Làm sao để dự phòng, điều trị các bệnh về hen?

(Baohatinh.vn) - Mỗi năm, các cơ sở y tế Hà Tĩnh tiếp nhận trên 4.000 bệnh nhân mắc các bệnh về hen, trong số đó, nhiều trường hợp trở nặng do chủ quan với bệnh.

Bệnh hen (hen suyễn hoặc hen phế quản), là một bệnh lý hô hấp thường kéo dài và khó điều trị dứt điểm, làm ảnh hưởng không nhỏ tới chức năng hô hấp.

Bệnh nhân T.Q.L (44 tuổi, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc) vào BVĐK tỉnh trong tình trạng ho nhiều, khó thở. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán, anh bị hen phế quản cấp. Ngay sau khi nhập viện cấp cứu, người bệnh được cho thở oxy, phun khí dung thuốc giãn đường thở, tiêm thuốc corticoid.

Anh T.Q.L cho biết: "Trước đây, tôi phát hiện bị hen phế quản và đã điều trị ổn định tại trung tâm y tế huyện. Tuy nhiên, do chủ quan, thấy sức khỏe ổn định, tôi tự ý ngưng thuốc theo đơn của bác sỹ nên mới xẩy ra tình trạng này".

hen phe quanA.jpg
Bác sỹ tư vấn phác đồ điều trị bệnh hen cho một bệnh nhân.

Bị ho kéo dài nhiều ngày kèm theo tức ngực nên bà P.M.H. (53 tuổi, phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) đã đến Trung tâm Y tế TP Hà Tĩnh thực hiện chụp XQ phổi. Qua phim chụp và các xét nghiệm lâm sàng, bác sỹ chẩn đoán bà H. bị hen phế quản, được chỉ định nhập viện điều trị nội trú theo phác đồ.

Bà H. chia sẻ: “Lâu nay, cứ mỗi lần xuất hiện ho, tôi thường tự mua thuốc về uống, sau vài ngày thì khỏi. Tuy nhiên lần này, ho nhiều kèm theo hơi tức ngực, uống thuốc cũng không thuyên giảm nên tôi đã đến bệnh viện để khám và phát hiện mình bị hen phế quản”.

Theo thống kê, mỗi năm các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh tiếp nhận trên 4.000 lượt bệnh nhân mắc các bệnh về hen như: hen phế quản, hen suyễn vào cấp cứu, điều trị. Trong số đó, rất nhiều bệnh nhân đã trở nặng do không sử dụng thuốc đúng, đủ liều, lao động mệt nhọc và có tâm lý chủ quan với bệnh.

Bệnh hen là bệnh lý viêm mãn tính của niêm mạc phế quản lót trong lòng ống phế quản và kèm tăng tiết dịch thuộc hệ hô hấp, trong đó, có sự tham gia của nhiều tế bào và các thành phần chuyển hóa tế bào chết phóng thích. Quá trình viêm này gây co thắt phế quản làm người bệnh khó thở, ngạt thở, lồng ngực căng phồng ứ khí, xuất hiện phản ứng viêm quá mức ở cuống phổi, gia tăng sự tạo đờm và gây tắc nghẽn đường thở từng cơn do co thắt phế quản. Bệnh hen phế quản thường xảy ra vào ban đêm hoặc sáng sớm như: xuất hiện những cơn khó thở, thở nhanh, thở rít; ngực bị co ép, lõm khoảng liên sườn, tức ngực và ho. Do giữa các cơn hen, người bệnh cảm thấy bình thường nên nhiều khi bỏ qua, không quan tâm tới bệnh.

hen phe quan 2A.jpg
Một bệnh nhân bị hen phế quản được thăm khám, theo dõi.

Bệnh hen dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp, xẹp phổi, nhiễm khuẩn phế quản, giãn phế nang đa tiểu thùy, tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi. Bệnh gây khó thở mỗi khi gắng sức, tím tái và ngưng hô hấp, có thể tổn thương não trong các trường hợp hen nặng.

Bác sỹ Nguyễn Bá Trọng - Trưởng khoa Khám bệnh (BVĐK tỉnh) cho biết: "Nguồn gốc sinh ra bệnh hen là mối tương tác giữa di truyền và môi trường sống. Nếu một đứa bé sinh ra có bố hoặc mẹ bị hen suyễn, hen phế quản thì nguy cơ bị hen rất lớn. Ngoài ra, người sống trong môi trường quá ô nhiễm, hít phải các chất độc hại, các hạt bụi mịn, môi trường có nhiều hóa chất, khói thuốc lá, dùng kháng sinh hoặc kháng viêm quá sớm trong những năm đầu đời cũng là những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh hen”.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, triệu chứng ho của bệnh hen suyễn, hen phế quản rất dễ nhầm lẫn với bệnh lao. Do đó, để chẩn đoán chính xác, người bệnh cần phải chụp lao phổi để loại trừ bệnh lý này.

hen phe quan 3A.jpg
Bác sỹ Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đọc phim XQ phổi để phát hiện sớm các tổn thương do các bệnh về hô hấp.

Yếu tố dễ dẫn đến cơn suyễn, hen phế quản cấp là do thay đổi thời tiết. Ngoài ra, việc dùng nước hoa, nước xả vải hoặc các chất tạo ra mùi thơm cũng là tác nhân gây gia tăng số cơn hen suyễn cấp của người bệnh; việc nuôi thú cưng như mèo, chó cũng là một nguy cơ cho người bệnh hen suyễn khi dễ hít phải lông của chúng. Vì thế, đối với người bị bệnh hen, việc điều trị dự phòng là điều hết sức quan trọng.

Mục tiêu của điều trị dự phòng hen phế quản là giúp bệnh nhân không còn cơn hen phế quản, giảm gánh nặng cho người bệnh và giảm được đợt điều trị. Người bệnh cần kiểm soát liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ định điều trị và điều trị dự phòng từ bác sỹ chuyên khoa.

Mỗi người bệnh mỗi triệu chứng, yếu tố nguy cơ khác nhau sẽ được chỉ định toa thuốc khác nhau. Do đó, người bệnh không nên dùng thuốc của người khác để điều trị cho bản thân. Việc sử dụng thuốc chiếm 50% tỷ lệ thành công trong việc kiểm soát bệnh, 50% còn lại phụ thuộc vào việc người bệnh và người nhà người bệnh chú ý phòng ngừa các yếu tố nguy cơ.

Bác sỹ Nguyễn Bá Trọng – Trưởng khoa Khám bệnh (BVĐK tỉnh)

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.