Làng Văn hóa Trường Lưu và hệ thống di sản đặc sắc

(Baohatinh.vn) - Làng Trường Lưu ở xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) có nhiều di sản văn hóa vừa phong phú, vừa đa dạng và mang tầm quốc tế.

Làng Trường Lưu bao gồm 4 thôn: Đông Thạc, Phúc Trường, Phượng Sơn và Tân Tiến của xã Kim Song Trường. Làng có diện tích 362,4 ha, 574 hộ, gồm 1.644 nhân khẩu thuộc 23 chi họ Nguyễn Huy và 13 họ khác...

Tên gọi Trường Lưu có từ đâu?

Giữa thế kỷ XV, cụ Nguyễn Uyên Hậu từng giữ chức Ngũ kinh bác sĩ ở Quốc Tử Giám đã về vùng này. Nhận thấy 3 làng Kẻ Đò, làng Vạc và làng Tràng ở đồng trũng, dân vất vả quanh năm, mà Phượng Lĩnh cách đó độ dăm trăm mét, cao ráo, bề thế, có cơ phát triển, cụ Uyên Hậu đã đề xuất với dân 3 làng chuyển về đây lập làng.

Làng Văn hóa Trường Lưu và hệ thống di sản đặc sắc

Đình làng Trường Lưu. Ảnh: Huy Tùng

Sau khi nhập với Kẻ Bỉn (thuộc làng Đông Tây) đặt tên là làng Tràng Lưu, có ý ghép 2 chữ Tràng trong Làng Tràng và chữ Lưu trong tên Trần Lưu là quê hương của cụ. Cái tên Tràng Lưu hay đọc là Trường Lưu có từ đó.

Sau quãng 100-150 năm, nhiều vị thủy tổ của các dòng họ như Nguyễn Xuân, Trần Huy, Trần Văn... đã về làng Trường Lưu lập nghiệp. Đến giữa thế kỷ XVIII, dòng họ Nguyễn Huy đã đến thế hệ 11-12, các họ khác cũng đã dăm bảy đời, các vị đã cùng dân làng xây dựng Trường Lưu thành một trung tâm văn hóa lớn ở Việt Nam thời bấy giờ với nhiều di tích, danh thắng như: đình làng, hệ thống chùa, đền, miếu, nhà thờ các dòng họ, Trường Lưu bát cảnh, chèo tuồng, giao lưu văn hóa, sáng tác thơ văn...

Làng Văn hóa Trường Lưu và hệ thống di sản đặc sắc

Nhà thờ Nguyễn Huy Tự. Ảnh: Huy Tùng

Di sản vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú

Mặc dù nhiều miếu, đền, chùa... nay đã thành phế tích, nhưng hệ thống di sản vật thể của làng Trường Lưu hiện tại khá nhiều với 37 nhà thờ các dòng họ cùng chừng 10 ngôi nhà cổ khoảng trăm năm. Nhiều nhà thờ trong số 37 nhà thờ đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, hoặc đang lập hồ sơ để xếp hạng...

Hệ thống di tích đã được xếp hạng ở Trường Lưu bao gồm 4 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (các đền thờ: Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), Nguyễn Huy Cự (1717-1775), Nguyễn Huy Tự (1743-1790) và Nguyễn Huy Hổ (1783-1841); 6 di tích cấp tỉnh là mộ và đền thờ danh nhân (đền thờ Nguyễn Uyên Hậu, mộ Nguyễn Công Ban (1630-1711), mộ Nguyễn Huy Tựu (1690-1750), mộ Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785), đền thờ Nguyễn Huy Vinh và đền thờ Nguyễn Duy).

Làng Văn hóa Trường Lưu và hệ thống di sản đặc sắc

Làng Trường Lưu hiện tại khá nhiều với 37 nhà thờ các dòng họ cùng chừng 10 ngôi nhà cổ khoảng trăm năm. Ảnh tư liệu

Đình làng là di tích kiến trúc, nghệ thuật; nhà bia dẫn tích Bệnh viện Lam Kiều là di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp; hầm Tỉnh ủy còn có tên khác là địa đạo Phượng Sơn là di tích kháng chiến chống Mỹ. Như vậy, hiện làng Trường Lưu có 13 di tích đã xếp hạng. Nhiều hiện vật ở làng Trường Lưu xứng đáng lập hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia như mộc bản, sách cổ, ấn triện, sắc phong...

Di sản phi vật thể ở Trường Lưu từ xưa đã đa dạng về loại hình, tư liệu truyền khẩu, các tín ngưỡng tâm linh và tế lễ, hình thức biểu diễn nghệ thuật dân gian... Các nghi thức lễ hội như lễ Cầu Tiên, Kỳ Phúc, tuồng chèo... ngày nay đã mai một đi rất nhiều, hiện chính quyền xã đang cùng Nhân dân cố gắng khôi phục lại lễ Kỳ Phúc vào 13/6, lễ tế Thần Thư viện...

Điểm nổi bật của di sản phi vật thể Trường Lưu là các hình thức biểu diễn nghệ thuật. Hát phường vải là một trong 4 nội dung quan trọng (Hát phường vải Trường Lưu, hát phường nón Phù Việt, ví giặm Nam Đàn và Thanh Chương) của ví giặm Nghệ Tĩnh, di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Làng Văn hóa Trường Lưu và hệ thống di sản đặc sắc

Ví phường vải Trường Lưu đã khẳng định được chỗ đứng trên sân khấu bằng những giải thưởng (Trong ảnh tư liệu: Tiết mục diễn xướng “Gái phường vải, trai làng rèn”).

Các tác phẩm của dòng văn Trường Lưu, hiện có 16 tác giả văn học với hơn 100 đầu sách, là cái nôi của Hồng Sơn văn phái. “Huấn tử nữ ca”, “Truyện Hoa Tiên”, “Mai Đình mộng ký”... có ảnh hưởng lớn đến Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều.

2 di sản tư liệu thế giới

Làng Trường Lưu gần đây khá nổi tiếng trên thế giới với các di sản tư liệu, thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế. 2 di sản đã được ghi vào danh mục Di sản tư liệu của chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á/Thái Bình Dương là Mộc bản Trường học Phúc Giang và sách cổ Hoàng Hoa sứ trình đồ.

Làng Văn hóa Trường Lưu và hệ thống di sản đặc sắc

Mộc bản trường học Phúc Giang đã được Ủy ban chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi danh vào danh mục Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh tư liệu.

Mộc bản Trường học Phúc Giang là bộ ván khắc dùng để in sách phục vụ cho việc dạy và học, được hình thành trong quá trình hoạt động của dòng họ Nguyễn Huy từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX tại Trường học Phúc Giang ở làng Trường Lưu, góp phần đào tạo hơn 30 vị tiến sĩ và nhiều hương cống, cử nhân...

Hoàng Hoa sứ trình đồ được công nhận là bản sao duy nhất của tập sách với phần bản đồ là chính, ghi chép với nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý hiếm về hành trình đi sứ của sứ thần Đại Việt thế kỷ XVIII do Nguyễn Huy Oánh biên tập, hiệu đính và chú thích trong năm 1765 từ các tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước để làm cẩm nang cho chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ.

Làng Văn hóa Trường Lưu và hệ thống di sản đặc sắc

Hoàng Hoa sứ trình đồ là Di sản tư liệu của Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Năm 2018, HĐND tỉnh ra Nghị quyết số 93-NQ/HĐND ngày 18/7 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản UNESCO: ca trù, ví giặm, Nguyễn Du và Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ, đó là điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Trường Lưu. Ngày 15/10/2020, UBND huyện Can Lộc đã ra Quyết định số 2713/QĐ-UBND về việc thành lập và ngày 18/5/2021, có Quyết định số 1733/QĐ-UBND ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Trường Lưu.

Một trong những công việc mà ban quản lý sẽ thực hiện trong thời gian tới là lập hồ sơ đề cử Bộ sưu tập di sản Hán Nôm ở làng Trường Lưu (thế kỷ XVII - XX), là di sản tư liệu thứ 3 của làng Trường Lưu trình UNESCO.

Bộ sưu tập gồm 173 tài liệu tại 14 nhà thờ các dòng họ, đình làng và 8 tư gia của làng Trường Lưu (từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX). Đây là khối tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động văn hóa, giáo dục của làng bao gồm: sắc phong và văn bản hành chính, hoành phi, câu đối, trướng, bia, gia phả, văn cúng và sách cổ. Đặc biệt trong phần sách cổ có “Quảng Thuận Đạo sử tập” do Nguyễn Huy Quýnh soạn quãng năm 1775-1785, có tư liệu về chủ quyền của Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa.

Cả 3 di sản tư liệu Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ và Bộ sưu tập di sản Hán Nôm ở làng Trường Lưu (thế kỷ XVII - XX) hiện được trưng bày ở trụ sở Ban Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Trường Lưu (trụ sở của UBND xã Trường Lộc cũ), đang thu hút khách tham quan.

Làng Văn hóa Trường Lưu và hệ thống di sản đặc sắc

Ngày 13/1/2021, đoàn công tác UNESCO do Trưởng đại diện Văn phòng tại Việt Nam ông Michael Croft dẫn đầu đã tới tham quan Trung tâm Bảo tồn di sản làng văn hóa Trường Lưu ở xã Kim Song Trường.

Giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của hệ thống di sản văn hóa được khẳng định là 5 truyền thống văn hóa tiêu biểu của làng Trường Lưu, cũng là các truyền thống văn hóa, họ tộc ở các nước Đông Bắc Á: học hành thi cử; hoạt động xã hội; sáng tác; dạy học; xây dựng và bảo tồn di sản của văn hóa làng Trường Lưu.

Các truyền thống này mang tính kết nối (theo chiều dọc), thế hệ tiếp thế hệ, theo trục thời gian suốt 6 thế kỷ và giao lưu văn hóa, là quan hệ liên kết các hoạt động (theo chiều ngang) - là điểm nổi bật của văn hóa làng Trường Lưu so với các làng khác ở Việt Nam và cả các làng khác như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...

Với 6 truyền thống này, cùng với quan hệ mật thiết gắn bó trực tiếp với Truyện Kiều của Nguyễn Du, Làng văn hóa Trường Lưu có thể đáp ứng được tiêu chí về việc xét công nhận Di sản văn hóa thế giới của UNESCO.

Giáo sư, Viện sỹ - Tiến sỹ khoa học

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống