Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (bên trái). |
Đây là lần đầu tiên các bác sĩ Việt Nam thực hiện được kĩ thuật rất khó, vô cùng phức tạp và nhiều rủi ro này.
Việc tách và ghép gan từ người chết não cho các bệnh nhân có nhu cầu ghép được thực hiện suốt hơn 12 tiếng đồng hồ vào ngày 9/3 vừa qua.
Lá gan của nam thanh niên 30 tuổi, chết não do chấn thương sọ não, đã được tách làm 2 phần: 250g và 900g. Phần lớn hơn được ghép cho bệnh nhân nam 49 tuổi bị ung thư gan trên nền gan xơ. Phần còn lại được ghép cho bệnh nhi 8 tuổi bị xơ gan, suy gan, hôn mê gan do mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh và rối loạn chuyển hoá đồng.
“Chúng tôi phải chia trong 3 tiếng đồng hồ mới xong 2 phần gan, phải tỉ mỉ để mỗi phần đều có động mạch gan, tĩnh mạch cửa và đường mật. Việc ghép gan cho người lớn thì không vấn đề gì, nhưng với bệnh nhi thì rất phức tạp vì cháu bị rối loạn đông máu, đã từng mổ một lần, bụng rất dính. Bệnh nhân còn bé nên xảy ra sự bất tương xứng giữa mạch máu gan của người cho và cháu bé”- PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức cho biết.
Nhờ sử dụng phương pháp vi phẫu và huy động 3 kíp phẫu thuật của 6 chuyên khoa, Bệnh viện Việt Đức đã thành công trong việc tách và ghép gan. Tiến sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan Mật, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thành công của kĩ thuật chia gan để ghép sẽ mở ra cơ hội sống cho rất nhiều bệnh nhi có nhu cầu ghép gan.
“Tách gan để ghép đã mở thêm cơ hội sống cho bệnh nhi teo đường mật bẩm sinh. Phương pháp này tiết kiệm được nguồn tạng của người cho chết não. Đặc biệt giảm rủi ro cho người còn sống hiến gan. Lá gan của một người mất đi mang lại sự sống cho 2 người khác. Thay vì 2 người trong gia đình phaie lên bàn mổ để cho gan, ghép gan thì giờ chỉ còn một do được nhận gan từ người cho chết não”- TS Nguyễn Phạm Anh Hoa cho biết.
Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, từ nguồn tạng của nam thanh niên chết não, Bệnh viện còn tiến hành ghép tim, ghép thận cho 3 bệnh nhân khác. Ngoài ra còn lấy các đoạn mạch máu gửi vào Ngân hàng mô bảo quản để sau này ghép cho các bệnh nhân khác. Đến nay, tất cả các bệnh nhân được ghép tạng đều hồi phục, trong đó 2 bệnh nhân ghép gan đã tự thở, tỉnh táo và các chức năng của gan mới đã hoạt động tốt./.