Vượt quỹ do chi đa tuyến
Từ khi thông tuyến BHYT, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lộc Hà gặp rất nhiều khó khăn. Giám đốc Bệnh viện Dương Hùng Anh chia sẻ: “Sau khi thông tuyến, hàng loạt bệnh viện ở Nghệ An đang từ hạng II đồng loạt hạ xuống hạng III để thu hút bệnh nhân từ Hà Tĩnh. Bệnh nhân Lộc Hà ra khám, chữa bệnh tại Vinh rất nhiều. Bệnh viện không quản lý được bệnh nhân trong khi mọi chi phí khám, chữa bệnh bệnh viện đều phải thanh toán.
Thông tuyến BHYT tuyến xã, huyện, người có thẻ BHYT được lợi nhưng các cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu đang lao đao trước thực trạng không quản lý được bệnh nhân và vượt quỹ BHYT do phải thanh toán chi phí cho đa tuyến.
Một bất cập nữa đó là trần bệnh viện hạng III ở Nghệ An so với bệnh viện cùng hạng ở Hà Tĩnh rất chênh lệch. Ví dụ như, trần ở BVĐK Lộc Hà, tối đa được 300 ngàn đồng/đơn khám ngoại trú, cao hơn là bị bảo hiểm “tuýt còi”, còn ở Bệnh viện Cửa Đông (Nghệ An) có trần là 500 ngàn đồng/đơn khám ngoại trú. Năm 2015, BVĐK Lộc Hà vượt quỹ hơn 4 tỷ đồng nhưng năm 2016 vượt quỹ gần gấp đôi, trong đó, chủ yếu chi cho đa tuyến”.
Cùng quan điểm trên, Giám đốc BVĐK Nghi Xuân Hà Thanh Sơn cho biết: “Tại BVĐK Nghi Xuân, một đợt điều trị nội trú trung bình 1,9 triệu đồng, trong khi tại các bệnh viện cùng hạng ở Nghệ An từ 3-4 triệu đồng. Sau khi thông tuyến thì bệnh nhân ở Nghi Xuân ra Nghệ An rất nhiều. Riêng sinh đẻ, năm 2016 có trên 50% sản phụ có thẻ BHYT tại huyện sinh tại Bệnh viện Sản Nhi và Bệnh viện TP Vinh (Nghệ An). Trước đây, khi chưa thông tuyến, bình quân mỗi quý, bệnh viện chuyển ra cho các bệnh viện ở tỉnh Nghệ An khoảng 5 tỷ đồng, nhưng sau thông tuyến, con số đó là 10-15 tỷ đồng.
Số tiền vượt quỹ do chi cho đa tuyến đang gia tăng chóng mặt ở các cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Tại BVĐK huyện Thạch Hà, năm 2014, bệnh viện dư quỹ 450 triệu đồng; năm 2015, vượt quỹ gần 1 tỷ đồng; nhưng đến năm 2016, chỉ tính riêng quý II, bệnh viện đã chi khám, chữa bệnh hết 20 tỷ đồng/tổng quỹ được khoán 14 tỷ đồng, vượt 6 tỷ đồng; quý III, vượt đến 9 tỷ đồng.
Theo báo cáo của liên ngành y tế - BHXH Hà Tĩnh, tổng quỹ khám, chữa bệnh BHYT năm 2016 là 768 tỷ đồng/năm, trong đó, chi cho đa tuyến đi ngoại tỉnh gần 350 tỷ đồng; cân đối quỹ khám, chữa bệnh BHYT vượt khoảng 250 tỷ đồng, chiếm trên 30%.
Bệnh viện lo bác sỹ bỏ việc
Giám đốc BVĐK Thạch Hà Lê Văn Bình chia sẻ: “Cơ chế khoán quỹ và việc áp dụng mức giá trần hiện nay hoàn toàn không còn phù hợp, gây khó khăn cho các cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu và ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh. Đặc biệt, bệnh viện đang thực hiện lộ trình tự chủ, nếu cơ chế này không được khắc phục thì khó khăn sẽ chồng chất. Đơn cử, với số tiền vượt quỹ năm 2016, BHXH mới cho bệnh viện tạm ứng 60%.
Quý I/2017, bệnh viện ước tính chi khám, chữa bệnh với số tiền 7 tỷ đồng, nhưng BHXH mới cho tạm ứng 4,5 tỷ dồng. Với số tiền tạm ứng này, bệnh viện mới chỉ đáp ứng được tiền mua thuốc, vật tư tiêu hao chứ chưa có tiền lương của cán bộ, công nhân và các khoản khác. Để đảm bảo công bằng cho người dân khám, chữa bệnh BHYT cũng như các cơ sở khám, chữa bệnh, chúng tôi đề nghị bỏ khoán quỹ định suất và áp dụng giá trần ngang nhau giữa các bệnh viện cùng hạng”…
Cơ chế, chính sách không còn phù hợp nên nếu kéo dài tất yếu sẽ gây nên những hệ lụy. Giám đốc BVĐK Cẩm Xuyên Phan Thanh Minh bày tỏ lo ngại: “Với cơ chế khoán quỹ và quy định trần hiện nay, đặt trong bối cảnh cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có của bệnh viện trên lộ trình thực hiện tự chủ thì chúng tôi thật sự lo ngại. Nếu không được khắc phục sớm, môi trường làm việc tại các bệnh viện tuyến huyện sẽ rơi vào thực trạng: Lương thấp, không có thu nhập tăng thêm và hạn chế phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao… Bệnh viện sẽ khó trong việc giữ chân bác sỹ”.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tuấn cũng thừa nhận, cơ chế khoán quỹ theo phương thức định suất cho các cơ sở y tế đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu không còn phù hợp và gây khó khăn về kinh phí hoạt động cho các đơn vị. Hơn nữa, khi ngành y tế thực hiện kết cấu lương và phụ cấp theo lương vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh thì việc chậm chuyển kinh phí vượt quỹ, vượt trần sẽ đồng nghĩa với việc các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT không có nguồn chi trả lương và phụ cấp theo lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của đơn vị.
Để giải quyết những bất cập này, Sở Y tế đã làm văn bản gửi Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đề nghị bỏ khoán quỹ đối với các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu cho phù hợp với thực tiễn và đề nghị BHXH Việt Nam kịp thời bổ sung quỹ khám, chữa bệnh cho BHXH các địa phương; thanh toán kịp thời số vượt trần, vượt quỹ, đảm bảo nguồn tài chính hoạt động cho các bệnh viện.