Lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong mùa Phật đản

(Baohatinh.vn) - Tư tưởng từ bi, bác ái của Phật giáo đã được lan tỏa mạnh mẽ trong mùa Phật đản, giúp tăng ni, phật tử, người dân Hà Tĩnh khơi dậy những giá trị tốt đẹp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày Phật đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (Phật đản, Vu lan, Thành đạo). Lễ chính của mùa Phật đản được tổ chức vào ngày 15/4 âm lịch nhằm kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Vào dịp lễ này, phật tử thường vinh danh tam bảo: Phật, pháp, tăng qua các hình thức như: dâng cúng, tặng hoa, nghe thuyết giảng, thực hành ăn chay và giữ ngũ giới, làm việc từ thiện…

Tại Hà Tĩnh, đại lễ Phật đản được các chùa, cơ sở thờ tự Phật pháp tổ chức từ mồng 1 đến 15/4 âm lịch. Đây là dịp để phật tử thể hiện lòng biết ơn và sự kính trọng với Đức Phật và nhắc nhở nhau phát huy truyền thống “hộ quốc, an dân”, lan tỏa tinh thần từ bi, cùng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Năm nay, đại lễ Phật đản cấp tỉnh được tổ chức ở chùa Phúc Linh (xã Thạch Đài, Thạch Hà) và chùa Phong Phạn (thị trấn Xuân An, Nghi Xuân). Tại đại lễ tổ chức ở chùa Phúc Linh vào ngày 12/5 (5/4 âm lịch) vừa qua, các đại biểu, tăng ni, phật tử đã nghe thông tin về cuộc đời Đức Phật, thông điệp và diễn văn Phật đản Phật lịch 2568 - dương lịch 2024 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các đại biểu cùng tăng ni, phật tử cũng tham gia các nghi lễ Phật đản truyền thống, dâng hoa cúng dường, dâng hương, tụng kinh cầu nguyện cho quốc thái dân an và cử hành nghi lễ tắm Phật...

bqbht_br_khong-co-tieu-de-4214.jpg
Phật tử chùa Phúc Linh thực hiện nghi lễ dâng hoa cúng dường.

Đại đức Thích Chúc Giác - Trưởng ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh, Trụ trì chùa Phúc Linh cho biết: “Vào mỗi dịp lễ Phật đản, phật tử về chùa với tâm thế hân hoan đón mừng đại lễ bằng tất cả tấm lòng hướng thiện. Dịp lễ năm nay, nhiều hoạt động ý nghĩa như: dâng hoa cúng dường, dâng hương, tụng kinh cầu nguyện cho quốc thái dân an và nghi lễ tắm Phật được các đại biểu cùng tăng ni, phật tử tham gia. Trước đó, các phật tử đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa lan tỏa tình yêu thương, nhân ái, lòng từ bi hướng đến người nghèo trên địa bàn xã Thạch Đài”.

Tham gia chương trình đại lễ Phật đản, bà Nguyễn Thị Bình (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà) cho biết: “Đại lễ Phật đản là dịp để nhắc nhớ phật tử luôn hướng tới lối sống hành thiện, vì thế, tôi luôn sống tích cực, lạc quan và quan tâm đến cộng đồng cũng như thể hiện trách nhiệm với xã hội khi thực hành những lời Phật dạy”.

z5437398711452_9db90e6eee17d81a25012fcbafb88805.jpg
Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - dương lịch 2024 tại chùa Phúc Linh thu hút đông đảo Phật tử tham gia.

Cùng với chùa Phúc Linh, đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - dương lịch 2024 đang được nhiều cơ sở thờ tự Phật giáo trên toàn tỉnh tổ chức trang trọng. Tại chùa Quả (thị trấn Đức Thọ), đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - dương lịch 2024 được tổ chức vào sáng ngày 12/5 (5/4 âm lịch). Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu cùng tăng ni, phật tử đã được nghe thông điệp Phật đản Phật lịch 2568 - dương lịch 2024 của Đức pháp chủ Giáo Hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi mọi người cầu nguyện cho chiến tranh chấm dứt, hận thù tiêu tan. Đồng thời khẳng định Giáo Hội Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành trong tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước.

231.jpg
232.jpg
Các nghi lễ tại đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - dương lịch 2024 ở chùa Quả được thực hiện trang nghiêm.

Ngoài chùa Quả, 17 ngôi chùa khác trên toàn huyện Đức Thọ sẽ lần lượt tổ chức lễ Phật đản. Ngoài ra, các chùa còn tổ chức nhiều hoạt động như: dâng vòng hoa tri ân các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ huyện. Thăm hỏi, động viên các gia đình phật tử có hoàn cảnh khó khăn, khám bệnh và tặng quà cho 200 phật tử khó khăn trên toàn huyện...

Đại đức Thích Nghiêm Thuận - Trưởng ban Truyền thông Phật giáo tỉnh, Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Đức Thọ cho biết: “Dịp lễ Phật đản, các hoạt động san sẻ yêu thương cho những hoàn cảnh khó khăn được đông đảo người dân, phật tử trên địa bàn huyện hưởng ứng, tham gia nhiệt tình, góp phần lan tỏa triết lý và tinh thần cao quý của Đức Phật là từ bi hỉ xả, thực hiện những việc làm “tốt đời, đẹp đạo” phù hợp với truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam”.

z5445113003232_8787ce5f4e7beca373f00f079072e011.jpg
Chương trình khám bệnh và tặng quà cho 200 Phật tử khó khăn trên địa bàn huyện Đức Thọ vào đầu tháng 5/2024.

Toàn tỉnh hiện có 130 ngôi chùa lớn, nhỏ. Vào dịp lễ Phật đản, các tăng ni, phật tử trên toàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động như: dâng hương, cầu nguyện, ăn chay niệm Phật, làm thiện nguyện, phóng sinh, đến chùa nghe thuyết giảng. Đây cũng là dịp để các phật tử thấu hiểu thêm về ngày phật đản, từ đó, hướng tới lối sống hành thiện, biết yêu thương, chia sẻ cùng mọi người, dạy con cháu điều hay, lễ phải, sống có ích…

DSC04010.jpg
DSC04081.jpg
Các phật tử thực hiện nghi lễ tắm Phật và thả đèn hoa đăng tại chùa Tượng Sơn (xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn).

Vào dịp lễ này, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở cũng tạo điều kiện để các ban trị sự và các chùa tổ chức đại lễ theo nghi thức Phật giáo đúng chính pháp, đồng thời, tổ chức các hoạt động chúc mừng, góp phần tạo sự gắn bó, hòa hợp giữa đạo và đời.

Đại đức Thích Chúc Cường - Chánh Văn phòng Ban Trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết: Thông điệp đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - dương lịch 2024 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi chư tăng ni và quý Phật tử nhất tâm cầu nguyện cho chiến tranh chấm dứt, hận thù tiêu tan. Mỗi người càng tinh tấn tu tập, thể nhập từ bi tam muội, lan tỏa tình yêu thương đến chúng sanh vạn loại, thắp sáng thế gian này bằng ánh sáng từ bi và trí tuệ. Từ thông điệp trên, mỗi tăng ni, phật tử cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng giáo hội vững mạnh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc, nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống, tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.