Khai thác thân thiện môi trường, ngư dân Hà Tĩnh “sống khoẻ” với nghề biển

(Baohatinh.vn) - Thời gian gần đây, ngư dân Hà Tĩnh đã phát triển một số loại hình khai thác thủy sản ít gây hại đến ngư trường, đem lại nguồn thu nhập khá và ổn định cho ngư dân.

Đội tàu của ngư dân xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) hoạt động đánh bắt xa bờ ở những ngư trường rộng lớn. (Ảnh tư liệu).

Nhờ đầu tư cải hoán tàu thuyền, trang thiết bị, thời gian qua, đội tàu của ngư dân xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) đã tự tin và có kinh nghiệm tiếp cận các ngư trường rộng lớn, xa bờ với nguồn thuỷ sản giàu có ở ngoài khơi TP Đà Nẵng, đảo Bạch Long Vỹ…

Ngư dân Trần Thế Dương (xã Kỳ Hà, TX Kỳ Anh) cho hay: “Được tiếp cận với một số chính sách hỗ trợ của tỉnh về phát triển nghề cá, chúng tôi đầu tư tàu có công suất 750 CV chịu được sóng to, sức gió lớn để phục vụ đánh bắt xa bờ. Trên tàu được trang bị đầy đủ các thiết bị hỗ trợ thông tin liên lạc và cứu trợ, cứu nạn. Việc ra khơi thực hiện theo hình thức tổ, đội để hỗ trợ, góp phần đảm bảo an toàn cho nhau trong quá trình tìm kiếm ngư trường và sản xuất trên biển”.

Hà Tĩnh đang tiếp tục thực hiện cơ cấu nghề khai thác thủy sản nhằm phát triển bền vững.

Cũng theo các “lão ngư” xã Kỳ Hà, mỗi chuyến đi biển của ngư dân trong xã thường kéo dài từ 10 - 15 ngày. Tuy vất vả và khá nguy hiểm nhưng nghề câu khơi, lồng bẫy vẫn được xem là nghề “hái ra tiền” và thân thiện với môi trường, nhất là không sử dụng các phương tiện tận diệt. Các sản phẩm đánh bắt có giá trị xuất khẩu, trọng lượng lớn nên hiệu quả kinh tế rất cao như: cá mú, cá thu, cá trổng, mực lớn…

Theo thông tin từ Chi cục Thuỷ sản tỉnh, trung bình mỗi tàu cá hoạt động ngoài khơi xa có thể đạt sản lượng trên 13 tấn/năm với doanh thu từ 3 - 5 tỷ đồng/năm, đây là khoản thu nhập lớn với ngư dân.

Cơ cấu lại phương tiện, tìm biện pháp chuyển đổi nghề hợp lý cho ngư dân theo hướng thân thiện với môi trường là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển nghề khai thác thủy hải sản tại địa phương. Nghề bóng mực kết hợp câu khơi trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, ngư dân tiếp cận được vùng ngư trường rộng lớn, mang lại sinh kế ổn định. Hiện nay, địa phương đã có trên 32 tàu có công suất từ 250 - 750 CV phục vụ đánh bắt xa bờ”.

Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà Lê Văn Luyện

Nghề bóng ghẹ trên đội tàu có chiều dài từ 12 - 20m tại xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) không gây hại đến nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Cùng với nghề câu khơi, nghề bóng ghẹ của đội tàu có chiều dài từ 12 - 20m tại xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) cũng đang mang lại hiệu quả cao, góp phần hạn chế việc khai thác bằng xung điện, mìn, giã cào… ảnh hưởng đến môi trường, suy giảm nguồn thủy sản gần bờ do khai thác quá mức.

Ngư dân Lê Văn Tuấn (xã Cẩm Lộc, Cẩm Xuyên) cho biết: “Ưu thế nổi bật của lồng bẫy cải tiến là sử dụng các loại lưới có độ hở phù hợp giúp việc khai thác ghẹ, ốc hương có chọn lọc, loại bỏ các con non, nhỏ và đặc biệt là không gây hại đến nguồn lợi thủy sản ven bờ".

Xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) có trên 130 hộ tham gia sản xuất trên biển với nghề bóng ghẹ.

Được biết, xã Cẩm Lộc là một trong những địa phương có nghề bóng ghẹ phát triển mạnh nhất tỉnh. Toàn xã có khoảng 50 tàu có công suất lớn từ 90 CV trở lên làm nghề, thường tập trung đánh bắt cách bờ từ 15 - 20 hải lý.

Với thời tiết ổn định, nghề này có thể đạt sản lượng từ 20 - 25 tấn/tàu/năm, đạt doanh thu từ 1,8 - 2 tỷ đồng/tàu/năm. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 120 tàu chuyển đổi sang làm nghề bóng ghẹ, đem lại cuộc sống ổn định cho ngư dân.

Ghẹ được đánh bắt lên còn tươi mang lại giá trị kinh tế cao.

Theo ông Nguyễn Tông Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh, cơ cấu nghề khai thác thủy sản tại Hà Tĩnh đang chuyển dịch theo hướng phát triển các loại nghề có tính chọn lọc cao, ít gây hại đến ngư trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Việc đầu tư nâng cấp, đóng mới tàu có công suất lớn để vươn khơi nhằm giảm mật độ tàu, thuyền đánh bắt tại cùng một ngư trường được quan tâm. Trong đó, nghề bóng mực kết hợp câu khơi, nghề bóng ghẹ đã cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi nghề, cơ cấu lại phương tiện khai thác cũng phải có lộ trình và bước đi hợp lý để người dân hiểu và quan tâm đầu tư trang thiết bị, bắt nhịp, làm quen với các nghề mới.

Hà Tĩnh cũng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để tiến tới ngăn chặn và chấm dứt tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói