Chiều 20/4, tại xã Phù Lưu, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà tổ chức hướng dẫn kỹ thuật phòng bệnh hại lúa cho cán bộ khuyến nông xã, thôn trưởng các thôn và bà con nông dân.
Do thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao, có sương mù… nên bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh bạc lá trên cây lúa phát triển nhanh. Toàn huyện hiện có 4 ha ở các xã: Thạch Châu, Mai Phụ, Thạch Mỹ, Phù Lưu, Tân Lộc, Thịnh Lộc… bị nhiễm bệnh.
Các giống bị nhiễm nặng chủ yếu là Thái Xuyên 111, ADI 168, TBR 225, Việt Hương.
Trước tình hình đó, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà đã tổ chức hướng dẫn kỹ thuật đầu bờ cho gần 100 người là cán bộ khuyến nông xã, thôn trưởng các thôn trong toàn huyện và một số bà con nông dân ở xã Phù Lưu về phòng, trừ sâu bệnh hại lúa.
Hướng dẫn cách pha chế, tỷ lệ, sử dụng các loại thuốc.
Các đối tượng đã được hướng dẫn kỹ thuật để xử lý, phòng trừ bệnh đạo ôn. Theo đó, các loại thuốc nên ưu tiên sử dụng là Beam 75WP, Filla 525SC, Fuji one 40WP, Ninja 35SE, Kasoto 20SC…; thời điểm phun lần 1 là khi lúa mới nứt đòng, lần 2 khi lúa đã trổ xong.
Đối với bệnh bạc lá, phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện bệnh kịp thời, nhất là thời điểm sau các trận mưa lớn, gió mạnh. Việc phun thuốc phải thực hiện khi bệnh mới chớm bằng thuốc Starner 20WP, Kamsu2SL, Xantocin 40WP, Total 200WP… Riêng đối với những diện tích lúa bị nhiễm nặng cần phun 2 lần, cách nhau 7 ngày.
Thực hành cách phun thuốc trên ruộng lúa.
Ngoài ra, cán bộ khuyến nông xã, thôn trưởng và bà con nông dân cũng đã được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ các loại sâu bệnh hại lúa khác. Cách xử lý nhanh và kịp thời trước những phát sinh đột xuất trên đồng ruộng; cách điều tiết nước hợp lý cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng; cách sử dụng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn, tiết kiệm trong sản xuất...