>> Dừng triển khai đại trà mô hình trường học mới trên địa bàn Hà Tĩnh
>> Quyết định hợp lòng dân của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh kết luận tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT ngày 18/7/2016
Thông báo nêu rõ, sau khi nghe Giám đốc Sở GD&ĐT báo cáo công tác chuẩn bị triển khai năm học mới 2016 - 2017; báo cáo tình hình kết quả triển khai thực hiện mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN); báo cáo tình hình tổ chức dạy học buổi 2 đối với học sinh tiểu học; ý kiến phát biểu của các đại biểu dự làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận: Những năm qua, KT-XH tỉnh nhà giành được kết quả khá toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, lĩnh vực giáo dục và đào tạo luôn đứng tốp đầu trong cả nước. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp tích cực của toàn ngành GD&ĐT, tập thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GD&ĐT còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc thực hiện triển khai mô hình trường học mới (VNEN) - trong lúc Sở GD&ĐT chưa tổng kết, đánh giá đầy đủ mô hình thí điểm VNEN (từ năm học 2012 - 2013 đến nay đã triển khai thí điểm tại 129 trường Tiểu học và 32 trường THCS), chưa báo cáo xin chủ trương của tỉnh - nhưng đã có Văn bản số 427/SGDĐT-GDTrH ngày 4/4/2016 và Văn bản số 457/SGDĐT-GDTH ngày 8/4/2016 chỉ đạo triển khai đại trà cấp tiểu học và THCS trong năm 2016 - 2017 là chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và các quy định của Bộ GD&ĐT và thiếu thận trọng, chưa khoa học, gây ra nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận nhân dân.
Giảng dạy theo mô hình VNEN tập trung vào việc quan sát, hướng dẫn, hỗ trợ thúc đẩy quá trình học tập của học sinh.
Chưa tham mưu và quản lý tốt các trường trong việc thu các khoản ngoài quy định, việc tổ chức học buổi 2; việc tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, giáo viên hiểu sâu và thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh chưa tốt; một số ít giáo viên tham gia các nội dung trên mạng xã hội thiếu chọn lọc, dễ bị xuyên tạc, kích động, không có lợi cho sự ổn định tình hình chung của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở GD&ĐT nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục các khuyết điểm, hạn chế và tập trung thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đặc biệt chú trọng giáo dục toàn diện; coi trọng công tác giáo dục đạo đức, cho học sinh; ưu tiên chăm lo phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, miền núi; xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên có phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Phối hợp với các cấp, các ngành, nhất là UBMTTQ tỉnh, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ giáo viên của ngành, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, hiểu rõ chủ trương, chính sách của tỉnh, thực hiện tốt Nghị Quyết 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Dừng áp dụng đại trà trong toàn tỉnh mô hình trường học mới (VNEN), tuyệt đối không nhân rộng ra ở những lớp khác, trường khác khi chưa đánh giá được kết quả thí điểm và chưa được UBND tỉnh cho phép; tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) ở những trường, những lớp đã triển khai trong năm học 2015 - 2016. Giao Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá kết quả về mô hình trường học mới (VNEN) để có cơ sở khoa học xem xét, quyết định việc áp dụng nhân rộng hay dừng không thực hiện mô hình này; hoàn thành trước tháng 5/2017. Yêu cầu Sở GD&ĐT tổ chức kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai đại trà trong toàn tỉnh mô hình trường học mới (VNEN).
Đồng ý chủ trương như đề xuất của Sở GD&ĐT về tiếp tục tổ chức dạy học buổi 2 đối với học sinh tiểu học nhưng đảm bảo không tăng biên chế, không thu tiền học thêm của phụ huynh học sinh (chỉ thu các khoản đóng góp theo quy chế dân chủ cơ sở và quy định hiện hành). Hỗ trợ kinh phí dạy thêm giờ cho giáo viên và tài liệu cho học sinh vùng khó khăn. Giao GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Sở: Nội vụ, Tài chính tính toán thống nhất và xây dựng phương án cụ thể, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định trong tháng 8/2016.
Đầu năm học 2016-2017, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức kiểm tra, rà soát các khoản thu, đóng góp trong các trường học đảm bảo đúng pháp luật; nghiêm cấm việc thu trái quy định. Tổ chức rà soát, đánh giá kết quả, hiệu quả Đề án sáp nhập trường, lớp trên địa bàn toàn tỉnh, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/8/2016.
Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, đồng thời hướng dẫn, kiểm tra các huyện, thành phố, thị xã trong việc tuyển sinh các bậc học, cấp học đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, công khai, minh bạch, công bằng, chính xác, không gây phiền hà cho phụ huynh, học sinh...