“Rớt” giá thê thảm
Chủ trang trại Nguyễn Khánh Toàn (Thượng Bồng, xã Đức Bồng, Vũ Quang) phàn nàn: “Khí hậu năm nay thất thường, mưa nhiều, rét đậm, cam chín muộn, đặc biệt là do sương muối nên bị thối hàng loạt. Một số người phải vội vàng bán tống bán tháo mong vớt vát được chút nào hay chút nấy”. Cũng có ý kiến cho rằng, mấy năm gần đây, cam bù không chỉ được trồng ở Hương Sơn mà còn được nhân rộng, phát triển đến cả Vũ Quang, Hương Khê, Đức Thọ, Can Lộc, nâng tổng diện tích cam bù lên khoảng 1.800 ha. Do đó, nguồn cung tương đối dồi dào, trong khi cầu thì có hạn.
Cam bù bán đầy chợ Phố Châu (Hương Sơn) nhưng vắng khách mua (Ảnh: Phan Thế Cải)
“Trước đây, giá cam đắt trên trời, không mấy người nông dân được ăn. Nhưng bây giờ, giá cam như thế này, chúng tôi mua ăn thoải mái. Giá này phù hợp với túi tiền dân nghèo như chúng tôi” - chị Hồ Thị H. (Sơn Trung) cho biết.
Hương Sơn là huyện có truyền thống trồng cam bù. Theo ông Lê Quang Hồ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, mỗi năm, diện tích trồng cam bù trên đất Hương Sơn tăng 150 ha. Đến nay, có khoảng 750 ha cam bù/1.600 ha cam các loại, trong đó, khoảng 450 ha cho thu nhập. Cam bù được trồng nhiều nhất ở vườn đồi 2 xã Sơn Trường, Sơn Mai. Có khoảng 50 trang trại cho thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên, trong đó, trang trại của anh Linh (Sơn Mai) cho thu nhập gần 3 tỷ đồng/năm.
Diện tích cam bù phát triển, trong khi đó, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng. Cam bù chỉ tiêu thụ trong phạm vi nội địa, gần như chưa vượt ra khỏi thành phố Vinh và Hà Tĩnh.
“Cam bù chín đỏ vào dịp tết, mọng nước, ngọt, bổ dưỡng. Trên bàn thờ gia tiên của người dân Xứ Nghệ ngày tết thường có cam bù. Nhưng loại quả này cũng chỉ quanh quẩn ở các chợ, chưa đến được với các thị trường lớn trong nước và quốc tế. Người dân chỉ biết loay hoay sản xuất, chưa có bài tính đầu ra cho sản phẩm nên khó khăn là tất yếu” - ông Trần Hậu Lộc (Sơn Trung) trao đổi.
Bài toán đầu ra
Theo ông Nguyễn Quang Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, giải bài toán đầu ra không chỉ cho cam bù mà cho tất cả sản phẩm nông nghiệp hiện nay đang đặt ra nhiều trăn trở, băn khoăn cho cấp ủy đảng, chính quyền. Cùng với xây dựng nông thôn mới, huyện đã tham gia cùng với chuyên môn khảo sát, quy hoạch phát triển cây cam bù, hỗ trợ cây giống (trong 3 năm 2014, 2015, 2016), tiến hành đăng ký nhãn hiệu cam bù tại Cục Sở hữu trí tuệ và đã được cấp nhãn mác năm 2014.
Cần quy hoạch hợp lý, tìm đầu ra cho sản phẩm để cam bù đem lại hiệu quả kinh tế cao
Để cam bù vào được thị trường tiêu thụ của cả nước, không có con đường nào khác phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. “Hiện tại, Phòng NN&PTNT khuyến cáo bà con nông dân, chủ trang trại sản xuất sản phẩm cam bù theo hướng này. Để đạt được tiêu chuẩn VietGAP còn nhiều công việc phải làm từ nguồn giống, phân bón, thuốc trừ sâu cũng như bảo quản sản phẩm. Nghĩa là phải hình thành trong nhân dân một quy trình sản xuất sạch” - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn Lê Quang Hồ cho hay.
Ngoài ra, cần thành lập hội những người trồng cam bù để trao đổi kinh nghiệm không chỉ trong sản xuất mà cả trong tiêu thụ sản phẩm. Khi chưa tìm được thị trường bên ngoài thì phải ổn định thị trường nội địa. Ông Trần Văn Hải (Sơn Kim 1) nói: “Hiện nay, các địa phương có nhiều HTX cần có sự liên kết với nhà sản xuất để giới thiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm...”.
Đã gần hết tháng Giêng, cây cam bù đã đến kỳ nẩy lộc, ra hoa vụ mới, nhưng lượng quả mới tiêu thụ hơn nửa. Những chủ trang trại trồng cam bù đang rất lo lắng.