Lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố lên phương án phòng, chống cháy rừng.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ hơn 25.000 ha rừng và đất rừng trên địa bàn 12 xã thuộc huyện Hương Sơn, trong đó có 22.000 ha rừng phòng hộ và hơn 3.000 ha rừng sản xuất.
Phần diện tích rừng phòng hộ chủ yếu tập trung tại các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Lâm - nơi tiếp giáp với nước bạn Lào có địa hình hiểm trở, giao thông đi lại rất khó khăn. Trong khi đó phần diện tích rừng trồng lại nằm đan xen với các thôn xóm, khu dân cư tại các xã Sơn Tiến, Sơn Lễ, Sơn Bình, Sơn Giang, Kim Hoa... nên việc kiểm soát lượng người vào rừng phức tạp khiến công tác bảo vệ rừng - phòng cháy chữa cháy rừng (BVR-PCCCR) trở nên khó khăn hơn.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm Hương Sơn xem xét những khu vực thường xảy ra cháy rừng.
Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố Nguyễn Hữu An cho biết: "Trong công tác PCCCR, yếu tố phòng giữ vai trò then chốt. Vì vậy trước mùa nắng nóng 2023, ngoài lên kế hoạch tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân thực hiện nghiêm các biện pháp PCCCR, đơn vị đã chủ động tu sửa các biển tường, biển cấp dự báo cháy rừng; xây dựng, tu bổ chòi canh lửa. Đặc biệt, chúng tôi cũng xây dựng kịch bản, kế hoạch tuần tra, trực gác 24/24h, kiểm soát người dân ra vào rừng; thực hiện tốt công tác canh phòng theo dõi diễn biến trong rừng để có phương án ứng phó trong mọi tình huống”.
Cán bộ bảo vệ rừng trực chốt 24/24h tại chòi canh Rú Vạc, xã Sơn Tiến.
Cùng với đó, đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại 7 trạm quản lý bảo vệ rừng, đơn vị đã thực hiện phương châm “bảo vệ rừng tận gốc,” sử dụng máy định vị GPS trong công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng để xác định vị trí, đường đi, toạ độ, tránh trường hợp báo cáo không trung thực trong tuần tra, bảo vệ rừng; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng với các hộ nhận khoán, các hộ có lán trại trong rừng, ven rừng.
Ngoài ra, đơn vị tổ chức 4 tổ trực gác với 30 người thường xuyên trực chốt tại những khu vực dễ xảy ra cháy rừng ở các xã như An Hoà Thịnh, Sơn Bình, Sơn Kim 1. Đồng thời phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn tuần tra, trực chòi canh lửa kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý khi có tình huống cháy xảy ra.
Lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố kiểm tra sổ ghi chép người và phương tiện ra vào của rừng tại thôn Tây Nam, xã Sơn Lễ.
Để công tác PCCCR hiệu quả, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố cũng huy động hàng ngàn ngày công, đầu tư số tiền 461 triệu đồng tu sửa 26,6km đường băng cản lửa; tu sửa, làm mới hơn 50 biển tường tuyên truyền, mua sắm trang thiết bị chữa cháy...
Đồng hành cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố, các địa phương là chủ rừng ở 12 xã cũng vào cuộc tích cực, đặc biệt là ở những vị trí rừng xung yếu như: Sơn Lễ, Sơn Tiến, Kim Hoa. Các địa phương trên cũng đã chủ động lên phương án PCCCR, huy động dân quân, tự vệ và người dân phối hợp với lực lượng chuyên trách, các chủ rừng tổ chức các đợt ra quân phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa, sửa chữa chòi canh...
Lực lượng bảo vệ rừng Trạm Lễ Tiến (Sơn Lễ, Sơn Tiến) xuất kích làm đường băng cản lửa.
Tại xã Sơn Kim 1, địa phương đã bố trí, sắp xếp lực lượng trực phòng cháy 24/24h trong mùa nắng nóng; nghiêm cấm mọi hoạt động đưa lửa vào rừng, đốt lửa, sử dụng lửa trong rừng và ven rừng trong suốt thời gian nắng nóng, hanh khô; tổ chức ký cam kết với các hộ dân sống gần rừng.
“Sơn Kim 1 có diện tích rừng khá lớn lên đến 6.000 ha, lại nằm ở khu vực địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn nên ngay từ đầu năm chúng tôi đã thành lập 6 tổ thanh niên xung kích với hơn 20 thành viên, thường xuyên tuần tra kiểm soát để năm bắt tình hình, kịp thời xử lý khi cháy rừng xảy ra”- Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1, Phan Thanh Tùng cho biết.
Người dân và lực lượng chức năng sẻ phát đường băng cản lửa tại tiểu khu 79, xã Sơn Kim 1.
Năm 2023, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố đề ra mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững 21.000 ha rừng tự nhiên; nâng cao năng suất, chất lượng 3.000 ha rừng trồng; phấn đấu độ che phủ rừng ở mức 72,5%. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác BVR-PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”, không để xảy ra các điểm phát lửa, cháy rừng trên diện rộng.