Ngày 27/6, Sở NN&PTNT ban hành Công văn số 1266/SNN-KL “Về việc triển khai thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh”. |
Hà Tĩnh có 120.000 ha rừng (thông, keo, bạch đàn tái sinh) dễ cháy.
Văn bản nêu rõ: Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 23/6/2022 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, để triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung chỉ thị, Sở NN&PTNT yêu cầu:
Đối với các đơn vị chủ rừng
- Phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCCR, nhất là tại các khu vực có hoặc tiếp giáp với các khu di tích lịch sử - văn hóa, nghĩa trang, nghĩa địa…. Nghiêm cấm việc đốt xử lý thực bì trong thời gian cao điểm nắng nóng (cấp dự báo cháy rừng từ Cấp IV đến Cấp V).
- Chủ động kiểm tra, rà soát lại Phương án PCCCR năm 2022, phát hiện, bổ cứu kịp thời các tồn tại (nếu có), đảm bảo phương án sát đúng với tình hình thực tế, có tính khả thi cao; bố trí lực lượng gác 24/24h để phát hiện sớm lửa rừng, lập các chốt chặn, kiểm soát người ra, vào các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy trong thời gian cao điểm nắng nóng; chủ động “4 tại chỗ” sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại.
- Tất cả các điểm cháy, vụ cháy rừng trên lâm phần được giao quản lý nhất thiết phải báo cáo cho Ban chỉ đạo xã, huyện biết để theo dõi, chỉ đạo và huy động lực lượng ứng cứu chữa cháy rừng kịp thời khi cần thiết. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong việc điều tra, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với Chi cục Kiểm lâm
- Tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện nghiêm các quy định về PCCCR theo phương án sẵn sàng “4 tại chỗ”. Phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR.
- Chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện, công cụ dụng cụ ứng cứu chữa cháy rừng kịp thời khi có cháy lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin tình hình cháy rừng tại các địa phương, đơn vị, báo cáo kịp thời, tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu chữa cháy rừng theo Phương án số 170/PA-UBND ngày 12/5/2022 của UBND tỉnh.
- Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn để dự báo và thông tin cấp dự báo cháy rừng liên tục hàng ngày đến các địa phương và trên các phương tiện thông tin đại chúng khi cấp dự báo cháy rừng đến Cấp IV và Cấp V; theo dõi thông tin cảnh báo cháy sớm trên trang Web của Cục Kiểm lâm (http://www.kiemlam.org.vn) để chỉ đạo kiểm tra, xác minh, xử lý kịp thời.
- Chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tham mưu UBND cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác PCCCR của các địa phương, đơn vị chủ rừng; trong và sau các vụ cháy rừng phối hợp Công an huyện, chính quyền địa phương tổ chức điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, thủ phạm gây cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
- Theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung Chỉ thị của các Sở, ngành, chính quyền địa phương, chủ rừng; cập nhật, tổng hợp tình hình cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh báo cáo định kỳ, đột xuất cho Trưởng Ban chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh biết để xem xét chỉ đạo, giải quyết kịp thời.
Với nội dung trên, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc tổ chức thực hiện; khi có cháy rừng xảy ra, báo cáo ngay cho Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh (Chi cục Kiểm lâm) theo số điện thoại: 0913 310 611; 02393 855 571 để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng ứng cứu kịp thời khi cần thiết./.