Thị trường đồ mộc khởi sắc dịp đầu năm đã tiếp thêm động lực để cơ sở đồ gỗ Dương Trị tại làng mộc Thái Yên thêm phấn khởi sản xuất.
Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, tại làng mộc Thái Yên (xã Thanh Bình Thịnh, Đức Thọ), không khí sản xuất đã nhộn nhịp trở lại. Với bà con làng mộc nơi đây, những đơn hàng đầu tiên trong năm không chỉ mang về nguồn thu nhập ổn định mà còn có ý nghĩa “mở hàng” cho một năm buôn may, bán đắt. Do vậy, ngay khi ăn tết xong, bà con đã bắt tay vào sản xuất.
Đang khẩn trương hoàn thiện bộ bàn ghế trị giá 40 triệu đồng để bàn giao cho khách ở TP Vinh (Nghệ An) vào đầu tháng 3 tới, ông Phan Đăng Trị - chủ cơ sở đồ gỗ Dương Trị phấn khởi cho biết: “Từ mùng 6 tết, chúng tôi đã nhận được 5 đơn hàng trị giá hơn 300 triệu đồng. Đây là tín hiệu tích cực về sự khởi đầu hanh thông của năm mới. Hiện, cơ sở đang tập trung nhân lực, nguyên liệu để sớm hoàn thiện sản phẩm. Chúng tôi hy vọng, năm nay, các sản phẩm đồ gỗ của làng mộc Thái Yên sẽ được khách hàng khắp mọi miền đất nước ủng hộ để các cơ sở có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, đầu tư thêm máy móc hiện đại nhằm chế tác ra các sản phẩm gỗ mang tính nghệ thuật cao”.
Những đơn hàng đầu năm được xuất xưởng là động lực để bà con làng mộc Thái Yên vững tin bước vào vụ sản xuất mới.
Từ mùng 6 tết đến nay, xưởng gỗ của ông Nguyễn Minh Phong (làng mộc Thái Yên) luôn rộn ràng tiếng cưa, tiếng đục. Ông Phong chia sẻ: “Không thể để sản xuất đình trệ trong tháng Giêng, từ trong năm chúng tôi đã liên hệ các mối quen để bán sản phẩm. Với cách làm này, chúng tôi đã “chốt” được 2 đơn hàng dịp ra tết với tổng trị giá gần 100 triệu đồng. Đây là động lực để chúng tôi cố gắng hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh”.
Làng mộc Thái Yên hiện có hơn 700 cơ sở sản xuất và kinh doanh với các mặt hàng từ gỗ như: bàn, ghế, giường, tủ, đồ thờ...
Từ những tấm gỗ xẻ thô sơ, người thợ lành nghề ở làng mộc Thái Yên đã say mê “thổi hồn”, chế tác ra những sản phẩm chất lượng như: giường, tủ, bàn ghế... phục vụ khách hàng khắp cả nước.
Ông Đoàn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Thịnh cho biết: “Làng mộc Thái Yên hiện có hơn 700 cơ sở sản xuất và kinh doanh với các mặt hàng chủ yếu như: bàn, ghế, giường, tủ, đồ thờ... Ngay sau dịp nghỉ tết Nguyên đán, các cơ sở, xưởng sản xuất đã nhanh chóng nhập nguyên liệu và bắt tay vào chế tác sản phẩm. Với tình hình sản xuất khởi sắc từ những ngày đầu năm, hy vọng rằng, hoạt động sản xuất của làng nghề sẽ ngày càng phát triển, mang lại thu nhập cao cho người dân”.
Bà Bùi Thị Lê (SN 1962, thôn Thống Nhất, xã Việt Tiến) đang miệt mài làm nón để giao cho khách.
Tại làng nghề nón lá Ba Giang ở thôn Thống Nhất (xã Việt Tiến, Thạch Hà), những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, người dân cũng đã khẩn trương bắt tay vào làm nón, khởi động vụ sản xuất mới trong niềm hy vọng về một năm đắt hàng.
Gắn bó với nghề làm nón từ khi 10 tuổi, đến nay, bà Bùi Thị Lê (SN 1962, thôn Thống Nhất, xã Việt Tiến) đã có hơn 50 năm gắn bó với nghề. Bà Lê chia sẻ: “Với tôi, đây không chỉ là công việc đem lại thu nhập cho gia đình mà còn là nghề mà cha ông để lại, là nét đẹp truyền thống của quê hương. Thế nên, ngay sau tết, tôi đã bắt tay vào công việc may nón phục vụ khách hàng. Trung bình mỗi ngày, nếu làm việc đều tay, tôi và 3 thành viên khác trong gia đình có thể hoàn thiện được 6 sản phẩm, giá bán từ 50 - 70 nghìn đồng/cái. Dù vậy, có lúc cũng không đủ hàng giao khách”.
Mỗi chiếc nón lá Ba Giang hiện được bán với giá từ 50 - 70 nghìn đồng/cái, tuỳ từng loại.
Cũng theo bà Lê, thương hiệu nón lá Ba Giang hiện nay không chỉ bó hẹp ở quê nhà mà còn được đón nhận ở nhiều vùng miền khác, nhờ đó, gia đình bà cũng có thu nhập ổn định từ công việc này. Thời điểm sau tết, không chỉ gia đình bà mà nhiều hộ khác đã bắt tay vào vụ sản xuất mới.
Hiện nay, toàn thôn Thống Nhất có 54 hộ với hơn 130 lao động tham gia sản xuất. Đặc biệt, sau khi được công nhận làng nghề truyền thống vào cuối năm 2021, nghề làm nón đã được đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bình quân hằng năm, người dân ở làng nghề có thể sản xuất khoảng 70.000 sản phẩm, mang lại doanh thu gần 3 tỷ đồng cho bà con địa phương.
Không chỉ làng mộc Thái Yên, làng nghề nón lá Ba Giang, thời điểm này, hầu hết các làng nghề ở Hà Tĩnh đã khởi động vụ sản xuất mới. Hy vọng rằng, người dân các làng nghề sẽ có một năm sản xuất, kinh doanh thắng lợi.