Sáng 11/9, huyện Hương Khê tổ chức hội nghị triển khai đề án sản xuất vụ đông; bổ cứu công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. |
Với những giải pháp và chính sách hỗ trợ kịp thời, vụ đông ở Hương Khê đang ngày càng phát huy hiệu quả, diện tích sản xuất ngày càng tăng. Năm 2022, diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng chính vụ đông đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, toàn huyện sản xuất 2.818,3/2.731 ha theo kế hoạch, riêng diện tích cây ngô là 2.373 ha.
Vụ đông năm 2022, huyện đã chi hơn 2,5 tỷ đồng hỗ trợ giống cây trồng vụ đông. Đoàn liên ngành huyện cũng đã tổ chức kiểm tra ngẫu nhiên 11 cơ sở kinh doanh/5 xã, thị trấn. Qua đó phát hiện 2 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV không đúng quy định; tham mưu đơn vị chức năng xử lý vi phạm hành chính với số tiền 3 triệu đồng.
Phó Chủ tịch huyện Hương Khê Phan Kỳ: Huyện đang khẩn trương thu hoạch cây trồng vụ hè thu, kịp thời triển khai sản xuất vụ đông; quan tâm công tác thu hoạch bưởi Phúc Trạch...
Năm 2023, Hương Khê xác định quan điểm chủ động, quyết liệt và linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, nhất là thời vụ nhằm né tránh, giảm thiểu thấp nhất rủi ro do thiên tai; đa dạng các loại cây trồng, đẩy mạnh thâm canh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, đáp ứng nhu cầu thị trường, nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo nguồn thức ăn, phòng chống đói rét cho vật nuôi trong mùa đông.
Vụ đông năm 2023, toàn huyện phấn đấu sản xuất 2.760 ha. Trong đó, 2.300 ha cây ngô, 100 ha cây khoai lang, 360 ha rau các loại. Đặc biệt, huyện tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ giống ngô vụ đông với định mức từ 50 – 60 nghìn đồng/kg (tùy theo loại giống).
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT): Ngành nông nghiệp Hà Tĩnh ghi nhận nỗ lực sản xuất vụ đông ở Hương Khê; đặc biệt, diện tích ngô đông của huyện chiếm khoảng 40% tổng diện tích toàn tỉnh.
Về công tác PCTT&TKCN, huyện Hương Khê đã phối hợp Công ty CP Thủy điện Hồ Bốn tổ chức triển khai phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa Nhà máy Thủy điện Hố Hô năm 2023; tổ chức diễn tập vận hành cơ chế thông tin cảnh báo xả lũ cho các xã vùng hạ du.
Cùng đó, tổ chức kiểm tra, sửa chữa, bão dưỡng ca nô, thuyền máy, máy phát điện phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn; cấp phát 150 áo phao cứu sinh, 50 phao tròn cứu sinh cho các địa phương; tổ chức kiểm tra mực nước các hồ, đập; xây dựng phương án phòng, chống hạn cho sản xuất và dân sinh; củng cố, kiện toàn đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã…
Để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai, các địa phương, đơn vị ở Hương Khê tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án PCTT&TKCN.
Tại hội nghị, các đơn vị, địa phương đã tập trung thảo luận một số giải pháp triển khai sản xuất vụ đông và công tác PCTT&TKCN hiệu quả.
Chủ tịch UBND huyện Ngô Xuân Ninh: Đề nghị các đơn vị, địa phương đảm bảo công tác vận hành hồ chứa.
Chủ tịch UBND huyện Ngô Xuân Ninh đề nghị các đơn vị, địa phương triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ đến nông dân; đảm bảo sản xuất đúng lịch thời vụ và có sự linh hoạt để né tránh thiên tai; mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất vụ đông ở những vùng có điều kiện.
Huyện khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất tập trung các loại rau, củ quả và một số loại cây khác, tạo sản phẩm chất lượng cung ứng cho thị trường. Các địa phương cũng cần tập trung cho công tác tích tụ ruộng đất, chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao; chú trọng công tác tiêm phòng, bảo vệ đàn vật nuôi, quản lý vật tư nông nghiệp...
Tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong PCTT&TKCN nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi thiên tai xảy ra. Các đơn vị, địa phương cần thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”...