tró cách đây 5.000 năm”. Nhiều hội nghị, hội thảo cũng đã khẳng định: Hồng Lĩnh là vùng đất chứa đựng nhiều huyền sử, nhiều giá trị lịch sử tồn tại cùng thời gian.

Thời Quang Thuận (1446), Hồng Lĩnh thuộc phủ Đức Quang (sau này là phủ Đức Thọ) nằm giữa ranh giới huyện Thiên Lộc và huyện Nghi Xuân. Từ năm 1842-1851 thuộc huyện Thiên Lộc. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, nửa tổng Trung Lương gồm Vĩnh Ninh, Ngọc Sơn, Vân Chàng, Bình Lãng hợp nhất thành xã Thiên Thuận. Năm 1949, Thiên Thuận hợp với Hồng Tiến thành Hồng Thuận và chuyển về huyện Đức Thọ (*).

Năm 1954, Hồng Thuận chia làm hai xã là Đức Hồng và Đức Thuận. Ngày 19/9/1981, thị trấn Hồng Lĩnh thuộc huyện Đức Thọ được thành lập. Ngày 2/3/1992, TX Hồng Lĩnh được thành lập theo Quyết định số 67-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) với diện tích hơn 5.800 ha, dân số hơn 3 vạn người, gồm 2 phường, 4 xã.

Tôi đã đi về vùng đất này không biết bao nhiêu lần, dù biết cảnh vật nhiều thay đổi qua từng mốc thời gian mà vẫn muốn gọi các địa danh ở đây bằng tên cũ: Ngàn Hống, Kẻ Bấn, Kẻ Treo, Bãi Vọt (Treo Vọt), Minh Lương, Vân Chàng, Giao Tác, Độ Liêu… Con sông Minh chạy dọc phía Bắc tuy nhỏ nhưng là một nhánh của sông Lam, chảy vòng qua Can Lộc, hợp lưu với nhiều con sông rồi qua Thạch Hà, đổ ra Cửa Sót nên sinh thời, nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh hay gọi: “Đầu Mênh cuối Sót” (Mênh là Minh). Hai bên bờ sông vẫn thấp thoáng cảnh chài lưới của một vùng sông nước.

Hồng Lĩnh - nối mạch đất thiêng

Lễ rước linh vị, các vật phẩm cúng tế Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương cùng các Vua Hùng là một trong những nghi lễ truyền thống trong chương trình Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương tại thị xã Hồng Lĩnh. Ảnh tư liệu

Gắn với núi sông chất chứa nhiều linh khí là một hệ thống di tích lịch sử văn hóa phản ánh đời sống tâm hồn và sinh hoạt văn hóa của cư dân nơi đây với 36 ngôi đền, miếu, am, nhà thờ và 13 ngôi chùa. Đền Cả ở phía Bắc, đền thờ Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ ở phía Nam, chùa Đại Hùng, chùa Thiên Tượng, chùa Hang nằm trên dãy Ngàn Hống chứa đựng bao huyền tích.

Khai thác trầm tích, nối mạch đất thiêng

Gần 20 năm với tên gọi TX Hồng Lĩnh, Đảng bộ và Nhân dân nơi đây tự hào vì được sống trên mảnh đất thiêng, quyết tâm xây dựng đô thị phía Bắc hiện đại, văn minh, năng động và phát triển. Hiện nay, TX Hồng Lĩnh có 5 phường: Bắc Hồng, Nam Hồng, Đậu Liêu, Trung Lương, Đức Thuận và xã Thuận Lộc với 52 thôn, tổ dân phố, dân số thường trú 46.782 người. TX Hồng Lĩnh đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng đô thị loại III trước năm 2025.

Hiện nay, trên địa bàn có hơn 60 doanh nghiệp và 610 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 3.000 lao động. Hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp (CCN) ngày càng được hoàn thiện. Thị xã cũng đã thành lập 2 CCN, hạ tầng được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa.

Hồng Lĩnh - nối mạch đất thiêng

Ngành công nghiệp từng bước trở thành động lực chủ yếu trong phát triển kinh tế của TX Hồng Lĩnh.

Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, tập thể Ban Thường vụ Thị ủy đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện chính sách thu hút đầu tư, kêu gọi xã hội hóa đầu tư CCN Cổng Khánh 1 và 2. Đến nay, thị xã đã thu hút 34 dự án phát triển công nghiệp, với tổng vốn đầu tư hơn 1.950 tỷ đồng; trong đó, 6 tháng đầu năm thu hút mới 3 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 611,2 tỷ đồng; đường tránh quốc lộ 1, 1B và dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt vừa khởi công cùng quốc lộ 1, quốc lộ 8B đang góp phần tạo ra những lợi thế về giao thông cho TX Hồng Lĩnh.

Văn hóa truyền thống được coi là tài sản vô giá của vùng đất này. Chính vì vậy, Khu di tích Đại Hùng đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng với diện tích 42 ha bao gồm các hạng mục: chùa Hạ, chùa Thượng và kinh đô Ngàn Hống. TX Hồng Lĩnh đang có kế hoạch nâng cấp lễ hội đền Hùng thành lễ hội cấp tỉnh.

Hồng Lĩnh - nối mạch đất thiêng

Phối cảnh một góc quy hoạch khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng

3 di tích của TX Hồng Lĩnh đã được công nhận di tích quốc gia là đền thờ Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ, quần thể chùa và hồ Thiên Tượng, nhà thờ Song Trạng thờ Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy đều được Nhân dân lưu giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống.

Như từ thuở hồng hoang, Ngàn Hống - Hồng Lĩnh, dãy núi linh thiêng mãi là mái nhà vững chãi cho đô thị trẻ vững vàng tựa lưng vươn tới.

(*) Trích kỷ yếu tại hội thảo "Hồng Lĩnh, huyền sử, lịch sử và đương đại", Do Viện sử học, Sở VH-TT&DL, UBND thị xã Hồng Lĩnh phối hợp tổ chức tại thị xã Hồng Lĩnh tháng 8/2016.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Sở hữu giọng hát ngọt ngào, sâu lắng nhưng cũng đầy nội lực cùng ngoại hình xinh đẹp, nữ ca sĩ GenZ Hoàng Thu Hà (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã xuất sắc vượt qua các vòng thi của Sao Mai xứ Nghệ 2024 để đoạt giải quán quân một cách đầy thuyết phục.
7 năm cõng bạn vào lớp

7 năm cõng bạn vào lớp

Trong suốt 7 năm, hành trình gắn bó với con chữ của Lê Xuân Thịnh Hưng (lớp 10A6, Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) luôn có sự đồng hành của 2 bạn Đức Công và Nhật Hào.
Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những làn điệu ví, giặm ngọt ngào đang ngày ngày được lan tỏa nhờ các tài năng nhí ở Hà Tĩnh. Giọng hát của các em góp phần gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương.
Tuổi cao nêu gương sáng

Tuổi cao nêu gương sáng

Không chỉ có lối sống mẫu mực, giáo dục con cháu sống hiếu thuận, nhiều người cao tuổi ở Hà Tĩnh còn đi đầu, bước trước, thể hiện vai trò nêu gương sáng trong cộng đồng.
Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Hà Tĩnh là vùng đất cổ, có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa, chính trị... nhưng đến nay vẫn chưa có công trình địa chí tổng quan về văn hóa, con người núi Hồng, sông La.