31 năm công tác trong ngành xây dựng, nay đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng ông Lê Đình Hạnh (công nhân Công ty CP Xây dựng 474) vẫn không thể giải quyết chế độ vì không được công ty đóng BHXH đầy đủ. Đầu năm 2017, ông bị tai nạn phải vào viện điều trị nhưng cũng không được thanh toán bảo hiểm bởi không có thẻ BHYT.
Ông Lê Đình Hạnh đến thời điểm nghỉ hưu nhưng vẫn không được giải quyết để hưởng chế độ do công ty không đóng nộp bảo hiểm đầy đủ.
Hiện nay, không ít người lao động rơi vào tình cảnh như ông Hạnh bởi tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm của các DN diễn ra khá phổ biến. Tổng số tiền nợ đóng BHXH, BHYT của các DN trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay đã lên đến con số hơn 70 tỉ đồng, trong đó, không ít DN nợ kéo dài nhiều năm với số tiền lớn mặc dù vẫn đang tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Để bảo vệ quyền lợi người lao động, từ đầu năm đến nay, LĐLĐ tỉnh đã 2 lần khởi kiện DN chây ỳ, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động. Tuy nhiên, hồ sơ của LĐLĐ tỉnh khi gửi sang đều bị tòa án từ chối thụ lý”.
Trao đổi về vấn đề này, bà Phan Thị Nguyệt Thu - Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Tĩnh giải thích: “Theo quy định của Luật BHXH, Luật Tố tụng dân sự thì tổ chức công đoàn có quyền đại diện cho người lao động khởi kiện DN không thực hiện đầy đủ trách nhiệm với người lao động. Tuy nhiên, việc khởi kiện này phải được người lao động ủy quyền. Những hồ sơ mà LĐLĐ tỉnh gửi sang đều không đáp ứng được điều kiện này nên chúng tôi không thể thụ lý được”.
Với điều kiện như vậy, sẽ không dễ dàng để công đoàn có thể thực hiện được vai trò đại diện đứng ra khởi kiện, bởi hầu hết người lao động rất e ngại khi phải đối mặt với vấn đề này. Việc làm, tiền lương, thu nhập của người lao động phụ thuộc hoàn toàn vào chủ DN, nếu phải đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền khởi kiện thì sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến công việc.
Nhiều công nhân Công ty CP 474 không được đóng BHXH trong thời gian dài
Một khó khăn nữa là công đoàn khởi kiện phải theo quy trình của tranh chấp lao động tập thể. Theo đó, để khởi kiện thì công đoàn cơ sở phải đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên, nhưng thực tế là công đoàn cơ sở không dám khởi kiện chủ sử dụng lao động và cũng ngại ủy quyền cho công đoàn cấp trên bởi những lý do nhạy cảm trong mối quan hệ với chủ DN.
Ngay cả khi vượt qua được thủ tục ủy quyền khởi kiện thì trình tự tiến hành cũng khá phức tạp. Hai bên phải qua bước giải quyết tranh chấp lao động tập thể (hòa giải); sau khi có sự tham gia của các cấp, ngành liên quan mà vẫn không đạt được thỏa thuận mới tiến hành tố tụng.
Từ những khó khăn trên đặt ra cho tổ chức công đoàn nhiệm vụ phải tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động cho người lao động; nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ công đoàn. Đồng thời, các cơ quan, ban ngành liên quan tăng cường các biện pháp phối hợp, hoàn thiện thủ tục để thống nhất trình tự khởi kiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong những trường hợp diễn ra tranh chấp quan hệ lao động.